THẾ GIỚI 24H: Iran bắt tàu Hàn Quốc có thuyền viên Việt Nam

TPO - Truyền thông Iran hôm 4/1 đưa tin lực lượng hải quân của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo nước này đã bắt giữ một tàu Hàn Quốc "vì gây ô nhiễm vùng vịnh Ba Tư bằng hóa chất".
Tàu chở dầu mang cờ Hàn Quốc đang trên hành trình từ Saudi Arabia đến UAE thì bị lực lượng Iran bắt giữ. Ảnh: Reuters.
Chính phủ Hàn Quốc đã lên tiếng yêu cầu Iran lập tức thả tàu chở hóa chất HANKUK CHEMI bị nước này bắt giữ và cho biết đã cử đơn vị chống cướp biển đến khu vực Eo biển Hormuz. Trong một thông báo, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc xác nhận tàu trên di chuyển vào lãnh hải Iran theo yêu cầu của nhà chức trách quốc gia vùng Vịnh này. Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, tàu MT Hankuk Chemi có 20 thủy thủ đoàn gồm 5 người Hàn Quốc, 11 người Myanmar, 2 người Indonesia và 2 người Việt Nam. Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Iran khẳng định các thành viên thủy thủ đoàn vẫn an toàn, đồng thời yêu cầu phía Iran sớm thả tàu trên. Theo bộ trên, đơn vị chống cướp biển Cheonghae của Hàn Quốc đang di chuyển đến hiện trường. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng tuyên bố sẽ phối hợp với các bộ ngoại giao và ngư nghiệp, cũng như lực lượng hải quân đa quốc gia hoạt động tại các vùng biển gần đó để xử lý vụ việc.
Chính quyền thủ đô Washington của Mỹ hiện đang chuẩn bị các biện pháp bảo đảm an ninh khi dự kiến khoảng 500.000 người ủng hộ Tổng thống Donald Trump sẽ biểu tình tại khu vực xung quanh Nhà Trắng. Lưỡng viện quốc hội Mỹ ngày 06/01 sẽ có phiên họp chung để kiểm phiếu đại cử tri và chính thức công bố ai được bầu làm Tổng thống và phó Tổng thống. Khoảng 500.000 người từ nhiều tiểu bang dự kiến sẽ tập trung tại khu vực xung quanh Nhà Trắng để thể hiện sự ủng hộ đối với Tổng thống Donald Trump trong ngày này. Các nhóm biểu tình bao gồm nhóm cực tả Proud Boys từng tổ chức các cuộc biểu tình và gây ra các vụ đập phá, xung đột trong phong trào Black Lives Matter và biểu tình ủng hộ Tổng thống Trump hồi tháng 11 và 12 năm ngoái.
Gần 200 lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu ở Mỹ đã viết thư kêu gọi quốc hội xác nhận kết quả bầu cử với chiến thắng giành cho ứng cử viên Joe Biden. Trong bức thư gửi quốc hội ngày 04/01, các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ cho rằng mọi nỗ lực nhằm hủy bỏ hoặc làm chậm trễ việc xác nhận kết quả bầu cử đều đi ngược lại các nguyên tắc dân chủ ở Mỹ. Tham gia ký bức thư này có đại diện của nhiều doanh nghiệp trong danh sách 500 công ty lớn nhất ở Mỹ được tạp chí Fortune xếp hạng hàng năm theo tổng doanh thu cho các năm tài chính tương ứng của họ.
Đại diện Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết Iran đã thông báo với IAEA về kế hoạch sản xuất uranium với mức làm giàu lên tới 20%, vượt xa ngưỡng cam kết theo thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 (JCPOA).Đáng chú ý, chỉ mới trong tháng 12 vừa qua, ông Rouhani vừa khẳng định nước này sẵn sàng trở lại tuân thủ đầy đủ thỏa thuận ngay sau khi các bên còn lại tôn trọng những cam kết của mình. Ông cũng tái khẳng định quyết tâm nắm bắt “cơ hội” khi nước Mỹ sẽ chính thức có tổng thống mới vào tháng 1.
Một thẩm phán Anh đã bác bỏ đề nghị của Mỹ về việc dẫn độ người sáng lập WikiLeaks Julian Assange sang Mỹ để đối mặt với các cáo buộc gián điệp. Theo AP, thẩm phán Vanessa Baraitser của Toà án hình sự Old Bailey hôm nay (4/1) cho biết, Assange có thể tự vẫn nếu bị dẫn độ sang Mỹ. Chính phủ Mỹ tuyên bố sẽ phản đối phán quyết trên. Các công tố viên Mỹ đã buộc 17 tội gián điệp đối với Assange, 49 tuổi, và một tội xâm phạm hệ thống máy tính của chính phủ Mỹ, công bố các thông tin mật của quân đội, gồm cả đoạn video cuộc tấn công của trực thăng Apache ở Baghdad hồi 2007 làm hơn chục người thiệt mạng, trong đó có hai phóng viên của hãng tin Reuters. Các cáo buộc này có thể khiến Assange bị phạt tối đa là 175 năm tù.
Ngày 4/1, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết đã có ít nhất 15 người, phần lớn là các binh sĩ Chính phủ Syria bị sát hại trong một vụ tấn công do những phần tử có vũ trang thực hiện nhằm vào một xe buýt. Đây là vụ tấn công thứ hai kiểu như vậy xảy ra tại nước này trong mấy ngày gần đây. Vụ tấn công xảy ra vào tối 3/1 tại khu vực Wadi al-Azib thuộc tỉnh Hama của Syria. Ngoài những người thiệt mạng, 15 người khác đã bị thương. Hiện chưa có tổ chức nào thừa nhận việc thực hiện vụ tấn công trên, nhưng theo SOHR, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công này.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 454.574 trường hợp mắc COVID-19 và 7.886 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên gần 86 triệu người, trong đó gần 1,86 triệu ca tử vong. Tâm dịch của thế giới có nguy cơ tái bùng phát ở châu Á.Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 5/1 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 85.973.513 ca, trong đó có 1.858.685 người thiệt mạng.