Để tránh nhiễm BPA
- Không hâm nóng thức ăn đựng trong hộp nhựa, đĩa nhựa trong lò vi sóng.
- Không dùng hộp nhựa chứa BPA (hộp có ký hiệu PC hoặc số 7).
- Hạn chế ăn thức ăn đóng hộp.
- Dùng chai nhựa không có BPA (ký hiệu BPA free).
- Nếu đựng thức ăn nóng nên dùng thủy tinh, đồ sứ, thép không gỉ…
Bisphenol A (BPA) là hoạt chất thường được dùng để làm cứng trong sản xuất nhựa polycarbonate và được dùng để chế tạo nhiều loại sản phẩm gia dụng như bình sữa trẻ em, chai uống nước, hộp đựng thức ăn, đồ chơi bằng nhựa… Bên cạnh đó, BPA còn có trong sơn epoxy – một loại sơn bảo quản dùng để tráng bên trong các sản phẩm bằng nhựa và đồ hộp kim loại đựng thực phẩm…
Đây là những sản phẩm thân thuộc bất cứ ai trong đời cũng phải dùng qua mà không hề nghi ngờ đến khả năng độc hại của chúng. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, các phát hiện từ những công trình nghiên cứu khoa học trên thế giới đã khiến nhiều người hoảng loạn. Theo đó, BPA một khi đã vào cơ thể người thì nó không còn vô hại mà là rất độc hại.
Chất độc BPA: từ bóng tối bị lôi ra ánh sáng
Trong bản đánh giá của nhóm chuyên gia thực hiện Chương trình Phòng chống Độc Quốc gia của Mỹ cho thấy, BPA sẽ làm cho hệ sinh dục và não của động vật sơ sinh phát triển bất thường. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng cho biết, chỉ một liều BPA cũng có thể gây ảnh hưởng tương tự lên bào thai người và trẻ nhỏ…
Trong một nghiên cứu khác được xuất bản trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciencescũng đưa ra kết quả là những bào thai bị phơi nhiễm hóa chất BPA hằng ngày qua thực phẩm mẹ ăn lúc mang thai sẽ khiến cho các tế bào trứng bị tổn hại. Khi con gái được sinh ra và lớn lên, các tế bào trứng có nhiều nhiễm sắc thể sẽ khiến cho người này khi sinh thế hệ tiếp theo sẽ gặp các rối loạn như hội chứng Down, sẩy thai…
GS. Vande Voort (Đại học California , Mỹ) – người thực hiện các cuộc nghiên cứu về BPA- cho biết, theo nghiên cứu thì bào thai bị phơi nhiễm BPA có vấn đề về sự hình thành các nang, là những cấu trúc bao quanh trứng khi chúng phát triển khiến trứng chết trước khi trưởng thành.
Nghiên cứu mới đây của trường Đại học Virginia (Mỹ) đăng trên chuyên san Endocrinology về tác động của BPA trong thời kỳ mang thai cũng cho thấy hoạt chất này có thể gây tác hại cho não người dùng dẫn đến việc lo lắng, hung hăng và có sai lệch về nhận thức, hiện tượng này có thể truyền sang các thế hệ sau.
Những nghiên cứu khác còn cho thấy BPA liên quan đến tình trạng vô sinh nam và có mối liên hệ với bệnh tim mạch. Cụ thể, trong một khảo sát hơn 500 công nhân các nhà máy ở Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Kaiser Permanente, California, Mỹ cho thấy, những người đàn ông có hàm lượng BPA cao trong nước tiểu có nguy cơ giảm chất lượng tinh trùng gấp 2-4 lần so với những người khác (giảm cả về mật độ tinh trùng, khả năng di động và yếu ớt).
Trước những bằng chứng cho thấy tác hại của BPA, năm 2005 đã có một số nơi trên thế giới đồng ý công bố BPA là hóa chất độc hại.
Tháng 4/2008, Bộ Y tế Canada đã chính thức công bố BPA là chất độc nguy hiểm.
Ngay sau đó, tại châu Âu, Pháp và Đan Mạch đã cấm sử dụng loại bình sữa có chất BPA. Thậm chí các nhà chức trách Đan Mạch còn cấm tất cả các thực phẩm chứa BPA dành cho trẻ 3 tuổi trở xuống.
Ðến tháng 7/2012, Mỹ cũng đã cấm việc sử dụng BPA để sản xuất bình sữa và các loại cốc dành cho trẻ em.
