Thường xuyên xảy ra tranh chấp
Mấy năm gần đây Quảng Trị rộ lên nạn “chảy máu rừng”. Rừng bị phá nhiều từ Vĩnh Linh đến Ðakrông, rồi Hướng Hóa, khiến hai năm liên tục 2016-2017, Chính phủ phải chỉ đạo xem xét nhưng những tồn tại về nạn mất rừng vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Trong một diễn biến khác, chuyện thất thoát rừng và đất rừng trên địa bàn huyện Cam Lộ liên quan đến trách nhiệm của chủ rừng là Công ty Lâm nghiệp Ðường 9 (tiền thân là Lâm trường Ðường 9 - một doanh nghiệp nhà nước) đã âm ỉ nhiều năm nay, có lúc rộ lên với nhiều đồn đoán về bàn tay của quan chức và đại gia. Ðây cũng là nơi thường xuyên xảy ra tranh chấp đất trồng rừng giữa hàng trăm hộ dân với công ty trong nhiều năm nay với nhiều đơn thư khiếu kiện khắp nơi.
Mới đây diễn ra một cuộc họp liên ngành tại huyện Cam Lộ dưới sự chủ trì của Sở TN&MT Quảng Trị với sự tham gia của lãnh đạo Công ty lâm nghiệp Ðường 9, Chi cục kiểm lâm, UBND huyện Cam Lộ và đại diện các xã Cam Thành, Cam Tuyền. Thời điểm này Công ty lâm nghiệp Ðường 9 chuẩn bị cổ phần hóa theo quyết định của nhà nước.
Những người dự họp đều sửng sốt khi đại diện Công ty lâm nghiệp Ðường 9 với tư cách là chủ rừng công bố bằng văn bản rằng công ty được giao quản lý và sử dụng 4.000 ha địa bàn huyện Cam Lộ nhưng đã thất thoát 1.000 ha, trong đó có hơn 200 ha rừng phòng hộ. Lập tức những cán bộ có trách nhiệm đang dự họp đều phê phán và quy trách nhiệm việc này trước hết thuộc về Công ty lâm nghiệp Ðường 9 do buông lỏng quản lý kéo dài.
Ðược biết, thậm chí đến thời điểm đó công ty vẫn chưa tiến hành cắm mốc giới, chưa tiến hành bàn giao thực địa với chính quyền địa phương. Hôm ấy lãnh đạo Chi cục kiểm lâm còn quả quyết rằng với rừng phòng hộ chỉ cần để mất 3.000 mét vuông là đủ căn cứ để khởi tố theo quy định.
Hàng trăm cán bộ công nhân viên xâm chiếm đất rừng
Hiện Công ty lâm nghiệp Ðường 9 đang tiến hành bàn giao lại diện tích 1.000 ha rừng chủ yếu thuộc địa bàn xã Cam Tuyền cho địa phương.
Theo thông tin chúng tôi nắm được, có khoảng 130 cán bộ công nhân viên Công ty lâm nghiệp Ðường 9 đã xà xẻo tổng cộng 150 ha đất rừng nhà nước để thu lợi cá nhân. Nhiều người đang sinh sống ở các địa bàn khác như huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Ðakrông, TP Ðông Hà nhưng họ lại có đất rừng ở địa bàn Cam Lộ. Ông Hoàng Liên Sơn, Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền cho biết nhiều trường hợp sống ở ngoài huyện Cam Lộ nhưng có đất rừng ở địa phương không chịu hợp tác với chính quyền.
Danh sách một số cán bộ công nhân viên Công ty Lâm nghiệp Ðường 9 được cho là xâm lấn đất rừng.
Ông Sơn tiết lộ, một diện tích lớn được phía công ty bàn giao trên giấy tờ cho địa phương được cho là đất, núi đá mà không có cây trồng. “Nhưng khi khảo sát thực địa, mới phát hiện có khoảng 170 ha toàn là rừng cây trồng, mà cây lại rất xanh tốt. Hiện chưa ai dám xuất đầu lộ diện nhận đất này là của mình, có lẽ vì diện tích quá lớn nên người ta e ngại”, ông Sơn nói.
Trả lời phóng viên, ông Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty lâm nghiệp Ðường 9 cho rằng khi công ty được bàn giao đất rừng cũng chỉ trên giấy tờ, thì nay Công ty bàn giao lại cho địa phương cũng theo cách như vậy. Còn việc thu hồi đất sau khi được bàn giao là trách nhiệm của chính quyền địa phương, việc xử lý mọi đối tượng vi phạm dù dân hay cán bộ công nhân viên cũng vậy. Riêng chuyện diện tích rừng trồng ở khu vực núi đá, ông Thái cho rằng: “Chúng tôi bàn giao nguyên đai nguyên kiện cả khu vực rộng lớn cho địa phương, chính quyền cứ làm theo thẩm quyền được giao”.