Thai phụ được đón về Lâm Đồng mắc COVID-19, nhiều nhà báo phải cách ly

TPO - Trong số 429 thai phụ và người thân được Lâm Đồng tổ chức 3 chuyến bay đón về vào ngày 4/9 đã có 2 trường hợp mắc COVID-19. Nhiều nhà báo có mặt tại sân bay Liên Khương để đưa tin về sự kiện này phải cách ly tại nhà để phòng dịch.
Các nhà báo phỏng vấn Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tại sân bay Liên Khương

Ngày 5/9, Sở Y tế Lâm Đồng thông tin vừa ghi nhận thêm 3 ca COVID-19 mới, bao gồm 2 vợ chồng trên chuyến bay QH9254 và một lái xe ở huyện Di Linh.

Phóng viên chụp ảnh máy bay chở thai phụ đáp xuống sân bay Liên Khương

Trước đó, ngày 4/9, 3 chuyến bay của hãng hàng không Bamboo Airways đưa 429 thai phụ và người thân từ sân bay Tân Sơn Nhất về sân bay Liên Khương. Trên chuyến bay QH9254 xuất phát lúc 9 giờ 30’ và đáp xuống sân bay vào khoảng 11 giờ có 141 hành khách, trong đó có thai phụ N.N.T cùng chồng là Đ.T.G, ngồi ghế 35E và 35D. 14 ngày trước, đôi vợ chồng này ngụ quận Tân Phú, TP.HCM.

Các thai phụ về đến sân bay

Hai vợ chồng thai phụ trên được cách ly tập trung tại khách sạn N.L 2 (thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng). Khoảng 14 giờ ngày 4/9, họ có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính với SARS-CoV-2. Sáng nay (5/9), cả 2 vợ chồng có kết quả RT- PCR dương tính.

Như Tiền Phong đã đưa tin, sự kiện đón 429 thai phụ và người thân hồi hương để sinh con được các cơ quan báo chí quan tâm, cử phóng viên đến sân bay Liên Khương tác nghiệp. Quá trình tác nghiệp, nhiều nhà báo được trang bị quần áo bảo hộ đúng chuẩn (cấp 4), khẩu trang, kính chắn giọt bắn...

Nhóm phóng viên tác nghiệp tại sân bay Liên Khương ngày 4/9

Tuy nhiên, sau khi phát hiện 2 F0 trên chuyến bay QH9254, nhiều nhà báo đến đưa tin về sự kiện trên được yêu cầu tự cách ly tại nhà để phòng dịch với lý do tác nghiệp tại khu vực có F0 ở sân bay Liên Khương.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, sáng 4/9, có 12 phóng viên tác nghiệp tại sân bay Liên Khương, trong đó có 7 nhà báo vào vòng trong, khu vực các sản phụ (về từ vùng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng) di chuyển từ máy bay ra sảnh ngoài.

Phóng viên tác nghiệp khi các thai phụ trên đường di chuyển ra sảnh ngoài

Một nhà báo ở Lâm Đồng phản ánh: "Theo quy định của Chính phủ thì phóng viên nằm trong nhóm lực lượng tuyến đầu chống dịch, cần ưu tiên số 1 trong việc tiêm vaccine, nhưng đến nay đã 2,5 tháng, đa số phóng viên của Trung ương và địa phương vẫn chưa được tiêm mũi 2. Đề nghị lãnh đạo Sở TT&TT, Ban Tuyên giáo, Hội Nhà báo có ý kiến tới các đồng chí lãnh đạo tỉnh về vấn đề này. Nếu anh em chúng tôi đã tiêm đủ 2 liều thì sẽ không phải đi cách ly sau mỗi lần tác nghiệp. Phóng viên thường trú mỗi cơ quan chỉ có từ 1- 3 người; cứ mỗi lần tác nghiệp lại nghỉ 14- 21 ngày thì còn ai làm việc nữa?"

“Anh em báo chí mới được tiêm 1 mũi vắc xin COVID-19, trong khi lẽ ra phải ưu tiên tiêm mũi 2 theo đúng đối tượng ưu tiên của Chính phủ quy định. Nếu phóng viên được tiêm đủ 2 mũi thì nguy cơ lây nhiễm bệnh sẽ rất ít. Khi nghe các nhà báo phải cách ly tại nhà sau khi tác nghiệp ở sân bay Liên Khương, nhiều người ngạc nhiên, vì các phóng viên này đã được tiêm 1 mũi vắc xin, mặc quần áo bảo hộ đúng chuẩn (cấp 4), không tiếp xúc gần với vợ chồng thai phụ F0.…”, nhà báo Lâm Viên (báo Thanh Niên) chia sẻ.