Thấy gì qua đợt tập huấn bộ sách giáo khoa lớp 1 Cánh Diều tại các cơ sở giáo dục?

Cánh Diều là một trong 5 bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 được Bộ GD &ĐT phê duyệt để cho học sinh lớp 1 học trong năm học tới. Không chỉ cung cấp kiến thức nhằm hình thành và phát triển năng lực cho học sinh, bộ sách Cánh Diều còn bồi dưỡng cho các em những phẩm chất tốt đẹp và kỹ năng sống cần thiết. Bộ sách này đã được các tỉnh thành trong cả nước lựa chọn với tỉ lệ cao nhất.

Hơn một tháng, bằng lối truyền đạt khoa học mà gần gũi, những người tham gia biên soạn Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Tổng chủ biên, Chủ biên, tác giả SGK các môn học của bộ sách Cánh Diều và một số giảng viên các trường đại học sư phạm đã trực tiếp giới thiệu, hướng dẫn học viên về nội dung và phương pháp giảng dạy SGK các  môn học, gồm Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Hoạt động trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật và Giáo dục thể chất. Có thể nói, đây là tiền đề quan trọng giúp giáo viên có thể dạy học hiệu quả theo bộ sách Cánh Diều khi bộ sách chính thức được đưa vào sử dụng ở năm học 2020-2021 tới đây.

Bám sát các yêu cầu cơ bản về phương pháp dạy học  theo SGK Cánh Diều, vận dụng một cách linh hoạt và sáng tạo theo tình hình thực tế của địa phương

Đây là kim chỉ nam mà GS.TSKH Đỗ Đức Thái nêu ra khi tập huấn cho giáo viên (GV) tại các cơ sở GD trên toàn quốc về SGK Toán lớp 1 Cánh Diều. Mỗi GV phải là người mở cánh cửa tri thức giúp các em bước vào thế giới kỳ diệu, phải tạo ra được những sáng tạo bất ngờ và thú vị cho từng bài học chứ không nên áp đặt kiến thức một cách khô khan khiến HS thấy khó, thấy sợ môn Toán.

Giáo viên huyện Bình Chánh (TP HCM) dự lớp tập huấn SGK Cánh Diều.

GS Đỗ Đức Thái trong buổi ra mắt bộ sách Cánh Diều

Cô Vân, giáo viên Tiểu học tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, nội dung tập huấn mà cô và đồng nghiệp được trải nghiệm không chỉ giúp học viên nắm bắt được các yêu cầu cần đạt của Chương trình môn Toán lớp 1 mà còn nhận biết được một cách rõ ràng nhất những nội dung cốt lõi của Chương trình môn Toán lớp 1. Quán triệt  tư tưởng “Mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống”, mỗi chủ đề trong SGK Toán 1 Cánh Diều đều được bắt đầu bằng một tranh vẽ gần gũi, phù hợp với nội dung của chủ đề, mỗi chủ đề được phân chia thành các bài học, mỗi bài học lại được tổ chức thành một chuỗi hoạt động học tập của học sinh. Việc nắm bắt, hiểu đúng và hiểu sâu về tinh thần, nội dung, cấu trúc cũng như ý đồ của tác giả sẽ giúp nhà trường và giáo viên chủ động, mạnh dạn, tự tin khi xây dựng kế hoạch dạy học sao cho khoa học, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương mình. 

Bên cạnh đó, kho học liệu điện tử mà SGK Toán 1 Cánh Diều mang lại đã khai thác thế mạnh của công nghệ thông tin giúp HS quan sát được các thao tác để mô phỏng lại tình huống toán học, qua đó, tăng hiệu quả của việc dạy học hình thành phẩm chất và năng lực cho học sinh theo SGK Toán 1 Cánh Diều, đồng thời cũng giúp người giáo viên giảm nhẹ lao động sư phạm. Đặc biệt hơn, giáo viên có thể tải về kho học liệu điện tử này để sử dụng cả trong điều kiện không có kết nối internet.

Gs Nguyễn Minh Thuyết trong một buổi tập huấn về sách Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều

Theo cô Vân, buổi tập huấn đã giúp GV biết được điều mình phải làm, con đường mình phải đi để hướng đến mục tiêu của chương trình, biết cách đổi mới - sáng tạo trong phương pháp và hình thức tổ chức dạy học. Hãy tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm, khởi động để từ đó giúp trẻ phân tích, khám phá, tìm tòi những tri thức mới, và cho trẻ cơ hội vận dụng những kiến thức, kĩ năng đã học vào thực tiễn. Đó là tinh thần chủ đạo mà GS Thái  đã truyền đạt cho giáo viên qua buổi tập huấn.

