Hội nghị “Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp” diễn ra vào sáng 30/7 tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) với sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thu hút khoảng 600 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế cùng đông đảo các doanh nghiệp.
Ðầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các đại biểu có ý kiến về thực trạng, nhất là những hạn chế, bất cập trong tiếp cận đất đai, tín dụng, công nghệ, giống cây trồng vật nuôi, thị trường; những khó khăn, thách thức về thủ tục hành chính, vệ sinh an toàn thực phẩm… Trên cơ sở đó, các ban ngành chức năng xác định rõ tầm nhìn, định hướng, giải pháp cụ thể trong ngắn hạn thực hiện được ngay và các giải pháp căn cơ về lâu dài để khắc phục các tồn tại hạn chế, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Tính đến giữa năm nay, có 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chỉ chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam. Trong đó, 92% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chỉ có 2,1% doanh nghiệp vừa và chưa tới 6% doanh nghiệp lớn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra 10 khó khăn, vướng mắc chính dẫn đến tình trạng trên như: Nhà đầu tư còn gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai để tổ chức sản xuất; Khó tiếp cận tín dụng, trong khi thuế và chi phí chưa hợp lý;Ngành công nghiệp cơ khí hỗ trợ cho nông nghiệp còn kém phát triển do chưa được quan tâm khuyến khích đầu tư chế tạo, sản xuất; Hầu hết các doanh nghiệp hiện phải nhập khẩu giống cây trồng, vật nuôi từ nước ngoài; Chuỗi liên kết chưa bền vững kéo theo thị trường tiêu thụ chưa ổn định; Đa số trình độ nhân lực tham gia vào còn thấp, thích tự do; Ưu đãi về đầu tư vào ngành nông nghiệp chưa đủ mạnh; Hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh chưa đồng bộ và phát triển; Nhiều thủ tục hành chính còn bất hợp lý; Yếu kém trong quản lý nhà nước và truyền thông về vấn đề an toàn thực phẩm.
Cắt giảm 50% thủ tục hành chính
Đối với 500 thủ tục hành chính còn tồn đọng trong lĩnh vực đầu tư nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói, thời gian tới ban ngành chức năng phải cắt giảm 40 - 50% các thủ tục; rà soát tránh chồng chéo trong quản lý, kiểm tra, không để tình trạng một mặt hàng chịu sự quản lý của quá nhiều đơn vị. Vừa cắt giảm vừa lồng ghép và minh bạch hóa các thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận các dự án đầu tư.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành cần quyết liệt cải cách, giảm 50% các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính hiện hành để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Tích tụ đất đai
Các doanh nghiệp phản ánh, nhiều năm qua đã gặp không ít khó khăn do quỹ đất nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất. Nay đã có hướng mở từ Nghị định 57/2018/NĐ-CP (về cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có một số điểm mới như dồn điền đổi thửa, tập trung đất đai…) nên doanh nghiệp đề nghị bộ ngành nhanh chóng có giải pháp tạo quỹ đất, xây dựng thí điểm các mô hình tích tụ tập trung đất đai cho nông nghiệp.
Giải pháp cho “điểm nghẽn” này, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết, thời gian tới ban ngành chức năng sẽ xây dựng và tổ chức thí điểm những mô hình tích tụ ruộng đất trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, nông dân và các doanh nghiệp. Sau khi thí điểm sẽ cùng xây dựng phương án cụ thể để ban hành cơ chế, chính sách phù hợp trong thời gian chưa kịp thay đổi Luật Đất đai và các quy định có liên quan.
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành và Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến tại hội nghị này để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp (với lộ trình và giải pháp cụ thể, nhất là các cơ chế chính sách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, các giải pháp mới, đột phá) để sớm ban hành.
Theo bà Thái Hương (nhà sáng lập Tập đoàn TH True Milk), Việt Nam có đủ điều kiện để làm bếp ăn tử tế cho thế giới khi có nhiều nông sản, thực phẩm có chất lượng cao. Tuy nhiên, trước hết hãy làm một bếp ăn tử tế cho hàng chục triệu người Việt!
Bà Hương cũng cho biết TH là đơn vị tiên phong và sẽ kiên định tiếp tục định hướng phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao vì doanh nghiệp Việt phải hội nhập để tồn tại và thế giới đã ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp từ rất lâu rồi. Việt Nam cần sớm xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về chất lượng hàng nông sản theo thông lệ quốc tế để thứ nhất người tiêu dùng được hưởng lợi khi được sử dụng những sản phẩm nông sản tốt nhất, thứ hai là khích lệ các nhà sản xuất chân chính.