Thầy giáo Lê Hồng là tác giả của đề án “Chế tạo, phát triển bếp đun cải tiến TK90 tiết kiệm năng lượng” được nhận “Giải thưởng khuyến học- Tự học thành tài” của Giải thưởng Nhân tài đất Việt năm 2018.
Là người dân sinh ra và lớn lên ở vùng cao của huyện Thanh Ba, Phú Thọ, là giáo viên nhưng lại thích chế tạo, ông Lê Hồng, đã từng dạy ở các trường dạy nghề Trung cấp Cơ khí động lực (Cơ khí 2), Trường Quản lí xí nghiệp 1 bên tổng cục Hậu cần, Trường Công nhân kĩ thuật Việt Đức, Kĩ thuật 1 đã sáng chế ra bếp TK90.
Nhưng đặc biệt, theo ông Lê Hồng, công nghệ sản xuất Bếp TK90 là 1 công nghệ hoàn toàn sạch, không qua nung, rất thân thiện với môi trường.
“Bếp làm từ nguyên vật liệu chịu nhiệt mà có thể khai thác 80% tại địa phương. Bếp có độ bền cao, sử dụng được 3-6 năm, giá thành phù hợp với những hộ nghèo, rất dễ sử dụng”- thầy giáo làng này cho biết.
Cũng theo ông Lê Hồng, giá thành bếp giao động từ 150.000 đồng – 350.000 đồng (tùy từng loại). Như vậy, trừ tất cả các chi phí đầu vào như nguyên vật liệu, khấu hao tài sản, thuế, tiền công,… lợi nhuận của mỗi sản phẩm trong khoảng 7 – 10%, tương đương với 15-20 nghìn đồng/bếp.
Người thầy giáo lương hưu 2 triệu đồng và ước mơ trở thành “doanh nhân”
Với những tính năng ưu việt của bếp TK90, nhiều năm qua cơ sở sản xuất của có thể sản xuất 50 chiếc/ngày và khoảng 6000 bếp/năm để phục vụ bà con ở các tỉnh miền Bắc,…
Tuy nhiên, cũng theo ông Lê Hồng, nhiều bà con nghèo ở xa gọi điện với mong muốn được sử dụng bếp TK90 nhưng vì bếp làm bằng đất chịu nhiệt, khối lượng nặng, vận chuyển xa rất khó khăn và đội chi phí lên cao, “lực bất tòng tâm” phải từ chối nhiều đơn hàng.
Thầy giáo này còn kể chuyện trước đây cũng đã từng hợp tác với 1 tư nhân mở xưởng sản xuất Bếp TK90, trong quá trình hợp tác sản phẩm Bếp TK90 không đạt chất lượng, đưa ra giá thành không phù hợp với người nghèo, sản phẩm tiêu thụ chậm nên đã dừng sản xuất.
Khi được hỏi ông có muốn mang chiếc bếp “đi xa” hơn không ông cho biết: “Vì bếp phục vụ người nghèo nên đã được các tổ chức phi chính phủ, các công ty mua phát không cho bà con. Tuy nhiên, muốn tăng lợi nhuận thì không thể tăng giá bếp mà tôi phải nghĩ tới tăng khả năng sản xuất lên, giảm chi phí đi cũng như bếp cần thiết kế nhẹ hơn để người dân dễ dàng sử dụng được ”- thầy Lê Hồng cho biết.
Khi hỏi về cuộc sống hiện tại, ông Lê Hoàng cho rằng, lương nghỉ mất sức chỉ có 2 triệu/ tháng và tiền kiếm được từ việc sản xuất bếp TK90 cho người nghèo.
Ông Hồng cho biết, ngày xưa, thời kì những năm 1970-1980 đi dạy là thời kì mới thống nhất nước nhà, kinh tế thì bao cấp khó khăn. Lương tháng người giáo viên nghèo như ông được vài mét vải, 13kg gạo, 3-5 lạng thịt theo phiếu mà thôi.
“Ngày nay, nghe các cháu nói, đời sống giáo viên đã khác trước rất nhiều. Thậm chí, nhiều học sinh lên thăm thầy cô đã tặng phong bì chứ không còn tặng hoa nữa. Văn hóa phong bì là khía cạnh tiêu cực, nó đã nảy sinh trong xã hội rồi. Thực ra, tình cảm học sinh với giáo viên thì có, nhưng văn hóa phong bì là khía cạnh tiêu cực của giáo dục, không thể cưỡng lại được”- ông Hồng chia sẻ.
Nói về dự định tương lai, thầy giáo già cho rằng, vẫn sẽ tiếp tục cải tiến bếp TK90 như trọng lượng nhẹ hơn, mẫu mã đẹp hơn để người dân đều có thể chấp nhận được: “Như vậy, bếp làm bằng công nghệ sạch này sẽ đến các vùng xa xôi nhiều hơn”- ông Lê Hồng chia sẻ.
Các giải thưởng đã đạt được mà ông giáo Lê Hồng đã được nhận:
- Giải nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc năm 1990
- Giải nhì cuộc thi: Phát hiện các sáng kiến bảo vệ môi trường năm 2005 -2006” – Do bộ Tài Nguyên và Môi Trường và Đài tiếng nói Việt Nam tổ chức.
- Bằng khen: Tuyên dương toàn quốc về bảo vệ môi trường năm 2010
- Bằng khen về lao động sáng tạo của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam.
- Giải thưởng WIPO của tổ chức Sở Hữu Trí Tuệ Thế Giới.
- Bằng độc quyền giải pháp hữu ích do Cục Sở Hữu trí tuệ Việt Nam cấp.