Thái Lan ban bố tình trạng khẩn cấp

TP - Chính phủ Thái Lan vừa tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Bangkok và các tỉnh lân cận, kéo dài 60 ngày bắt đầu từ hôm nay (22/1), để đối phó phe biểu tình vẫn đang chặn một số khu vực ở thủ đô để buộc Thủ tướng Yingluck Shinawatra từ chức.
Vài ngàn người biểu tình tuần hành trên đường phố Bangkok cuối tuần qua. Ảnh: Athit Perawongmetha

Tình trạng khẩn cấp được Phó Thủ tướng tạm quyền Chalerm Yoobamrung tuyên bố trên truyền hình hôm 21/1. Nguyên nhân là cuộc biểu tình của Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC) đã chuyển sang bạo lực, chứ không còn hòa bình như các thủ lĩnh PDRC tuyên bố.

Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép áp đặt lệnh giới nghiêm, bắt giữ đối tượng tình nghi mà không cần buộc tội, cho phép kiểm duyệt báo chí, cấm tụ tập vì mục đích chính trị và không cho đi lại tại một số khu vực của Bangkok.

Tổng Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan Paradorn Pattanatabut cho biết, Trung tâm Quản lý Hòa bình và Trật tự sẽ được đổi thành Trung tâm Gìn giữ Hòa bình, báo Thái Lan Bangkok Post đưa tin.

Chính phủ Thái Lan nói rằng, họ không có kế hoạch giải tán phong trào biểu tình do ông Suthep Thaugsuban đứng đầu. Bộ trưởng Lao động Chalerm Yubamrung, người sẽ giám sát việc áp dụng sắc lệnh tình trạng khẩn cấp, nói rằng, Thái Lan sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.

Trước những vụ bạo lực xảy ra trong các cuộc biểu tình gần đây, cảnh sát và quân đội Thái Lan đã thành lập nhiều chốt tuần tra chung, tăng cường bảo vệ trật tự trên đường phố thủ đô, nhằm ngăn chặn việc vận chuyển vũ khí vào khu vực của người biểu tình và đề phòng tiếp tục xảy ra bạo lực.

Tính đến ngày 21/1, chiến dịch “đóng cửa” Bangkok bước sang tuần thứ hai. Ít nhất 20 tuyến phố lớn ở Bangkok bị người biểu tình đóng hoàn toàn hoặc một phần. Bộ Giao thông Thái Lan thông báo, người biểu tình đã tổ chức chặn đường và lập trại ở 9 khu vực lớn, gây tắc nghẽn giao thông vào giờ cao điểm.

Phong trào biểu tình do ông Suthep Thaugsuban dẫn đầu có kế hoạch tăng cường chiến dịch “đóng cửa” Bangkok nhằm làm tê liệt hoàn toàn các hoạt động ở thủ đô, bao vây xưởng in phiếu bầu cử, hủy một số phiếu bầu đã được in xong.

Trụ sở Ngân hàng Tiết kiệm Chính phủ ở Bangkok cũng bị bao vây để gây khó khăn cho việc giải ngân cho nông dân được hưởng lợi từ chương trình chính phủ mua gạo với giá cao để hỗ trợ nông dân.

Nhiều nông dân kiện chính phủ

Trong khi đó, nhiều nông dân Thái Lan tuyên bố sẽ quay lưng với chính phủ và tham gia vào lực lượng biểu tình, nếu chính phủ không trả tiền mua gạo của họ. Nhiều nông dân than phiền họ đã đợi 3 - 4 tháng mà vẫn chưa thấy tiền đâu.

Ông Prom Boonmachoey, thủ lĩnh nhóm nông dân ở tỉnh miền trung Suphan Buri, nói rằng, đại diện của nhóm này sẽ đến gặp luật sư để kiện chính phủ, và nhiều ngàn người sẽ gia nhập lực lượng biểu tình nếu không được đền bù.

“Hội đồng Luật sư Thái Lan với vai trò cố vấn pháp lý sẽ giúp chúng tôi đâm đơn kiện chính phủ”, ông Prom nói với Reuters. Nếu không nhận được tiền, những nông dân này muốn đòi lại gạo để bán với giá thấp thế nào cũng được, ông Prom nói.

Chính những lá phiếu từ khu vực nông thôn đã đưa đảng Pheu Thai của bà Yingluck lên nắm quyền năm 2011. Nhưng chương trình mua gạo trợ giá thất bại khiến Thái Lan phải ôm một núi gạo không bán được và chương trình can thiệp của chính phủ vấp phải nhiều khó khăn tài chính.

Những cuộc biểu tình nhỏ đã nổ ra ở các vùng trồng lúa ở miền bắc và đông bắc - căn cứ quyền lực của Pheu Thai. Vì vậy, nhiều chuyên gia nhận định, bà Yingluck sẽ không gặp thuận lợi trong kỳ bầu cử dự kiến vào ngày 2/2.

Bộ Y tế Công cộng Thái Lan chỉ đạo các quan chức sẵn sàng trong tình trạng báo động để chuẩn bị cho các vụ xung đột bạo lực trước cuộc bầu cử ngày 2/2.

Người đứng đầu các sở y tế ở 18 tỉnh đã được lệnh chuẩn bị sẵn sàng cấp cứu cho những người bị thương. Đến nay, đã có 4 người thiệt mạng, 272 người bị thương trong các cuộc xung đột bạo lực xảy ra từ ngày 26/12/2013, báo Thái Lan The Nation đưa tin.