Với Phó GĐ Sở GD&ĐT Thái Nguyên Nguyễn Văn Hưng  thì “Tinh giản, thiết thực nhưng vẫn thực hiện đầy đủ nội dung của chương trình, là điều mà các giáo viên rất tâm huyết và tâm đắc. Đổi mới và sáng tạo sâu sắc nhưng vẫn đậm nét kế thừa chương trình hiện hành đã khiến SGK Toán lớp 1 Cánh Diều không lạ lẫm khi GV tiếp cận và thực hiện bài giảng. Đây cũng là một điểm mạnh khiến hầu hết các cơ sở GD &ĐT  trong tỉnh lựa chọn SGK lớp 1 Cánh Diều nói chung và môn Toán nói riêng”.

Còn nhìn về tổng quát, thầy Lê Anh Tuấn, Trưởng Phòng GD & ĐT Tân Sơn (Phú Thọ) cho biết : Bộ SGK lớp 1 Cánh Diều có kênh hình, kênh chữ sinh động, dễ hiểu. Logo cánh diều gắn liền với tuổi thơ không chỉ là đồ chơi mà còn thể hiện sự thông minh, khéo léo cũng như tài năng của các em.  Chẳng hạn, SGK Tiếng Việt 1 có nhiều bài tập đọc giúp học sinh không quên chữ, quên vần đã học. Phần luyện tập tổng hợp có thêm các bài hướng dẫn học sinh đọc sách, kết hợp nhiều tranh, ảnh màu sắc đẹp,...

Điểm tâm đắc của thầy Tuấn và các GV Tân Sơn khi quyết định lựa chọn bộ sách Cánh Diều trên địa bàn trước hết là bộ sách có đầy đủ cả 8 môn và được biên soạn với thiết kế mới mẻ, hấp dẫn về hình thức, cách trình bày, cấu trúc đẹp, rõ ràng;  kênh chữ, kênh hình đẹp được sắp xếp khoa học theo trật tự chủ đề; đưa ra được những cách dẫn dắt học sinh khám phá tri thức mới, những cách tổ chức dạy học để tạo hứng thú cho người học. Nội dung có sự tích hợp và phân hóa phù hợp với học sinh. Ngoài  SGK Toán và Tiếng Việt 1 Cánh Diều , sách Tự nhiên và Xã hội và Sách Giáo dục Thể chất của bộ sách Cánh Diều cũng được 100% các thầy cô huyện miền núi Tân Sơn lựa chọn cho học sinh trên địa bàn.

Trên địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum, trong buổi tập huấn bởi chính các Tổng chủ biên, Chủ biên, các tác giả SGK lớp 1 Cánh Diều, những vấn đề cần trao đổi đã được chính những tác giả biên soạn sách giải thích cụ thể, kỹ càng.

Thầy Ê Ly - Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Kông Chro) rất thích thú và tâm huyết với bộ môn Âm nhạc: “Khi tiếp cận với môn Âm nhạc của bộ sách Cánh Diều và tham gia lớp tập huấn này, tôi cảm thấy vô cùng thú vị. Không chỉ hiểu rõ hơn về bộ môn, tôi còn có điều kiện rèn luyện, tích lũy thêm cho bản thân những kỹ năng giảng dạy sao cho cuốn hút. Khác với chương trình hiện hành, với sách mới, ngay từ lớp 1, giáo viên chúng tôi đã phải hướng dẫn học sinh sáng tạo và chơi những nhạc cụ đơn giản, đồng thời giúp các em làm quen với tiết tấu. Điều này chắc chắn sẽ giúp mỗi tiết học trở nên sinh động hơn. Hơn nữa, sách cũng đưa vào thêm nhiều bài hát mới khá hay”.

Trường Tiểu học xã Đất Bằng (huyện Krông Pa) là một trong số 146 cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn tỉnh Gia Lai lựa chọn bộ sách giáo khoa lớp 1 Cánh Diều để dạy và học. “Trường nằm ở xã vùng 3 là vùng đặc biệt khó khăn. Qua tham khảo, nghiên cứu 5 bộ sách, chúng tôi cảm thấy bộ sách Cánh Diều khá phù hợp với tình hình thực tế của trường cũng như điều kiện kinh tế-xã hội ở địa phương. Mức độ kiến thức trong bộ sách đi từ thấp đến cao, dễ đến khó; có đưa hình ảnh học sinh dân tộc thiểu số và nhiều hình ảnh quen thuộc, gần gũi trong đời sống hàng ngày vào minh họa; điều kiện giảng dạy của giáo viên có thể đáp ứng được. Vì vậy, chúng tôi đã quyết định chọn bộ sách này để áp dụng tại trường. Dự kiến năm học tới, trường sẽ tuyển sinh 4 lớp 1 với khoảng 100 học sinh; tất cả các em đều là người Jrai. Do đó, việc tham dự và lĩnh hội hiệu quả kiến thức, kỹ năng tại lớp tập huấn lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với trường” - Hiệu trưởng, thầy Nguyễn Văn Đam cho biết.

