Thầy giáo mù lập mái ấm cho trẻ khuyết tật

Hơn 20 năm sống trong bóng tối, Đặng Ngọc Duy làm thơ, học đàn, học chữ Braille, tốt nghiệp đại học và tự mình thành lập mái ấm Hướng Dương (Tam Kỳ, Quảng Nam), cưu mang 21 trẻ em khuyết tật và thắp lên ánh sáng cho tâm hồn các em.

Thầy giáo mù lập mái ấm cho trẻ khuyết tật

> Thầy giáo khiếm thị thắp sáng cho trẻ khuyết tật

Hơn 20 năm sống trong bóng tối, Đặng Ngọc Duy làm thơ, học đàn, học chữ Braille, tốt nghiệp đại học và tự mình thành lập mái ấm Hướng Dương (Tam Kỳ, Quảng Nam), cưu mang 21 trẻ em khuyết tật và thắp lên ánh sáng cho tâm hồn các em.

Thầy Đặng Ngọc Duy đang dạy học trò của mình. (Ảnh: VOV).

Mười ba tuổi, tai nạn ập đến đã cướp đi nửa bàn tay và đôi mắt của anh, khi đó làm thế nào anh có thể vượt qua nỗi tuyệt vọng? Anh đã viết những dòng thơ thật đẹp về mẹ, điều gì anh học được từ cha mẹ để làm hành trang sống cho mình?

Sinh ra và lớn lên tại phố thị Tam Kỳ, tuổi thơ của tôi không trọn vẹn. Chuỗi ngày sống trong bóng tối mênh mông tưởng chừng không thể nào chịu nổi, bạn bè tới lui thưa dần.

Tôi rơi vào u uất, tuyệt vọng. Nỗi khát khao được đi học cứ canh cánh trỗi dậy, cùng hồi ức về những ngày tươi đẹp cùng thả diều với bạn bên dòng sông Trường Giang, đánh trận giả, đá banh… Cho đến bây giờ, trái banh tuổi thơ bằng nhựa còn lăn trong đầu tôi…

Những kỷ niệm tươi sáng đó cùng những dòng chữ nổi dệt lên bao điều kỳ diệu như thách thức, khiến đứa học trò khiếm thị như tôi phải chăm chỉ cần cù hơn trong học tập.

Thơ Đặng Ngọc Duy

Cuộc đời nho nhỏ
Cuộc đời muôn thơ nhạc
Trong bể khổ mênh mông
Không thể là sỏi đá
Để đời mình rêu phong
Mỗi cuộc đời nho nhỏ
Đi ngang qua cõi trần
Không một chút phân vân
Ấm bàn tay, hơi thở
Dù thân mình khuyết tật
Dù hạnh phúc quay lưng
Trong cuộc đời nghiệt ngã
Vẫn ca hát ân tình
Mỗi cuộc đời nho nhỏ
Sống là để yêu thương
Dòng đời ta sóng vỗ
Cho bến bờ thêm hương.

Nơi tôi ở giống như một “xóm nước đen”, hình ảnh mẹ tôi còm cõi thức đêm gói bánh, sáng sớm quẩy gánh hàng rong đi bán khắp hang cùng ngõ hẻm, cha bước thấp bước cao kéo xe bò trong nắng gắt đã đi vào thơ của tôi: Thương cha xe kéo vòng vòng/ Mồ hôi loáng loáng mưa giông bóng gầy…

Ngày ngày phụ gia đình gánh nước, cắt lá làm bánh ú, bánh chưng… cuộc sống nghèo khó đã hình thành bản tính chịu thương chịu khó trong tôi.

Mặc dù cơ cực nhưng ba mẹ luôn dặn dò các con chú tâm học tập để có chữ làm người, sống lễ phép, thương yêu, bao dung, nhường nhịn người khác. Giờ lớn tuổi rồi, ba mẹ vẫn thức đêm nấu bánh đến 1 giờ sáng, vẫn còn cơ cực mà mình không biết giúp thế nào…

Mười bốn tuổi anh bỏ nhà đi bụi, kỷ niệm nào anh nhớ nhất về những ngày lang bạt đầy cay đắng ấy?

Càng ý thức sâu sắc về mình, tôi càng thấy hổ thẹn, bởi mình còn quá thấp kém. Máu phiêu lưu trỗi dậy, thế là lén cha mẹ vào Nam, ra Bắc để tìm hiểu thực tế những người như mình. Chuyến đi đầy những chuyện cười ra nước mắt.