Vào năm 2006, Hội đồng Khoa học của Đại học Harvard, Mỹ khẳng định BPA chỉ gây độc khi vào cơ thể với liều cao.
PGS.TS Lê Đức Ngọc (Nguyên giảng viên Khoa Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội) cũng cho biết, về mặt nguyên tắc, khi sử dụng các loại hóa chất trong sản xuất người ta đã phải đánh giá về mức độ tác động đối với sức khỏe con người. Và chúng ta cũng phải hiểu rằng, bất cứ là loại chất nào khi sử dụng liều lượng ít thì không sao, nhưng sử dụng lâu dài, nhiều thì sẽ có ảnh hưởng đến sức khỏe.
Về phương thức thôi nhiễm, năm 2007, Tổ chức Môi trường California cho biết khi đun nóng bình sữa nhựa có chứa BPA thì thôi nhiễm BPA nồng độ cao. Do vậy, trong nhiều lời khuyên sử dụng sản phẩm nhựa của các nhà nghiên cứu đều cho rằng không nên dùng các sản phẩm nhựa đựng thực phẩm, đồ uống nóng. Đồng thời, một số nghiên cứu cũng cho rằng việc cọ rửa và tiệt trùng các bình sữa của trẻ nhỏ cũng làm thôi nhiễm BPA.
BPA, chất độc của các loại độc
Thông tin rõ hơn về hợp chất BPA, TS Nguyễn Phạm Duy Linh – Khoa Hóa (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết Bisphenol A (BPA) là hợp chất hữu cơ với công thức hóa học (CH3)2C(C6H4OH)2 có chứa hai nhóm chức hydroxyphenyl. BPA thường ở dạng rắn không màu, tan trong các dung môi hữu cơ nhưng khó tan trong nước. BPA thường được sử dụng để tổng hợp các loại nhựa như polycacbonat và nhựa epoxy. Do BPA có tính chất gần giống hormone nên hiện nay đang thu hút sự chú ý trong công nghiệp thực phẩm và bao gói thực phẩm.
Hàng năm có ít nhất 3,6 triệu tấn BPA được sử dụng mỗi năm trong ngành chế biến các sản phẩm liên quan đến nhựa như: đồ chơi trẻ em, bình sữa, bình nước, đồ gia dụng, dụng cụ thể thao, sản phẩm y tế, nha khoa, đĩa CD, DVD, các vật dụng điện gia dụng… Ngoài ra, BPA cũng được sử dụng trong việc chế tạo nhựa PVC. Nhựa epoxy có chứa BPA được sử dụng chủ yếu trong bao gói thực phẩm và các chai đựng đồ uống.
Về ảnh hưởng của BPA với sức khỏe, TS. Nguyễn Phạm Duy Linh cho biết: BPA là một hợp chất làm ảnh hưởng xấu đến nội tiết giống như estrogen và có thể làm hại sức khỏe người chẳng may dùng phải nó. Cụ thể hơn, BPA rất giống với cấu trúc và thành phần của hoocmon estradiol với khả năng liên kết và hoạt hóa giống như các estrogen tương tự của hoocmon tự nhiên.
Các quá trình phát triển ban đầu của cơ thể là giai đoạn rất nhạy cảm đối với những ảnh hưởng của BPA. Do đó, BPA thường có những ảnh hưởng xấu trực tiếp với bào thai, trẻ em sơ sinh và phụ nữ đang mang thai như (tử vong sơ sinh, sinh khuyết tật hoặc làm giảm trọng lượng của trẻ sơ sinh). Có một số nghiên cứu đã đưa ra kết luận về ảnh hưởng của BPA đến phụ nữ sinh con nếu sử dụng nhiều đồ uống có chứa BPA sẽ dẫn đến tình trạng mất sữa. Ngoài ra, hoạt chất BPA cũng có nguy cơ gây ra một số chứng bệnh ung thư…
Với hàng loạt bằng chứng, có thể thấy đối tượng chịu nhiều tác động xấu từ BPA nhất chính là trẻ em. Thiết nghĩ, với mong muốn đảm bảo sức khỏe cho thế hệ tương lai, củng cố giống nòi dân tộc, thì các nhà chức năng cần có kế hoạch vận động người tiêu dùng nhận thức đầy đủ hơn về tác hại khi sử dụng sản phẩm chứa BPA song song với việc ban hành các quy định sử dụng BPA trong sản xuất.