Hầu hết giáo viên giảng dạy lớp 1 tại các cơ sở giáo dục Tiểu học đều có thời gian khá dài để nghiên cứu các bộ sách giáo khoa mới trước khi lựa chọn SGK. Cô giáo  Phan Thị Thảo Vy - Giáo viên dạy lớp 1, Trường Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương Gia Lai - chia sẻ: “Là người trực tiếp đứng lớp nên khi chọn sách giáo khoa, chúng tôi rất chú trọng đến sự phù hợp về đặc tính vùng miền, phương ngữ và trình độ, năng lực của học sinh. Qua nghiên cứu 5 bộ sách, tôi nhận thấy bộ nào cũng hay, hình ảnh đẹp và đáp ứng mục tiêu giáo dục chung là phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Tuy nhiên, bộ sách Cánh Diều có lẽ là phù hợp hơn với trường nói chung và giáo viên chúng tôi nói riêng cả về nội dung lẫn hình thức. Để chuẩn bị tốt nhất việc dạy sách giáo khoa mới trong năm học tới, ngoài tham gia các lớp tập huấn do ngành tổ chức như thế này, tôi còn chủ động tham khảo trên internet về kỹ năng, phương pháp giảng dạy, thay đổi cách soạn giáo án và thực hiện những tiết dạy thử, dạy mẫu để tranh thủ sự góp ý hữu ích từ đồng nghiệp…”.

Cô giáo Nguyễn Phương ở Vĩnh Long, chia sẻ : “Tôi rất thích sách Mỹ thuật 1 Cánh Diều, từ kênh hình kênh chữ rất rõ ràng. Nội dung chương trình đầy đủ, chính xác, có tính giáo dục và các yêu cầu cần đạt của chương trình GDPT MT lớp 1 về năng lực phẩm chất”. Đó là lý do tại sao cô chọn bộ sách Cánh Diều nói chung và bộ môn Mỹ thuật nói riêng.

Thầy Dũng, ở Vĩnh Long cho rằng ngoài Toán, Tiếng Việt thì sách Mỹ Thuật,  Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Âm nhạc, Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm lớp 1 Cánh  Diều cũng là những sách hay, được biên soạn công phu, sinh động, phù hợp với các đối tượng học sinh.

Mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống

Nhiều GV ở Tuyên Quang, Vĩnh Phúc cho rằng khi tiếp cận bộ sách SGK Cánh Diều, các thầy cô nhận thấy có rất nhiều điểm mới so với SGK hiện hành. Sách Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều (Tổng chủ biên GS Nguyễn Minh Thuyết)  có phương pháp và trình bày rất sáng tạo, khoa học.  Các bài dạy chữ được sắp xếp chủ yếu theo nhóm nét chữ để học sinh dễ học viết: Bắt đầu bằng nhóm nét cong, chuyển sang nhóm nét khuyết, nét móc,… đồng thời kết hợp dạy theo thứ tự bảng chữ cái, kết hợp yêu cầu chính tả,… Dưới chân trang mỗi bài dạy chữ, SGK giới thiệu cả chữ in hoa tương ứng với chữ cái mới học, giúp học sinh dễ dàng tiếp cận với bài đọc có chữ hoa.

 SGK có mô hình đánh vần giúp GV dễ dạy, HS dễ học, phụ huynh HS cũng dễ dàng theo dõi và giúp đỡ con em trong việc học.  Mỗi bài học chữ, học vần đều có bài tập củng cố âm, vần mới học với các hình ảnh sinh động vừa có tác dụng củng cố âm, vần mới học vừa mở rộng vốn từ cho HS. Các bài đọc tăng dần đều số chữ với tần suất lặp lại những chữ và vần đã học rất cao, giúp HS không cần mất nhiều thì giờ ôn tập mà vẫn không quên chữ, quên vần.

