Tham gia sáng kiến minh bạch khai khoáng: Câu giờ đến lúc nào?

TP - Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ mới, trong hàng loạt vấn đề cần quan tâm chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo khả năng Việt Nam tham gia Sáng kiến Minh bạch Công nghiệp Khai khoáng (EITI) sau gần 10 năm bộ này được giao nhiệm vụ.
Khai thác titan ở Hà Tĩnh, doanh nghiệp khai bao nhiêu biết bấy nhiêu.

"EITI là sáng kiến tuyệt vời. Nhiều nước như Mông Cổ, Myanmar làm được mà ta mãi chưa làm là sao”, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, băn khoăn.

Vẫn tràn lan giấu giếm

Bất chấp Luật Khoáng sản sửa đổi ban hành năm 2010, nhiều bệnh trong khai khoáng vẫn chưa có thuốc chữa hoặc có chữa vẫn chưa đỡ. Trong số bốn bất cập của khai khoáng, TS Nguyễn Thành Sơn - nguyên Trưởng Ban Chiến lược Vinacomin, cho rằng trầm kha nhất là thiếu minh bạch. “Công khai thấp, trách nhiệm giải trình chưa thực hiện, tham nhũng lãng phí rất lớn”, TS Lê Đăng Doanh đồng tình.

Khảo sát của Phòng Thương mại&Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây cho thấy, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp khai khoáng luôn thấp hơn so với ngành khác. Tuy nhiên, khi hỏi triển vọng, họ lại muốn mở rộng quy mô. “Vậy báo cáo của họ chính xác đến đâu?”, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế thuộc VCCI, hỏi.

“Chính phủ liêm chính là không tham nhũng, không nhũng nhiễu. Liêm chính thì phải công khai mọi vấn đề với nhân dân”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Bản thân doanh nghiệp cũng mệt mỏi nếu muốn chen chân vào khai khoáng. Vẫn theo VCCI, 85% doanh nghiệp khai khoáng thừa nhận thường có các khoản chi không tên chiếm 10% tổng thu nhập. Có 72% công ty khai khoáng dựa vào quan hệ để tiếp cận thông tin. “Thực ra các sếp của mình quen cán bộ nhà nước nên mới biết” để được xin vào quy hoạch, một doanh nghiệp trả lời VCCI.

Ông Đức cho rằng, hầu hết các mỏ công khai đăng ký đấu giá trên trang chủ của Bộ Tài nguyên&Môi trường đều nghèo về trữ lượng, còn các mỏ giàu trữ lượng  hiếm thấy đưa ra đấu giá và phân bổ. Các địa phương cũng không khá hơn gì. “Hầu như không địa phương nào đăng thông tin về khai thác mỏ. Vì thế giám sát của dân cũng khó”, ông Đức nói.

Đủng đỉnh

Trong khi khai khoáng rối như canh hẹ, Bộ Công Thương vẫn đủng đỉnh. Trả lời Tiền Phong “Vì sao chúng ta vẫn chưa công bố Việt Nam có tham gia hay không?” tại một cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, ông Cao Quốc Hưng - Thứ trưởng Bộ Công Thương, nói “Việc này cần thời gian”.

Không kể thời gian tìm hiểu trước đó từ năm 2007, Bộ Công Thương được Thủ tướng giao làm đầu mối nghiên cứu EITI vào năm 2009. Vậy mà, sau gần 10 năm, ông Hưng vẫn bảo “Chúng ta phải tìm hiểu kỹ hơn về sự tương thích giữa các hệ thống thông tin và nắm rõ hơn nội hàm trước khi xác định”.

Tại một hội thảo về khai khoáng ở Hà Nội sáng 29/7/2016, ông Lê Hữu Phúc, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Công Thương, cho rằng không nên đồng nhất minh bạch với EITI và càng không nên xem EITI là cây đũa thần.

Ông Phúc “dọa” việc tham gia EITI không đơn giản; khi đã tham gia phải đẻ ra cơ chế, đẻ ra bộ máy mà bộ máy là tiền. Ông còn lo lắng “Chính phủ phải nuôi bộ máy hoạt động” trong khi “lợi ích thực tế ngân sách có thu thêm được gì không thì chưa chắc chắn”.

TS Phạm Quang Tú, Trưởng nhóm Chương trình Hỗ trợ Liên minh Vận động Chính sách thuộc Oxfarm - cho biết Ủy ban EITI Myanmar chỉ có năm người; phình to cũng chỉ 10 người là cùng. Theo tính toán của Adam Smith International , một tổ chức giúp Bộ Công Thương nghiên cứu tính khả thi EITI cho Việt Nam, tổng chi phí để thực hiện EITI ở Việt Nam chỉ 420.000 USD, tương đương 9,2 tỷ VND, ít hơn nhiều lượng tài nguyên thất thoát được cho là hàng chục triệu USD/năm.

Kiến nghị Quốc hội nếu cần

“Chúng ta đang giả định EITI là một con ngáo ộp”, TS Tú, từng tham gia hỗ trợ Bộ Công Thương tìm hiểu EITI từ những ngày đầu, cảm thán. “Chúng ta bị một tư tưởng nếu minh bạch hết thì sẽ bị lợi dụng. Nếu thế, chúng ta sẽ không bao giờ tiếp cận EITI như một hệ thống để xem nó tốt xấu như thế nào. Cứ lấy lý do này lý do nọ, chúng ta chỉ tổ đi sai và tự ru ngủ mình”.

TS Nguyễn Thành Vạn, Tổng hội Địa chất Việt Nam, cho rằng “Tất cả mọi thứ, từ hệ thống chính sách, hệ thống thống kê đến năng lực thực thi hoàn toàn không phải là rào cản. Có nghĩa là ta đã đạt được hết, có thể sẵn sàng gật đầu tham gia”. TS Lê Đăng Doanh nói “Nếu chấp nhận EITI, họ sẽ không còn thu được lợi lớn nữa. Do đó họ viện lý do này lý do nọ”.

Th.S Nguyễn Đình Hòa, Viện Tư vấn & Phát triển, bày tỏ: “Rào cản lớn nhất đang ở Bộ Công Thương. Sự cản trở của cơ quan này là nhằm bảo vệ lợi ích của các ông lớn trực thuộc”.

TS Doanh đề nghị “Chính phủ nên xem xét kỹ. Nếu không quyết định được, cần kiến nghị Quốc hội can thiệp”. Thậm chí, ông đề nghị “Bộ Công Thương chuyển EITI sang cho Bộ Tài nguyên&Môi trường làm vì cơ quan này đang quản lý phần lớn thông tin, số liệu mà EITI yêu cầu đưa vào báo cáo”.

Tới đây, các tập đoàn trực thuộc của Bộ Công Thương sẽ được chuyển hết về cho một ủy ban quản lý các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Bộ Kế hoạch&Đầu tư đang đăng bản dự thảo để lấy ý kiến đóng góp cho nghị định về thành lập ủy ban này và nêu danh mục các DNNN trực thuộc Bộ Công Thương phải bàn giao cho ủy ban.

 “Lúc đó Bộ Công Thương cũng chỉ đóng vai trò quản lý nhà nước, không còn chức năng đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý các tập đoàn. Hy vọng rằng tiến trình vận động EITI sẽ được thuận lợi hơn”, ông Hoà chia sẻ.