THẾ GIỚI 24H: Xả súng vào đám cưới ở Nigeria, 48 người thương vong

TPO - Các tay súng lái xe máy đã xông vào làng Kukum-Daji, huyện Kaura, bang Kaduna, miền Bắc Nigeria, vào tối ngày 19/7 và xả súng vào các khách mời đang dự tiệc cưới.
Thi thể các nạn nhân chuẩn bị được chôn cất tập thể. Ảnh: Twitter.
“Các tay súng đã giết chết 18 người trong buổi tiệc và khiến 30 người khác bị thương, hầu hết đều là thanh niên”, ông Bege Katuka Ayuba, Chủ tịch huyện Kaura, nói với AFP. “15 người chết ngay tại chỗ, còn 3 người kia chết trong bệnh viện”, ông Ayuba nói thêm. Phát ngôn viên cảnh sát bang Kaduna, ông Mohammed Jalinge, xác nhận vụ tấn công nhưng không tiết lộ danh sách những người thiệt mạng. Hiện chưa rõ ai là người đứng sau vụ tấn công.
Ngày 20/7, Chính phủ Anh thông báo đình chỉ thỏa thuận dẫn độ với Hong Kong (Trung Quốc) "ngay lập tức và vô thời hạn," quyết định được cho là có liên quan tới việc Trung Quốc ban hành Luật Bảo vệ an ninh quốc gia tại đặc khu hành chính này. Phát biểu với các nghị sỹ, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab xác nhận động thái trên và cho biết London sẽ mở rộng lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Hong Kong. Trước đó, truyền thông Anh đưa tin nước này sẽ hủy bỏ thỏa thuận dẫn độ với Hong Kong kể từ ngày 20/7.
Ngày 20/7, hãng tin nhà nước SANA của Syria dẫn nguồn tin quân sự nước này cho biết lực lượng phòng không Syria đã đánh chặn “nhiều mục tiêu của kẻ địch” trên bầu trời thủ đô Damascus. Cuộc tấn công đã làm ít nhất bảy binh sỹ Syria bị thương. Theo SANA, các tên lửa của Israel đã được phóng từ Cao nguyên Golan, vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Syria, nhằm vào các mục tiêu ở phía nam thủ đô Damascus.
Hôm 20/7, Bộ Thương mại Mỹ thông báo đưa 11 công ty Trung Quốc vào danh sách đen vì có liên quan tới vi phạm nhân quyền đối với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương (phía Tây Trung Quốc), theo hãng tin AFP. Bộ Thương mại Mỹ cho biết 11 công ty Trung Quốc bị trừng phạt "có liên quan đến vi phạm nhân quyền và lạm dụng trong việc thực thi chiến dịch trấn áp của Trung Quốc, giam giữ tùy tiện quy mô lớn, lao động cưỡng ép, thu thập dữ liệu sinh trắc học và phân tích di truyền không tự nguyện”.
Tân Hoa xã đưa tin ngày 20/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố Trung Quốc kiên quyết phản đối việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với các quốc gia khác theo luật pháp trong nước. Ông Uông đã đưa ra tuyên bố trên sau khi Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell ngày 18/7 đã bày tỏ mối quan ngại của ông về việc Mỹ ngày càng sử dụng các biện pháp trừng phạt, hoặc đe dọa trừng phạt đối với các công ty và lợi ích của châu Âu, coi việc áp đặt các biện pháp trừng phạt ngoài lãnh thổ là đi ngược lại luật pháp quốc tế.
Theo trang worldometers.info, tính đến 5h30 ngày 21/7 (giờ Việt Nam), toàn thế giới có 14.823.869 ca nhiễm COVID-19, trong đó 612.186 ca tử vong, 8.885.440 ca phục hồi. Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COIVD-19 với 3.952.141 ca nhiễm, 143.692 ca tử vong và 1.842.721 ca phục hồi. Tiếp theo đó là Brazil, Ấn Độ, Nga, Nam Phi.
Ngày 20/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên tiếng cảnh báo về sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại châu Phi, nhấn mạnh rằng số lượng các ca bệnh tăng mạnh tại Nam Phi có thể là "điềm báo trước" về các đợt bùng phát dịch trên khắp "lục địa đen." Phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến, Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan nói: "Hiện tôi rất quan ngại rằng chúng ta đang bắt đầu chứng kiến một đợt gia tăng dịch bệnh ở châu Phi."
Ngày 21/7, lãnh đạo các nước Liên minh châu Phi (AU) sẽ tiến hành một cuộc họp trực tuyến nhằm tháo gỡ bế tắc liên quan đến đập thủy điện Đại Phục Hưng đang gây căng thẳng giữa Ai Cập, Ethiopia và Sudan. Là dự án thủy điện lớn nhất châu Phi, đập Đại Phục Hưng được khởi công xây dựng từ năm 2011 tại Ethiopia trên dòng sông Nile Xanh. Bất đồng về việc vận hành đập thủy điện này là nguyên nhân chính gây căng thẳng giữa Ethiopia và Ai Cập.
Cuộc tập trận hải quân giữa Ấn Độ và Mỹ đã khai mạc ngày 20/7 tại vùng biển gần quần đảo Andaman và Nicobar trên Ấn Độ Dương. Cuộc tập giữa Mỹ và Ấn Độ nhằm củng cố sự phối hợp giữa lực lượng hải quân của 2 nước. Phía Mỹ đã cử nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz tham dự sự kiện này.