Sáng 2/7, tại TPHCM đã diễn ra lễ công bố thành lập Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED), trực thuộc Đại học Quốc gia TPHCM. Đây là cơ quan đầu tiên của Việt Nam về lĩnh vực này với sứ mạng đóng góp vào quá trình nghiên cứu, hoạt động, tư vấn và ứng dụng kinh tế tuần hoàn tại nước ta.
PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐHQG TPHCM cho biết ICED ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo chú trọng về giải pháp khoa học công nghệ, chính sách trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam trên nền tảng hệ sinh thái Doanh nghiệp - Chính phủ - Đại học. “Thông qua ICED, ĐHQG TPHCM đặt mục tiêu đóng góp, kết nối nền kinh tế tuần hoàn giữa thế giới và Việt Nam”, ông Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.
Về trung và dài hạn, ICED xác định tầm nhìn trở thành trung tâm hàng đầu của Việt Nam và khu vực về Kinh tế tuần hoàn trên cơ sở trở thành trung tâm nghiên cứu phát triển mô hình Kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện Việt Nam, đề xuất chính sách chính sách trong ứng dụng và phát triển mô hình Kinh tế tuần hoàn cho các bên liên quan.
PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế tuần hoàn cho rằng, ICED sẽ tạo cơ hội hợp tác giữa các bên liên quan để thúc đẩy vận hành nền kinh tế tuần hoàn, mang lại lợi ích kinh tế, xã hội dựa trên việc sử dụng hợp lý nguồn nguyên vật liệu, năng lượng và góp phần bảo vệ môi trường. Đây chính là cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong quá trình hội nhập, bao gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) do Liên hiệp quốc đề ra.
Tại lễ ra mắt, ICED đã ký kết hợp tác với các doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu nhằm thúc đẩy hợp tác và hành động trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn.
Dịp này, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế tuần hoàn cũng tổ chức hội thảo với chủ đề “Kinh tế tuần hoàn: Kinh nghiệm thế giới và khả năng thực hiện ở Việt Nam” nhằm trao đổi về thực trạng, xu hướng và ứng dụng của kinh tế tuần hoàn trên thế giới.
Khái niệm Kinh tế tuần hoàn được sử dụng chính thức đầu tiên bởi Pearce và Turner (1990). Nó được dùng để chỉ mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”, hoàn toàn không giống với cách nhìn của nền kinh tế tuyến tính truyền thống.
Ellen MacArthur Foundation mô tả nền kinh tế tuần hoàn là một hệ thống công nghiệp phục hồi hoặc tái tạo theo ý định và thiết kế. Nó chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ việc sử dụng các hóa chất độc hại và chất thải gây suy giảm khả năng tái sử dụng thông qua thiết kế ưu việt của vật liệu, sản phẩm, hệ thống. Nói một cách đơn giản, kinh tế tuần hoàn là biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác hạy tuần hoàn trong nội tại bản thân của một doanh nghiệp.