THẾ GIỚI 24H: Thủ tướng Thụy Điển bị Quốc hội bãi nhiệm

TPO - Quốc hội Thụy Điển hôm nay (21/6) đã chính thức bãi nhiệm Thủ tướng Stefan Lofven sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm diễn ra cùng ngày.
Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven. Ảnh: Reuters

Với 181 phiếu thuận trên tổng số 349 nghị sĩ trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ở Quốc hội Thụy Điển, ông Stefan Lofven đã trở thành Thủ tướng đầu tiên của Thụy Điển bị Quốc hội phế truất. Theo đó, Thủ tướng Lofven sẽ có 1 tuần để từ chức và chuyển giao quyền thành lập chính phủ mới cho Chủ tịch Quốc hội hoặc tổ chức cuộc bầu cử sớm. Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, ông Lofven khẳng định sẽ đàm phán với các đảng phái để đưa ra quyết định một cách nhanh nhất có thể.

AP ngày 21/6 dẫn thông báo của công tố viên liên bang Đức xác nhận một nhà khoa học người Nga đang làm việc tại một trường đại học ở Đức đã bị bắt giữ từ hôm 18/6 với cáo buộc "làm việc cho một cơ quan tình báo của Nga ít nhất từ đầu tháng 10/2020". Đức gọi nghi phạm là Ilnur N. nhưng không công bố chi tiết danh tính và bối cảnh người này bị bắt giữ. Nghi phạm là trợ lý nghiên cứu ngành công nghệ và khoa học tự nhiên ở một trường đại học của Đức. Nhà và nơi làm việc của nghi phạm đã bị khám xét.

Theo CNBC, hãng hàng không American Airlines đã phải hủy hơn 300 chuyến bay vào cuối tuần, phần nhiều là vì không có đủ nhân viên phục vụ chuyến bay. Báo cáo cũng cho biết thêm rằng thời tiết xấu ở miền Nam và các nguyên nhân khác đã khiến hãng hàng không phải giảm 1% tổng lịch bay trong nửa đầu tháng 7. Được biết trước đó, American Airlines đã đưa ra dự đoán du lịch trong mùa hè năm nay sẽ gần bằng mức như trước dịch Covid-19.

Bộ Tư pháp Iraq hôm nay (21/6) ban hành 4 án tử hình và 1 án tù chung thân với thủ lĩnh cấp cao của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) do thực hiện nhiều tội ác khủng bố ở quốc gia này. Theo tuyên bố của Hội đồng Tư pháp Tối cao Iraq, kẻ khủng bố - chưa được tiết lộ danh tính đã bị kết nhiều tội danh như sát hại, bắt cóc dân thường, tấn công, sát hại binh sĩ Iraq và là chủ mưu nhiều cuộc khủng bố khác nhằm vào các thị trấn thuộc phía Bắc nước này.

Thống kê của Bộ Nông nghiệp nông thôn Trung Quốc cho thấy, giá thịt lợn trong tuần thứ 3 của tháng 6 tại Trung Quốc là 15,13 tệ/kg (khoảng 97 nghìn đồng/kg), giảm 6,8% so với tuần trước và giảm 50,9% so với cùng kỳ. Giá thịt lợn giảm mạnh cũng khiến Trung Quốc đối mặt với khủng hoảng thừa thịt lợn, diễn biến trái ngược so với những gì xảy ra tại nước này (nước tiêu thụ và nhập khẩu thịt lợn lớn nhất thế giới) trong gần hai năm qua, khi dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung thịt lợn tại Trung Quốc sụt giảm và giá thịt tăng vọt.

Ngày 21/6, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa thêm 8 quan chức và 3 công ty bị cáo buộc liên quan đến quân đội Myanmar vào danh sách các cá nhân và thực thể bị trừng phạt. Theo danh sách được công bố trên tạp chí chính thức của EU, trong số những cá nhân và tổ chức bị đóng băng tài sản và cấm thị thực bao gồm các Bộ trưởng Nội vụ, An ninh, Tài chính, Tài nguyên thiên nhiên và Giao thông vận tải.

Ngày 21/6, Bộ Tài chính Mỹ thông báo áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào hàng chục cá nhân và thực thể của Belarus liên quan đến việc Belarus buộc một máy bay dân sự của hãng hàng không Ryanair (Ireland) hạ cánh khẩn cấp để kiểm tra an ninh. Trước đó, cùng ngày ngoại trưởng các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí áp đặt các biện pháp trừng trên phạm vi rộng hơn nhằm vào các nguồn thu chính của Belarus là xuất khẩu phân bón, thuốc lá, dầu mỏ, hóa dầu và lĩnh vực tài chính. Các biện pháp này, gồm một lệnh cấm bán thiết bị giám sát cho Belarus và xiết chặt lệnh cấm vận vũ khí, sẽ được 27 nước thành viên EU chính thức thông qua trong những ngày tới.

Bức tranh “hai nước Mỹ” đang dần xuất hiện khi quốc gia này có khoảng cách giữa những người đã tiêm chủng và những người chưa tiêm chủng, trong bối cảnh biến thể Delta đang lây lan nhanh chóng. Mục tiêu tiêm vaccine cho 70% dân số Mỹ trước ngày 4/7 của Tổng thống Joe Biden có thể sẽ không đạt được khi các chuyên gia cảnh báo rằng các biện pháp khuyến khích người dân tiêm vaccine đang giảm sức hút. Theo The Guardian, nguy cơ “hai nước Mỹ” có thể sẽ xảy ra trong bối cảnh biến thể Delta lần đầu tiên xuất hiện ở Ấn Độ đang trở thành chủng virus SARS-CoV-2 chiếm ưu thế ở Mỹ.