Tới Ngã ba Thành, nghe ở Nha Trang có trường mù phát triển lắm, tôi kêu xích lô chở tới, người xích lô nghĩ tôi không có tiền trả, nên quẳng tôi giữa đường. Chơ vơ một mình giữa mênh mông đất trời, tôi phải lần mò suốt một chặng đường dài mới tới nơi.

Một kỷ niệm sâu sắc mà tôi không bao giờ quên: nghe tôi kể chuyện, các bạn cùng cảnh ngộ rất xúc động, đã quyên tiền cho tôi đi tiếp vào Sài Gòn. Đúng là lá rách đùm lá... te tua.

Xuống xe lúc nửa đêm, tôi đi bộ đến trước cửa một cơ quan đứng đó chờ trời sáng. Lần đầu tiên đi xa, phiêu bạt giữa Sài Gòn, nỗi sợ lớn nhất của tôi là bị chôm túi xách.

Tìm hiểu hết các nơi có người khuyết tật, thời gian rảnh vào thư viện đọc sách, từ đó, tôi hiểu hạnh phúc không có nghĩa đầy ắp tiếng cười mà có cả sự đau khổ, và phải có kiến thức mới làm được điều mình mong muốn.

Thầy Duy và những học sinh khuyết tật tại mái ấm Hướng Dương. (Ảnh: VOV).

Con đường chinh phục kiến thức của anh đã trải qua những thăng trầm nào? Thất bại lớn nhất mà anh gặp phải?

Tôi từng viết thư gửi vô Sài Gòn xin đăng ký học trường mù, nhưng bị từ chối vì tuổi quá lớn. Năm 1992, trường đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu Đà Nẵng thành lập, tôi được đến trường, chấp nhận học lại từ lớp 1 đến lớp 5.

Nếu người ta có hai bằng đại học, thì tôi có hai bằng... tiểu học. Nhưng hết tiểu học nhà trường lại không cho học nữa, khiến tôi thất vọng lần hai. Buồn quá, tôi về lại Tam Kỳ học tiếp lớp 7 trường Nguyễn Huệ cùng em gái.

Học cùng các bạn bình thường, người ta học bằng mắt, tôi học bằng đôi tai. Hàng ngày em chở tôi đi học, đọc bài cho mình ghi âm… Đến giờ, tôi đã có một thư viện nhỏ băng cátxét đủ các loại sách.

Thất bại lớn nhất với tôi là ba mùa thi vào đại học đều trượt! Mùa đầu người ta không cho mình thi, phải chạy ra bộ Giáo dục, bộ “bật đèn xanh” mới được thi. Nhưng do quá lo lắng, mất ngủ triền miên, tôi đau nặng không làm bài được. Lúc nào việc thi cũng canh cánh.

Lần thứ hai, thứ ba cũng không đậu, tôi vẫn kiên trì ôn luyện trong sự chê cười của mọi người. Cuối cùng trời không phụ lòng người, tôi đã bước vào giảng đường khoa Văn đại học Sư phạm Quảng Nam. Có thể tôi không đi nhanh, nhưng chắc chắn tôi không đi thụt lùi, đó là phương châm sống của tôi.

Quyết tâm, không bao giờ nản chí, khi nào buồn quá tôi thường đi du lịch, tìm đến một không khí khác để lấy lại sức mạnh. Thú viễn du trong tôi rất mạnh, nó giúp tôi đổi mới tâm hồn.

Một mình đứng ra lập mái ấm Hướng Dương, những ngày đầu gầy dựng với anh hẳn đầy gian nan?

Nếm đủ mùi cay đắng, từ khổ đau của chính mình, tôi hiểu mỗi người phải tự chọn cho mình con đường và niềm vui riêng. Lập trường cho trẻ mồ côi khuyết tật để nuôi dạy các em thơ đã hình thành trong tôi từ thời cấp 3, ý tưởng chín dần khi tôi vào đại học.

Năm 2008, khi các bạn cùng khoá đi xin việc làm, thì tôi ngồi nhặt nhạnh kiến thức xây dựng đề án mở trường. Vấn đề khó nhất là… tiền đâu? Bỏ tiền in tập thơ đầu tay Sắc màu âm thanh để quyên tiền lập mái ấm, được khoảng vài chục triệu đồng, thế là tôi quyết định dựng trường. Ba mẹ rất lo, sợ mình mù không làm được việc lớn, may mắn những đứa em tôi rất ủng hộ, động viên, tiếp sức.

