THẾ GIỚI 24H: Tập đoàn quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ bị tấn công khủng bố, nhiều thương vong

TPO - Vụ tấn công diễn ra vào thời điểm đổi ca bên trong trụ sở tập đoàn TUSAS làm ít nhất 4 người thiệt mạng và 14 người khác bị thương.
Hình ảnh các tay súng khủng bố tấn công vào bên trong trụ sở TUSAS vào ngày 23/10. (Ảnh: IHA)

Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Ali Yerlikaya cho biết, ít nhất ba phần tử khủng bố tham gia vào vụ tấn công trụ sở tập đoàn hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (TUSAS) ở ngoại ô Ankara vào ngày 23/10 (theo giờ địa phương). Cũng theo ông Yerlikaya, hai trong ba tay súng đã bị tiêu diệt và lực lượng an ninh đang truy tìm đối tượng còn lại. Các báo cáo ban đầu cho biết, tay súng thứ ba nhiều khả năng đã cho kích nổ bom tự sát khi tấn công vào cổng chính của TUSAS. Theo tuyên bố của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, vụ tấn công khủng bố vào trụ sở tập đoàn TUSAS đã làm ít nhất 4 người chết và 14 người khác bị thương.

Thượng đỉnh BRICS ra tuyên bố chung, vạch hướng phát triển và lập trường toàn cầu. Ngày 23/10, tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) diễn ra ở TP. Kazan (Nga), lãnh đạo các nước thành viên đã thông qua tuyên bố chung Kazan, theo hãng thông tấn TASS. Tuyên bố chung Kazan bao gồm 134 điểm với 43 trang, trong đó đề cập đường hướng phát triển của nhóm, lập trường về nhiều vấn đề toàn cầu, lệnh trừng phạt, giải quyết các cuộc khủng hoảng khu vực, bao gồm ở Ukraine và Trung Đông.

Thủ lĩnh kế nhiệm Hezbollah đã chết. Hezbollah hôm 23/10 đã xác nhận cái chết của ông Hashem Safieddine, người trước đó được cho là sẽ kế nhiệm cố thủ lĩnh tối cao Hassan Nasrallah vừa bị ám sát hồi tháng 9. Phía quân đội Israel hôm 22/10 tuyên bố ông Safieddine thiệt mạng trong một cuộc không kích vào đầu tháng này, cùng với Ali Hussein Hazima, người đứng đầu đơn vị tình báo của Hezbollah.

Anh, Đức ký thỏa thuận quốc phòng mang tính bước ngoặt. Ngày 23/10, Anh và Đức đã ký một thỏa thuận quốc phòng mang tính bước ngoặt nhằm ứng phó với các mối đe dọa an ninh trong khu vực. Đây là thỏa thuận quốc phòng đầu tiên giữa hai quốc gia có mức chi tiêu quân sự lớn nhất tại châu Âu.

Trang thông tin điện tử của Bộ Ngoại giao Nga bị tấn công mạng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova ngày 23/10 thông báo do vụ tấn công mạng từ chối dịch vụ DDoS quy mô nhằm vào các nền tảng Internet của Bộ Ngoại giao, cơ quan này sẽ chuyển buổi họp báo sang 14h (giờ địa phương). Theo kế hoạch, cuộc họp báo của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga đáng lẽ diễn ra vào 10h (giờ địa phương), song trang thông tin điện tử của Bộ Ngoại giao - nơi thường truyền trực tiếp sự kiện này đã dừng hoạt động. Trang web Bộ Ngoại giao hiện cũng không mở được từ các thiết bị di động. Bà Zakharova khẳng định các chuyên gia đang nỗ lực khôi phục hoạt động của trang web sau vụ tấn công mạng.

Mỹ lên tiếng thông tin Triều Tiên đưa quân đến Nga. Ngày 23/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rằng Mỹ có bằng chứng cho thấy Triều Tiên đã gửi 3.000 binh sĩ tới Nga. Phát ngôn của ông Austin đánh dấu lần đầu tiên một quan chức Mỹ nói về thông tin Triều Tiên đưa quân đến Nga. “Có bằng chứng cho thấy có quân Triều Tiên ở Nga. Chính xác họ đang làm gì thì vẫn chưa rõ” - ông Austin nói. Không lâu sau đó, Nhà Trắng lặp lại quan điểm của ông Austin, cho rằng binh sĩ Ukraine “đã đi bằng tàu từ khu vực Wonsan ở Triều Tiên đến TP. Vladivostok (vùng Viễn Đông, Nga)”.

Tổng thống Biden tuyên bố muốn "nhốt" ông Trump. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 22/10 (giờ Mỹ) phát biểu rằng, ứng viên Cộng hòa Donald Trump là mối đe dọa với nền dân chủ, và cần bị "nhốt lại về mặt chính trị". CNN dẫn lời Tổng thống Mỹ Biden phát biểu trong sự kiện tổ chức tại trụ sở đảng Dân chủ ở bang New Hampshire rằng, “nền dân chủ đang bị đe dọa trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, và ứng viên Cộng hòa Trump là một mối đe dọa nghiêm trọng”.

Tổng thống Ukraine muốn thỏa thuận ngừng tấn công cơ sở năng lượng. Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Kiev sẵn sàng dừng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga nếu Moscow có động thái tương tự. Đề xuất này đã được các bên thảo luận trong các cuộc đàm phán do Qatar làm trung gian nhưng sau đó bị hủy bỏ do Ukraine tấn công vào vùng lãnh thổ Kursk của Nga. Cũng theo Tổng thống Ukraine, đảm bảo an ninh năng lượng và tự do hàng hải sẽ là những dấu hiệu cho thấy xung đột sẽ sớm kết thúc nếu Nga chấp nhận các điều kiện.