Theo Yonhap, lệnh ân xá sẽ có hiệu lực kể từ Ngày Giải phóng (15/8).
Cựu Tổng thống Lee Myung-bak ban đầu được cho là sẽ nằm trong danh sách ân xá lần này, nhưng cuối cùng lại không có tên.
Nhân vật đáng chú ý nhất trong danh sách ân xá là Phó Chủ tịch Samsung Electronics – ông Lee Jae-yong.
“Tôi sẽ làm việc chăm chỉ để cống hiến cho nền kinh tế quốc gia”, ông Lee nói với các phóng viên trước tòa án trung tâm Seoul sau khi được thông báo ân xá. Ông Lee hiện đang tiếp tục hầu tòa trong một vụ án gian lận khác.
Lee từng được tạm tha vào tháng 8 năm ngoái khi đang thụ án 2,5 năm tù giam trong vụ án hối lộ liên quan đến cựu Tổng thống Park Geun-hye. Lee đã chính thức mãn hạn tù vào ngày 29/7, nhưng ông vẫn cần được ân xá để phục hồi tất cả các quyền của mình.
Ngoài ra, một số nhân vật khác có tên trong danh sách ân xá bao gồm Chủ tịch Lotte Group – Shin Dong-bin (người bị kết án 2,5 năm tù treo hồi tháng 10/2018 trong vụ án hối lộ tương tự liên quan đến bà Park Geun-hye), cũng như Chủ tịch Chang Sae-joo của Dongkuk Steel Mill và cựu Chủ tịch Tập đoàn STX Kang Duk-soo.
"Những doanh nhân chủ chốt được đưa vào diện ân xá vì vai trò của họ trong việc dẫn dắt tăng trưởng quốc gia thông qua đầu tư công nghệ và tạo việc làm, trong bối cảnh đất nước cần vượt qua khủng hoảng kinh tế", một quan chức chính phủ cho biết.
Việc ân xá cựu Tổng thống Lee Myung-bak (81 tuổi) đã bị loại bỏ vào phút cuối vì tỷ lệ ủng hộ của đương kim Tổng thống Yoon đã giảm xuống mức thấp bất thường trong những tuần gần đây. Ông Lee đã ra tù từ tháng 6 sau khi được mãn hạn tù 3 tháng vì lý do sức khỏe.
Hầu hết những người khác trong danh sách ân xá là người bị kết án với các tội hình sự nhỏ, chủ doanh nghiệp quy mô nhỏ và các tù nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Phát biểu tại cuộc họp Nội các, Tổng thống Yoon bày tỏ hy vọng rằng việc ân xá đặc biệt trong Ngày Giải phóng của ông sẽ giúp ổn định sinh kế của người dân và kéo đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế.
Ở Hàn Quốc, các tổng thống thường ban hành lệnh ân xá đặc biệt để kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước. Lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu, được gọi là chaebol, thường trở thành người hưởng lợi với lý do việc họ trở lại quản lý sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế trong nước.