Sau khi chuyển một trung tâm hội nghị thành bệnh viện dã chiến với sức chứa 1.000 giường chỉ trong 1 tuần ở New York, nhà chức trách đang tìm kiếm các khách sạn, ký túc xá, trung tâm hội nghị và những không gian rộng lớn khác để xây thêm khoảng 341 bệnh viện tương tự. Tính đến ngày 31/3, số ca tử vong tại Mỹ do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã lên tới 3.393 ca. Theo đó, số ca tử vong tại Mỹ đã vượt qua Trung Quốc (3.305) và xếp thứ 3 thế giới sau Italy (12.428) và Tây Ban Nha (8.464).
Một tàu ngầm chiến lược Hà Lan buộc phải hủy diễn tập giữa chừng và quay trở về căn cứ lập tức sau khi dịch Covid-19 hạ gục tới gần 1/6 thủy thủ đoàn. Bộ Quốc phòng Hà Lan cho biết, tàu ngầm hạt nhân HNLMS Dolfijn, lớp Walrus của Hải quân Hoàng gia nước này phải cắt ngắn sứ mệnh sau khi 15 thủy thủ trên tàu có biểu hiện giống nhiễm cúm. 8 người trong số họ về sau có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới.
Tính tới rạng sáng 1/4, khu vực Đông Nam Á có tổng cộng 9.425 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 975 ca mới. Số người thiệt mạng vì dịch bệnh nguy hiểm đã tăng lên 282 người, nhiều hơn 18 ca so với một ngày trước đó. Tín hiệu đáng mừng là các nước trong khu vực cũng thông báo 1.375 người đã được điều trị thành công và xuất viện. Malaysia, Philippines, Thái Lan và Indonesia là bố nước ASEAN phải hứng chịu dịch COVID-19 nặng nề nhất.
Các quan chức y tế cấp cao Italy ngày 31/3 tuyên bố dịch Covid-19 tại nước này đã đạt đỉnh sau khi có thêm 837 nạn nhân thiệt mạng vì dịch. Tính từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Italy vẫn là quốc gia chịu tổn thất nhân mạng lớn nhất thế giới, với 12.428 ca tử vong và gần 106.000 ca nhiễm bệnh. Tuy nhiên, các dấu hiệu về việc đà lây lan của dịch chậm lại vẫn tiếp tục được ghi nhận. Tại vùng tâm dịch Lombardy, số ca nhiễm mới đã giảm ngày thứ 6 liên tiếp, với chỉ 1.047 ca trong ngày 31/03.
Các phân tích từ tổ chức cứu trợ CARE đã liệt kê 15 quốc gia "có rủi ro rất cao" trở thành những "điểm nóng" dịch Covid-19 và hầu hết các nước này đều nằm ở Trung Đông và châu Phi như: Syria, Iraq, Yemen, Afghanistan, Somalia, Sudan, Nam Sudan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Nigeria, Uganda, Cộng hòa Trung Phi, Chad, Niger và Haiti. Phân tích trên cũng chỉ ra rằng những nước này có nguy cơ đối mặt với thách thức từ dịch Covid-19 cao gấp 3 lần và những khó khăn trong việc tiếp cận hệ thống chăm sóc y tế cao gấp 6 lần.
Ngày 31/3, truyền thông Trung Đông đưa tin khoảng 35.000 người Syria phải đi lánh nạn do xung đột leo thang đã trở về nhà ở tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria. Động thái này diễn ra sau khi các bên xung đột đạt được thỏa thuận ngừng bắn do Thổ Nhĩ Kỳ và Nga làm trung gian. Theo một số nguồn thạo tin, nhiều người Syria đã trở về nhà ngay sau khi chính quyền Syria tạm dừng các chiến dịch quân sự ở khu vực trên.
Ngày 31/3, Trung Quốc xác nhận một tàu đánh cá của nước này và một tàu khu trục của Lực lượng Phòng vệ trên Biển (MSDF) của Nhật Bản đã va chạm ở vùng biển ngoài khơi phía Nam thành phố Thượng Hải vào đêm 30/3, đồng thời hy vọng Tokyo sẽ hợp tác điều tra và ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho hay tàu cá của Trung Quốc đã bị hư hại và một ngư dân trên tàu bị thương ở phần thắt lưng do vụ va chạm, đồng thời cho biết hai chính phủ hiện đang duy trì liên lạc về vụ việc. Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo tàu khu trục Shimakaze bị hư hại ở phía mạn trái, song 13 thành viên thủy thủ đoàn trên tàu đều vô sự.
Một trực thăng thuộc lực lượng quân đội đồn trú của Trung Quốc đã rơi tại Hong Kong khi đang tiến hành hoạt động huấn luyện. Theo SCMP, chiếc trực thăng của Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc đã rơi trong cuộc diễn tập tại công viên Tai Lam ở Hong Kong hôm 30/3. Chiếc trực thăng thuộc đơn vị quân đội Trung Quốc đồn trú tại đặc khu hành chính này.