 Thầy Nam, GV tiểu học ở Tuyên Quang cho rằng chính điều này sẽ khiến HS tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn. Và, đối với HS miền núi, khả năng tiếp cận thuận lợi hơn trong việc học Tiếng Việt trước đây, nhất là khi các em học song song tiếng Việt và tiếng dân tộc.

 Khi được hỏi về hệ thống văn bản trong Tiếng Việt 1, thầy Trần Quốc Vĩnh, Phó trưởng phòng GD&ĐT Phú Lương (Thái Nguyên) cho biết: Ngữ liệu trong SGK Cánh Diều hầu hết là văn bản mới. Các văn bản này được xây dựng dưới dạng đa phương thức (kết hợp cả chữ viết với hình ảnh) và được lựa chọn, biên soạn, biên tập một cách kĩ càng, đáp ứng nhiều yêu cầu giáo dục. Các câu chuyện, bài thơ trong sách có nội dung phù hợp với học sinh và tạo hứng thú cho học sinh khi học. Với HS tiểu học miền núi nói  riêng và HS tiểu học nói chung điều này rất quan trọng.

Với chủ đề Mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống,cô giáo Bùi Thị Tư, trường Tiểu học Tân Hội A, Đan Phượng ( Hà Nội) rất tâm đắc với bộ sách Cánh Diều, vì “Bộ môn Mỹ thuật đã cụ thể hóa được yêu cầu cần đạt trong chương trình Mỹ thuật lớp 1/2018, mang tính ưu việt kết nối sách nghệ thuật 1với SGK của nền GD tiên tiến của  các nước phát triển. Và trên hết, nội dung bộ sách Cánh Diều - tất cả 8 môn đều  mang tính gợi mở ,phù hợp khả năng tiếp thu của HS, và khả năng tổ chức dạy học theo từng vùng miền của GV”.

Còn rất nhiều ý kiến trao đổi, đồng thuận, ủng hộ bộ sách Cánh Diều qua các buổi tập huấn tại các cơ sở GD trên cả nước .

Tóm lại, bộ sách Cánh Diều được lựa chọn bởi phù hợp với nhiều đối tượng học sinh. Và những buổi tập huấn của các tác giả biên soạn SGK gạo cội, uy tín, tâm huyết với nghề dạy học đã và sẽ tạo nên sự hứng khởi, thành công cho GV lên lớp theo chương trình mới.

Bộ SGK lớp 1 Cánh Diều sẽ đến với  gần 40%  HS Tiểu học trên toàn quốc vào năm học 2020-2021. Mỗi cuốn SGK lớp 1 Cánh Diều đều chứa đựng rất nhiều sáng tạo, tâm huyết, mang đầy tri thức và cảm xúc của các tác giả biên soạn. Tất cả đều hướng tới các thầy cô và các em học sinh!

 Và, các Tổng chủ biên, Chủ biên, tác giả SGK không chỉ thuyết phục được GV trong các đợt tập huấn ở các tỉnh/thành bởi cách truyền đạt tri thức, dung dị, cụ thể, sâu sắc mà còn đánh  thức sự đam mê hứng thú của người dạy qua những trang sách – cuộc đời.

Các tác giả biên soạn bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều tiếp cận với Chương trình giáo dục phổ thông để chuyển chương trình thành sách giáo khoa theo hai hướng : tiếp cận mục tiêu và tiếp cận đối tượng Tiếp cận mục tiêu là dựa vào mục tiêu của chương trình để lựa chọn nội dung học tập và tổ chức hoạt động học tập cụ thể là: (1) Lấy việc rèn luyện các kĩ năng Đọc, Viết, Nói và nghe làm trục phát triển của cuốn sách; (2) Thống nhất nội dung rèn luyện các kĩ năng ngôn ngữ theo chủ đề, chủ điểm để bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng sống và các phẩm chất; (3) Tích cực hóa hoạt động học tập để HS phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực một cách vững chắc.  Tiếp cận đối tượng là dựa vào đặc điểm của đối tượng học sinh để lựa chọn nội dung học tập và tổ chức hoạt động học tập; cụ thể là: (1) Xác định nhiệm vụ trọng tâm của môn Tiếng Việt ở lớp 1 là dạy chữ để HS biết đọc biết viết, đồng thời dạy phát triển các kĩ năng nghe và nói ở mức độ cao hơn (từ giao tiếp thông thường đến giao tiếp văn hóa); (2) Chú ý đến tính vừa sức và tâm lí lứa tuổi của HS; (3) Thiết kế nội dung mở, để thực hiện giáo dục phân hóa, nhằm khơi dậy tiềm năng ở mỗi HS.

                                                                                              GS Nguyễn Minh Thuyết