Thế giới hướng về nước Mỹ

TP - Ngày 11/9/2021, các nhà lãnh đạo trên thế giới đã gửi thông điệp thể hiện sự đoàn kết với nước Mỹ nhân dịp tưởng niệm 20 năm ngày xảy ra loạt vụ khủng bố kinh hoàng làm gần 3.000 người thiệt mạng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Đệ nhất phu nhân Jill Biden đã tham dự buổi lễ tưởng niệm 20 năm vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 tại Ground Zero, thành phố New York.Tham dự lễ tưởng niệm trên còn có các cựu tổng thống và nhiều quan chức chính quyền, như cựu Tổng thống Barack Obama, Bill Clinton và cựu Thị trưởng thành phố New York Michael Bloomberg.

Thành viên và đại diện một số gia đình của các nạn nhân vụ khủng bố ở New York, Virginia và Pennsylvania cũng có mặt lại buổi lễ tưởng niệm.

Vụ nổ tại tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York ngày 11/9/2001

Những người tham dự đã dành phút mặc niệm khi đồng hồ địa phương chỉ lúc 8h46 sáng cùng ngày, thời điểm chiếc máy bay đầu tiên của những kẻ khủng bố đâm vào tòa tháp phía Bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới; lúc 9h03, khi chiếc máy bay thứ hai đâm vào tòa tháp phía Nam; và lúc 9h37 khi máy bay tấn công Lầu Năm Góc. Trong khi đó, từ New Jersey, nghệ sỹ Bruce Springsteen đã thể hiện ca khúc “I'll See You in My Dreams” để tưởng niệm sự kiện này.

Tổng thống Biden đã đăng tải một video vào ngày 10/9 để tưởng nhớ những người thiệt mạng trong vụ tấn công đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ diễn ra 20 năm trước và kêu gọi người dân thể hiện tình đoàn kết.

Cựu Tổng thống George W. Bush, người từng là tổng thống vào thời điểm xảy ra vụ tấn công khủng bố năm 2001, cũng có bài phát biểu.

Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố: "Sau 20 năm đã qua, ngày nay, chúng ta có thể nói rằng chúng (những chiến binh thánh chiến) đã thất bại trong việc làm lay chuyển niềm tin của chúng ta...." Ông nhấn mạnh: "Chúng cũng thất bại trong việc đẩy các nước chúng ta ra xa nhau hoặc khiến chúng ta từ bỏ những giá trị của mình, hoặc phải sống trong nỗi sợ hãi thường trực".

Trên mạng xã hội Twitter, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel khẳng định Liên minh châu Âu (EU) sát cánh cùng Mỹ và Tổng thống Mỹ tiếp tục chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan.

Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ không bao giờ quên. Chúng ta sẽ luôn luôn đấu tranh vì tự do".

Tổng thống Italy Sergio Materrella tuyên bố nước này sát cánh cùng Mỹ và các đồng minh khác nhằm chống lại bất kỳ mối đe dọa khủng bố nào.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh: "Chúng ta phải thừa nhận rằng mặc dù chúng ta có thể đánh bại khủng bố, lực lượng đang đe dọa an ninh của chúng ta, nhưng ở thời điểm hiện tại, chúng ta chưa thể đạt được mục tiêu của mình".

Thủ tướng Australia Scott Morrison cho rằng: "Sự kiện 11/9 xảy ra cách đây 2 thập kỷ nhắc nhở chúng ta rằng tự do luôn mong manh. Theo như lời của cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, tự do cần phải được mỗi thế hệ đấu tranh và bảo vệ liên tục".

Đại sứ Nga tại LHQ Anatoly Antonov nhấn mạnh Nga chia sẻ sự mất mát đối với nước Mỹ trong thảm họa khủng bố 11/9 và đề nghị hai nước nối lại hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu bất chấp những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ giữa hai nước.

Cuộc chiến chống khủng bố đã thay đổi nước Mỹ

Trong cuộc thăm dò dư luận của Kênh truyền hình Fox News ngày 9/9/2021, khoảng 2/3 số người Mỹ (64%) được hỏi ý kiến cho rằng sự kiện 11/9 đã vĩnh viễn thay đổi cuộc sống của họ.

Thực vậy, sau sự kiện 11/9, một loạt các nhóm khủng bố bên ngoài đã bị tiêu diệt, bóc gỡ mạng lưới hoặc cắt nguồn cung cấp tài chính. Trong 20 năm qua, mặc dù Mỹ và các đồng minh châu Âu vẫn phải hứng chịu một số cuộc tấn công khủng bố, nhưng nhìn chung các cuộc tấn công này là tương đối nhỏ, và đều kém xa so với vụ khủng bố ngày 11/9 cả về quy mô, mức độ và con số thương vong.

Cũng trong cuộc thăm dò dư luận trên của Fox News vừa qua, 65% người Mỹ được hỏi cho rằng nước Mỹ hiện nay an toàn hơn so với năm 2001, trong khi đó chỉ có 17% cho rằng nước Mỹ kém an toàn, còn 13% thì cho rằng thách thức khủng bố đối với an ninh nước Mỹ vẫn như cũ, không có gì thay đổi.

Đáng chú ý, tâm trạng an toàn của người Mỹ trong cuộc thăm dò dư luận lần này được thực hiện khoảng 3 tuần sau khi Taliban giành được quyền kiểm soát tại Kabul và hiện đang có một số nghi ngại nổi lên về sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố.

Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia phân tích quốc tế, việc tập trung nguồn lực trong cuộc chiến chống khủng bố khiến vị thế của nước Mỹ trên bàn cờ thế giới bị lung lay nghiêm trọng.

Để tập trung cho chiến lược chống khủng bố, Mỹ phải cấu trúc lại chiến lược an ninh, đối ngoại như tập trung nhiều hơn vào khu vực có nguy cơ cao, nơi sinh ra các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan như Trung Đông - Bắc Phi, rồi bắt tay làm lành với các địch thủ như Nga, Trung Quốc, Pakistan, tiếp đó là xây dựng các liên minh ngoại giao, quân sự mới trên phạm vi toàn cầu.

Việc tập trung vào khu vực Trung Đông - Bắc Phi và sự can thiệp quân sự vào khu vực này đã tạo ra một loạt các bất ổn mới từ Iraq, Syria đến Libya. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của các nhóm hồi giáo cực đoan mới như Nhà nước Hồi giáo IS được hình thành trên lãnh thổ Iraq và Syria trong giai đoạn 2012 - 2016.

Cuộc chiến chống khủng bố cũng làm cho Trung Quốc trở thành quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất. Từ chỗ được Tổng thống Bush xem là địch thủ khi mới lên cầm quyền nhưng nhờ có sự kiện 11/9, Trung Quốc lại được Mỹ chuyển hóa, tranh thủ và lợi dụng để trở thành đối tác trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.

Trung Quốc tận dụng mối quan hệ tốt này với Mỹ để âm thầm xây dựng sức mạnh kinh tế và quân sự để rồi trở thành cường quốc có khả năng thách thức Mỹ trên mọi phương diện.

Cuộc chiến chống khủng bố đã tạo ra gánh nặng lớn về ngân sách. Từ chỗ duy trì mức nợ liên bang khá thấp cách đây 20 năm thì nay Mỹ đứng trước món nợ ngân sách khổng lồ tới trên 28.000 tỷ USD, tức khoảng 120% GDP. Đó là chưa kể con số 3.500 tỷ USD mà chính quyền Biden dự kiến sẽ vay tiếp để phục hồi nền kinh tế Mỹ giai đoạn sau COVID-19.