Thầy cô thực tập bỏ nghề vì ...học trò tinh quái

Có những sinh viên thực tập cảm thấy yêu nghề hơn, nhưng cũng có người bỏ nghề chỉ sau vài ngày thực tập.

Thầy cô thực tập bỏ nghề vì ...học trò tinh quái

Có những sinh viên thực tập cảm thấy yêu nghề hơn, nhưng cũng có người bỏ nghề chỉ sau vài ngày thực tập.

Học trò thì luôn nghịch ngợm, tinh quái nên sinh viên sẽ phải... vất vả khi đi thực tập.Ảnh Chào 94 của học sinh trường THPT Việt Đức - chỉ có tính minh họa
 

Với những nghề khác, các sinh viên phải tự kiếm chỗ thực tập, còn sinh viên sư phạm nhẹ nhàng hơn vì các được thầy cô hướng dẫn đi và không phải lo vấn đề tìm chỗ. Nhưng cũng có những chuyện cười ra nước mắt trong những lần thực tập.

Lần đầu chính thức bước lên bục giảng

Vì chưa có kinh nghiệm giảng dạy nên đa số các sinh viên thực tập đều gặp phải khó khăn trong lúc giảng bài. Chẳng hạn như chữ viết trên bảng xấu, giọng quá nhỏ và quá căng thẳng trong giờ giảng.

Quốc Thanh, khoa Toán Trường đại học Sư phạm TP.HCM tâm sự: “Vì quá căng thẳng mà mình đã nói giọng địa phương khi “n” nhầm thành “l”. Ở dưới thì học sinh cười khúc khích còn mình thì mất hết tinh thần, lúc đó cảm thấy bối rối kinh khủng”.

4 năm học trên giảng đường chủ yếu là lý thuyết, chỉ khi đi thực tập, các sinh viên mới chính thức bước vào thử thách nghề nghiệp, cho nên sự cố "run run" kia chỉ là một ví dụ nhỏ, mà giáo án là một vấn đề lo ngại đầu tiên. “Soạn giáo án thì dễ nhưng để nó trở thành một bài giảng sinh động lại là chuyện khác. Nhiều khi mình giảng mà có cảm giác như đang trả bài giáo viên”, Thu Hồng, khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM cho biết.

“Giờ là thời đại thông tin sách giải và giáo án điện tử rất nhiều, nên các em đã được tham khảo trước, không thèm nghe mình giảng. Nhiều khi mình có cảm giác bất lực và giận lắm, nhưng cũng chịu thôi. Dần dần phải mày mò làm sao cho bài giảng sinh động hơn và phải cập nhật những thông tin sự kiện nóng hổi của giới trẻ để lồng vào bài” - Ngọc Hằng, khoa Vật lý Trường đại học Sài Gòn bộc bạch về kinh nghiệm lần đầu chính thức "xông pha" vào nghề giáo.

Không chỉ Ngọc Hằng, mà nhiều sinh viên sư phạm cũng gặp khó khăn ở vấn đề làm thế nào cho học sinh tiếp thu được bài học một cách tốt nhất: “Không biết mình không có khả năng truyền thụ hay học trò không thích tiếp thu, mà khi hỏi các em có hiểu gì không thì chỉ nhận lại những cái lắc đầu, lúc đó mình chỉ muốn bỏ nghề cho rồi” - Ngọc, khoa Toán Trường đại học Sư phạm TP.HCM chia sẻ.

Thực tập ở những trường phổ thông bình thường thì còn đỡ, những sinh viên “may mắn” được thực tập ở những trường chuyên thì còn "thảm" hơn. “Vì là thực tậpsinh, hơn nữa lại còn khá xinh nên cô bạn mình bị mấy em nam sinh trêu chọc suốt. Bị hỏi dồn dập một hồi những kiến thức cô ấy chưa chuẩn bị kĩ, căng thẳng nên bạn bí đường, thế là được một phen vừa ấm ức vừa quê. Vừa ra khỏi phòng thì mắt cô ấy đã đỏ hoe” - Quốc Thanh kể về nỗi niềm của cô giáo vừa trẻ vừa xinh.

Một trong những điểm khác biệt khi đi thực tập so với lúc còn học trên giảng đường là nghề sư phạm rất chú trọng về trang phục. Không chỉ xuất hiện trên lớp với dáng vẻ chỉn chu mà các thầy cô giáo trẻ còn tập thói quen chững chạc, nghiêm túc: “Khi còn là sinh viên, mình không để ý lắm nhưng khi đi thực tập thì phải làm cho ra dáng cô giáo. Vì thế mỗi ngày đi về chân mình đều bị đau buốt vì do không quen mang giầy cao gót” - Thu Thủy, Đại khọc Sư phạm Kĩ thuật TP.HCM chia sẻ.

Dù tinh nghịch và có thể chưa hứng thú với bài giảng, nhưng học trò luôn tình cảm với các thầy cô giáo thực sự yêu quý họ. Ảnh: của clip nổi danh trong giới trẻ về những tháng năm học trò vui vẻ
 

Dù khó, khổ vẫn yêu nghề

Nhưng bên cạch những khó khăn, các bạn trẻ cũng thu nhặt được rất nhiều kinh nghiệm và những niềm vui sau chuyến thực tập. Đó cũng là động lực để họ quyết tâm đến với nghề giáo, trong thời buổi lương thấp, áp lực lại quá nhiều.

Vì có khuôn mặt xinh xắn nên ngay ngày đầu tiên đi thực tập, Kim Cúc, sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM đã được các nam sinh trong trường chú ý. Kết quả là ngày cuối cùng thực tập, Cúc còn được tặng một bó hoa hoành tráng. Cúc nói: “Lúc đó mình chỉ muốn độn thổ cho rồi, ngượng không thể tả. Nhưng sau khi về nhà nghĩ lại thì cũng thấy vui vui”.

Khi được hỏi sự việc nào làm bạn nhớ nhất trong đợt thực tập, Thu Hồng chia sẻ: “Hôm đó mình đang đi bộ trên đường về nhà thì có một em chạy xe lại, nằng nặc đòi cô giáo về nhà bằng được. Khi mình cảm ơn thì em ấy nói “không có gì đâu cô, cô là cô của em mà” làm mình cảm động quá chừng, thấy sao mà yêu nghề thế”.

“Mình cảm động nhất là những hôm dự giờ, dù các em không hiểu bài lắm nhưng vẫn giơ tay rất nhiệt tình chỉ vì sợ mình thực tập điểm kém. Hay hôm trước mình có việc đi ngang qua trường các em còn với tay chào mình cô ơi! Cô ơi!” - Ngọc chia sẻ về cảm xúc của mình trong những ngày trải nghiệm làm giáo viên.

Quá trình thực tập không những là thời gian để thực hành lại những gì mình được học, mà còn là thời gian quí báu được tiếp xúc với môi trường sau này mình sẽ làm việc, giúp mỗi sinh viên ý thực hơn về trách nhiệm và tầm quan trọng của mình đối với sự nghiệp “trồng người” của đất nước.

Tuy gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình thực tập nhưng khi được hỏi về dự định sau này thì các bạn đều có biết họ rất yêu nghề và sẽ theo đuổi đến cùng. Vì các bạn đều cảm thấy tự hào về nghề của mình, nhưng mỗi người cũng cho biết nghề này chỉ phù hợp với những ai thật sự yêu nghề. Vì sẽ rất dễ nản lòng trước khó khăn của những ngày đầu.

THÙY DUNG
Theo Infonet

Theo Đăng lại