Thế giới lên tiếng về 'trò gian lận lịch sử khổng lồ' của Trung Quốc

TP - Trung Quốc vừa công bố tấm bản đồ quốc gia đầu tiên theo chiều dọc nuốt chửng biển Đông, báo South China Morning Post của Hong Kong ngày 25/6 dẫn nguồn Xinhua. Đây là hành động mới nhất thể hiện tham vọng lãnh thổ ngang ngược của Trung Quốc.
Tấm bản đồ dọc phi pháp mà Trung Quốc vừa xuất bản. Ảnh: Xinhua

Hai tấm bản đồ “Địa hình Trung Quốc” và “Bản đồ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” khổ dọc, do Nhà xuất bản Bản đồ tỉnh Hồ Nam vẽ, đã được Cục Thông tin địa lý đo lường quốc gia Trung Quốc phê chuẩn và được phát hành chính thức. 


Tất cả các bản đồ chính thức trước đó của Trung Quốc đều theo phương ngang, tập trung vào phần lãnh thổ đất liền rộng lớn. Còn vùng biển và các hòn đảo (mà Trung Quốc tự nhận là của mình) thường được vẽ quy mô nhỏ, đặt trong một ô riêng rẽ ở góc bản đồ. 

Nay tấm bản đồ khổ dọc (được bán ra thị trường từ ngày 23/6) nhấn mạnh biển Đông, với “đường lưỡi bò” ngang ngược liếm gần hết biển Đông, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc chiếm từ tay Philippines. 

Tấm bản đồ dọc nhấn mạnh các tính năng địa chính trị và quản lý hành chính. Nó còn bao gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, hiện do Nhật Bản quản lý. Nhà xuất bản Bản đồ tỉnh Hồ Nam tuyên bố, việc xuất bản tấm bản đồ dọc “có ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ chủ quyền biển quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”. Trước đó, mẫu hộ chiếu mới nhất Trung Quốc (lưu hành từ năm 2012) in kèm bản đồ “đường lưỡi bò”.

Thử phản ứng

Giáo sư Lee Yunglung thuộc Viện biển Đông - Đại học Hạ Môn (Trung Quốc) cho rằng, Trung Quốc công bố tấm bản đồ dọc mới nhằm thử phản ứng của các nước láng giềng. 

“Thực tế tấm bản đồ mới do một nhà xuất bản địa phương xuất bản cho phép Bắc Kinh né tránh khả năng phản ứng mạnh mẽ của các quốc gia láng giềng. Đồng thời, nó mở đường cho chính phủ Trung Quốc khuyến khích sử dụng tấm bản đồ đó trong tương lai nếu phản ứng (của các nước liên quan và cộng đồng quốc tế) không quá dữ dội”, giáo sư Lee nhận định.

Ông Lee cho rằng, động thái mới của Trung Quốc nhằm giành nhiều lợi thế. Nếu phát ngôn ở trong nước, tấm bản đồ mới không chỉ được sử dụng để cổ súy nhận thức của công chúng về yêu sách lãnh thổ (một cách trái phép), mà còn được dùng như một bằng chứng nhằm củng cố đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh. 

Trên bình diện quốc tế, tấm bản đồ “thể hiện cho các quốc gia rằng, chính phủ Trung Quốc xác định rõ tầm quan trọng của vùng biển ngang với lãnh thổ đất liền. Nó cũng ngụ ý Trung Quốc có thể phản ứng mạnh tay với các tranh chấp trên biển cùng cấp độ khốc liệt như nước này đang ứng xử với Tây Tạng hay Tân Cương”, giáo sư Lee nhận định.

Mới đây, thẩm phán Antonio Carpio thuộc Tòa án Tối cao Philippines sử dụng 72 bản đồ cổ (trong đó 15 bản đồ xuất xứ từ Trung Quốc) để vạch rõ rằng, chính các tấm bản đồ cổ đã tố giác hành vi của Trung Quốc là “trò gian lận lịch sử khổng lồ”. 

Các tấm bản đồ trên dù do người Trung Quốc hay người nước ngoài vẽ đều không có quần đảo Trường Sa hay Hoàng Sa trên biển Đông. Các bản đồ của Trung Quốc từ thời nhà Thanh trở về trước đều thể hiện đảo Hải Nam là cực nam Trung Quốc. 

Giới chuyên gia quốc tế đã nhiều lần bác bỏ bản đồ “lưỡi bò” hết sức vô lý, ngang ngược của Trung Quốc. Họ đều khẳng định, trên thực tế, các tấm bản đồ kiểu này được vẽ hoàn toàn mơ hồ, không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào và vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

Báo Mỹ Wall Street Journal ngày 25/6 chạy hàng tít “Vũ khí mới của Trung Quốc trong trận chiến giành giật biển Đông là…một tấm bản đồ dọc”. Tờ báo dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 25/6 hạ thấp tầm quan trọng của tấm bản đồ mới, nói rằng một số bản đồ do chính quyền một số địa phương xuất bản “với mục đích phục vụ công chúng”.