Đến điểm phụ Rạch Vẹm (ấp Rạch Vẹm, xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), tiếp xúc với các thầy cô và học sinh nơi đây mới thấy việc dạy và học của thầy trò điểm Rạch Vẹm còn nhiều khó khăn. Trường vỏn vẹn 5 phòng học, tuy nhiên các phòng đã xuống cấp nhiều. Đáng nói, trường chưa có điện lưới quốc gia, chưa có nước sạch, không có phòng giáo viên…
Đa phần các học sinh nơi đây là con em của bà con sống nghề chài lưới, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nhiều em một buồi đến lớp, một buổi đi theo cha mẹ ra biển đánh bắt... Chính vì hoàn cảnh các em học sinh nơi đây khó khăn nên các giáo viên không thể bỏ trường, bỏ lớp.
Một trong những giáo viên gắn bó lâu năm với điểm phụ Rạch Vẹm là thầy Nguyễn Thanh Tâm - dạy môn Mỹ Thuật trường tiểu học và THCS Rành Dầu. Trước đây, thầy Tâm là giáo viên tiểu học, từ năm 2006, thầy Tâm được phân công dạy môn Mỹ thuật cho bậc THCS.
Suốt 5 năm qua, để đến điểm phụ Rạch Vẹm “gieo chữ”, thầy Tâm băng qua đường rừng quốc gia Phú Quốc Suối Cái - Gành Dầu. Thầy Tâm chia sẻ: “Điều kiện dạy và học ở điểm trường này còn nhiều khó khăn lắm, tuy nhiên học sinh nơi đây còn thiệt thòi và khó khăn chẳng thua gì ngôi trường này. Vì thế, bản thân tôi cũng như các giáo viên nơi đây không thể bỏ các em được”.
Tuyến đường rừng thầy Tâm băng qua dài khoảng 13km, đường đất đỏ, hai bên rừng cây hun hút, không một bóng người… Theo thầy Tâm, khó khăn nhất là những hôm trời mưa, đường trơn trượt, lầy lội, nhiều đoạn trũng, nước ngập sâu đến tận đầu gối… Khi gặp cảnh này, thầy Tâm phải nhờ người dân làm bè mới “cõng” xe máy qua được.
Khi băng qua đường rừng, điều gì giúp thầy vững tay lái? Thầy Tâm cười, cho biết: “Khi đi đến trường thì trong đầu chỉ nghĩ đến các học trò. Còn khi về, thì nghĩ đến vợ con đang ở nhà chờ mình…”.
Do đường rừng, chỉ có người với cây nên mỗi khi xe thủng lốp, chết máy, thầy Tâm dắt bộ 5-6km là chuyện thường. Còn những hôm trời tối quá, thầy Tâm gọi điện thoại cho đồng nghiệp hoặc người thân đến “giải cứu” để khỏi phải ngủ trong rừng.
Hiện tại, thầy Tâm dạy 25 buổi/tuần, trong đó, có 4 tiết dạy ở điểm phụ Rạch Vẹm. Để đến trường đúng giờ, thầy Tâm phải đi từ 5h sáng, bởi thế khi vào đường rừng, trời còn tối om, thầy Tâm phải điều khiển xe chạy thật chậm để không đâm xe vào vách núi, cây rừng... Còn đến những đoạn trơn trượt, gần suối, thầy Tâm xuống xe, dẫn bộ, có khi đến trường, quần áo thầy lấm lem bùn đất.
Thầy Trần Tấn Đức - Phó hiệu trưởng trường tiểu học - THCS Gành Dầu, cho biết: “Nhiều năm qua khi đến điểm phụ Rạch Vẹm dạy học, thầy Tâm phải băng qua đường rừng trắc trở, tuy nhiên thầy Tâm không hề phiền hà và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Còn với đồng nghiệp, học trò, thầy Tâm luôn thân thiện, gần gũi tận tình giúp đỡ, đặc biệt là với học sinh nghèo khó”.
Ban giám hiệu trường tiểu học và THCS Gành Dầu cho biết thêm, tại điểm phụ Rạch Vẹm còn có một giáo viên dạy nhạc cũng phải băng đường rừng dạy học như thầy Tâm. Ngoài ra, khi có giáo viên nghỉ ốm, thai sản…, nhà trường cũng phân công cho các giáo viên khác đến điểm Rạch Vèm, các giáo viên này cũng đi xuyên qua rừng quốc gia Phú Quốc Suối Cái - Gành Dầu dạy học.
Chúng tôi rời điểm trường Rạch Vèm cũng là lúc thầy Tâm cỡi con “ngựa sắt”, băng qua đường rừng quốc gia Phú Quốc về nhà. Lúc này, trời đang vần vũ, sắp đổ mưa… Các em học sinh ra chào thầy Tâm, chúc thầy đi đường bình an.