Chưa có vợ, nhưng cũng phải thuê nhà, mua chén đũa giường tủ như ra ở riêng… Các bạn tôi đã cùng đứng lớp, chung tay với mình, để hình thành bộ máy giảng dạy. Mình có thể khát, có thể đói, nhưng phải bảo đảm đời sống cho các bạn để họ yên tâm công tác.

Tôi nhớ mãi những ngày đầu vất vả đi tuyển sinh ở Bắc Trà My, vùng dân tộc Kadong, đó là vào khoảng giáp tết. Mình mù mà phải trèo đèo lội suối, bất ngờ gặp mưa lũ suýt chết…

Vô vàn khó khăn ban đầu, nhưng rất may tiếng lành đồn xa, nhiều nhà hảo tâm đã tìm đến giúp đỡ. Đến giờ thì cha tôi rất mừng, vì con đã tạo lập được một nơi che chở cho những mảnh đời bất hạnh.

21 thân phận trẻ khuyết tật đến với anh là 21 cảnh đời nghiệt ngã: vừa câm, điếc, mù, thiểu năng… Khó khăn nhất với việc dạy các em là gì?

Không có cuốn sách nào bằng tấm gương của chính mình. Mình phải sống sao đó để các em nhìn vào mà học tập. Ngoài trang bị kiến thức tốt để truyền dạy các em và hướng dẫn cộng sự của mình kỹ năng giảng dạy.

Mỗi em một tật bệnh, phải cùng ăn, cùng ngủ, cùng sống với các em, để hiểu được tâm tính, thể chất từng bé, mới có thể tìm ra những cách dạy khác nhau, và phải chia nhỏ kiến thức ra, tìm cách dỗ dành các em, kiên nhẫn và cơ cực lắm.

Ở đây, mỗi em là một bi kịch. Mỹ Lan bị ba mẹ bỏ rơi từ tấm bé, sống với bà nội đã 85 tuổi, bà không biết gởi đâu, vì cháu vừa bị khiếm thị, vừa bị bệnh não. Bây giờ thì em đã biết hát, biết ngâm thơ.

Trần Văn Nghị đã 13 tuổi nhưng còi cọc, nói không rõ chữ, lại có thêm chứng động kinh. Ba em bệnh tâm thần, mẹ có mấy đời chồng, bỏ em vơ vất. Nguyễn Công Tài mới bảy tuổi mà ăn nói tỏ vẻ chín chắn già dặn lắm, ba mẹ em quá nghèo phải tìm cách gửi con vào đây…

Không hiểu sao dải đất miền Trung này có quá nhiều trẻ bất hạnh, tôi cố gắng tạo cho các em nơi vui chơi sinh hoạt học tập, để các em có niềm vui, niềm tin, bắt đầu cuộc sống, từ đó kết thành ngọn lửa để cả cộng đồng cùng chung tay.

Không còn cách nào khác là chính người khuyết tật phải tự thắp lửa cho mình, tự hoàn thiện bản lĩnh và khả năng để hội nhập cuộc sống. Hiện cơ sở chỉ có một phòng học và một phòng ở với hai chiếc giường, nên các em phải học ghép. Con nhà nghèo mà, phải liệu cơm gắp mắm thôi.

Các bé đã khiến nhiều người rơi lệ khi hát những ca khúc của thầy Duy: Tiếng hát từ trái tim, Hướng về mặt trời, Sống để yêu thương… Anh đã tìm thấy sự đồng cảm, bình đẳng và tự tin nhờ đâu?

Những ngày mới sống trong bóng tối, tôi đã tìm đến thơ và nhạc. Thú vui lúc ấy với tôi là sửa lời bài hát, sau thấy vô duyên quá nên không làm nữa. Khi đó, radio là người bạn thân của tôi, mở cho tôi những cánh cửa thôi thúc mình.

Khát vọng lại trỗi dậy, tôi xin đi học đàn, nhưng thầy chê đã mù tay lại chỉ còn ba ngón, làm sao học được. Tôi vẫn quyết chí bắt người nhà dẫn đến lớp, đứng bên ngoài dò dẫm theo từng nốt nhạc của thầy.

