Hôm 20/1, những người biểu tình chống chính phủ bao vây và đóng cửa trụ sở Ngân hàng Tiết kiệm Chính phủ tại Bangkok. Ngân hàng này bất ngờ trở thành mục tiêu của người biểu tình sau khi chính phủ Thái Lan không bắt buộc được Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã trả tiền cho người nông dân trong chương trình trợ giá gạo, bởi cho tới nay, chương trình này khiến Thái Lan thua lỗ 400 tỷ baht (khoảng 255.000 tỷ đồng). Trong khi đó, công chức và viên chức chính phủ ở một số tỉnh miền nam không vào được nơi làm việc vì bị người biểu tình ngăn cản.
Con dao hai lưỡi
“Chúng tôi đã chuẩn bị cho việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp... Các bên liên quan gồm cảnh sát, quân đội và chính phủ đang xem xét lựa chọn này một cách nghiêm túc, nhưng vẫn chưa thống nhất”, Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Paradorn Pattantabutr hôm qua nói với Reuters sau cuộc họp với Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Ông Pattantabutr nói: “Người biểu tình tuyên bố sẽ đóng cửa nhiều văn phòng chính phủ. Đến nay, việc đóng cửa của họ mới mang tính biểu tượng, vì họ đến văn phòng chính phủ rồi lại đi. Nhưng nếu họ thay đổi chiến thuật và đóng cửa lâu dài các ngân hàng hay các văn phòng của chính phủ thì nguy cơ bất ổn sẽ tăng lên và chúng tôi sẽ phải sử dụng luật tình trạng khẩn cấp”.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 20/1 khuyến cáo công dân nước mình tránh các địa điểm biểu tình và tụ tập đông người ở Bangkok và các địa phương khác vì tình hình rất khó đoán.
Sắc lệnh khẩn cấp trao cho các lực lượng an ninh quyền áp lệnh giới nghiêm, bắt giữ người bị tình nghi mà không cần buộc tội, kiểm duyệt báo chí, cấm tụ tập chính trị trên 5 người, tuyên bố một số khu vực người biểu tình không được phép vào hoặc đi lại thường xuyên.
Việc ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm đảm bảo an ninh, trật tự, nhưng cũng có tác dụng phụ, ông Paul Chambers, giám đốc nghiên cứu ở Viện Đông Nam Á tại Chieng Mai (Thái Lan), nói.
“Điều này sẽ tạo cớ cho thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban cáo buộc bà Yingluck đàn áp người biểu tình, quân đội có thể đề nghị chính phủ đứng sang một bên hoặc vụ kiện chống lại chính phủ của bà Yingluck có thể bị đẩy nhanh để đẩy đảng Pheu Thai khỏi vị trí cầm quyền”, ông Chambers nhận định.
Quy mô biểu tình ở Bangkok đã giảm, nhưng Trung tâm quản lý Hòa bình và Trật tự (CAPO) nói rằng, những cuộc biểu tình nhỏ đã lan ra 18 khu vực. “Người biểu tình chưa đe dọa đóng các tòa nhà chính phủ nhưng họ đang nhận lệnh từ các thủ lĩnh biểu tình ở Bangkok nên chúng tôi đang để mắt đến họ”, phó phát ngôn viên CAPO Anucha Romyanan nói với Reuters.
Nông dân dọa biểu tình
Thủ tướng Yingluck đang phải đối mặt những cáo buộc pháp lý từ cơ quan chống tham nhũng liên quan chương trình chính phủ mua gạo giá cao để hỗ trợ nông dân. Kế hoạch này giúp đảng của bà Yingluck giành được sự ủng hộ lớn từ khu vực nông thôn vùng bắc và đông bắc Thái Lan. Nhưng nhiều nông dân ở Phichit và các tỉnh lân cận đang bất mãn vì họ vẫn chưa nhận được tiền bán gạo, báo Thái Lan The Nation đưa tin.
Họ đe dọa sẽ chặn các tuyến đường lớn, thậm chí kéo đến thủ đô để biểu tình. Ông Walit Charoensombat, Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Xúc tiến Gạo giống ở tỉnh Ratchaburi hôm 20/1 nói rằng, 27.000 nông dân đã đăng ký tham gia chương trình trợ giá gạo ở tỉnh này, nhưng chưa đến 4.000 người nhận được tiền từ chính phủ.
Biểu tình kéo dài đe dọa tăng trưởng kinh tế của Thái Lan. Một số nhà kinh tế của Thái Lan dự đoán, ngân hàng trung ương nước này sẽ giảm 25 điểm phần trăm lãi suất xuống 2% trong tuần này, báo Bangkok Post đưa tin.
“Chính sách tài khóa hiện giờ đã khá què quặt và trách nhiệm của ngân hàng trung ương là phải nâng đỡ nền kinh tế”, Ngân hàng DBS ở Singapore nhận xét. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp ngày càng lo lắng. Ông Kyoichi Tanada, Chủ tịch Toyota ở Thái Lan, hôm 20/1 nói rằng, ông không chắc là hãng xe hơi Nhật Bản này có tăng đầu tư vào Thái Lan nếu cuộc khủng hoảng được giải quyết.