Khổ luyện từ sáng sớm tới đêm khuya, thầy thương quá nên đã nhận làm học trò. Vừa học đàn, vừa tham gia bút nhóm Thiên Thanh, có thơ đăng báo, chia sẻ với những người đồng cảnh ngộ… tự nhiên tâm hồn tôi phơi phới, tươi trẻ lại. Thơ tôi còn khá vụng về, nhưng tình tôi rất thực. Chính thơ và nhạc đã giúp tôi nghị lực để nuôi dưỡng ước mơ, và biến ước mơ thành hiện thực.

Thơ với tôi là “nhật ký của bóng tối”, tôi ghi lại tất cả mọi vui buồn bằng thơ. Thơ mang lại cho tôi những người bạn quý, sống có tình, đi tìm sẽ chẳng ra đâu. Còn niềm tin được xây dựng bằng sự say mê làm việc, học tập, tạo cho mình một góc nhìn, một ý tưởng để theo đuổi đến cùng, đó chính là lẽ sống. Một lẽ sống đẹp sẽ giúp mình có niềm tin mạnh mẽ để mở ra những con đường đi…

Những bài hát của tôi đều nói về tâm trạng của mình… Xưa giờ tôi chỉ nghĩ đó là đôi cánh cho mình, nhưng khi dạy các em hát, tôi thấy các em rất vui, rất hạnh phúc, nhất là khi được hát trên sân khấu lớn. Âm nhạc làm người ta quên đi nỗi đau cá nhân, và gần nhau rất nhanh.

Anh có gặp may mắn trong tình yêu?

Nếu trong vai trò người thầy, tôi rất mạnh mẽ, thì trong tình yêu tôi rất yếu mềm. Nhưng tôi nghĩ cứ sống hết lòng và chân thành thì cuộc đời đã và đang bù đắp cho tôi. Mỗi lần thất tình lại cho tôi một bài thơ. Thơ sinh ra từ nỗi đau. Nỗi đau làm cho người ta lớn lên, trưởng thành. Nhiều khi cuộc đời bằng phẳng quá lại không thành người, phải có một trận đau tưởng chết mới hiểu cuộc đời quá mong manh. Càng đau tôi lại càng yêu cuộc đời hơn.

Anh có thấy đơn độc khi những nỗ lực của mình chưa nhận được sự cộng hưởng của xã hội?

Tôi không buồn đâu. Cứ cố gắng làm hết mình, cứ trang trải với đời, toả ra một lực, thì lực đó sẽ tác động, kéo thêm nhiều lực khác. Tôi sống chân thành, cởi mở, hoà đồng, vui vẻ với mọi người, và luôn lạc quan, tin tưởng. Tôi nghĩ tàn tật tất nhiên là bất tiện, nhưng tuyệt nhiên không bất hạnh, mù chỉ là một chướng ngại phải vượt qua. Người khuyết tật luôn cần một điểm tựa, đó là sự cảm thông, chia sẻ, và tạo điều kiện cho họ phát triển.

Với một người không còn ánh sáng, một ngày bắt đầu như thế nào, kết thúc ra sao?

Đối với người mù, cuộc sống là âm thanh. Một ngày bắt đầu với tôi bằng tiếng chim kêu báo hiệu bình minh, và hơi ấm của những tia nắng vàng nhảy nhót. Mỗi sớm mai, việc đầu tiên của tôi là cầm lấy cây đàn guitar và hát. Đó là cách để lên dây cót tinh thần cho một ngày mới. Tôi lên lớp giảng bài cho đến khi tiếng còi nhà máy báo hiệu kết thúc một ngày. Buổi tối lại chìm vào suy tư với những bài toán còn dang dở, mà bài toán hóc búa nhất là kinh phí nuôi dạy các em.

Mơ ước lớn nhất với anh bây giờ là gì?

Nếu ông Bụt cho tôi hai điều ước, tôi sẽ ước có một sổ tiết kiệm ổn định để nuôi dạy các em, và gặp một nhà tài trợ xây dựng một trụ sở ổn định cho mái ấm Hướng Dương (cười hạnh phúc).

Nỗi sợ hãi lớn nhất của anh là gì?

Tôi chưa sợ bất cứ điều gì, cứ cố gắng làm đúng, tin con đường mình đi là đúng thì không sợ gì cả.

Anh nghĩ gì về ánh sáng bên trong của mỗi con người?

Con người ai sinh ra cũng có một trái tim. Hãy biết khơi dậy và nuôi dưỡng một lẽ sống đẹp, để trái tim không bị tật nguyền, tự nhiên sẽ toả ra ánh sáng.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

Theo Đăng lại