Thả nổi văn phòng công chứng

TP - Chất vấn Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường tại phiên giải trình tại Ủy ban Pháp luật sáng qua, ĐBQH cho rằng không ít văn phòng công chứng (VPCC) bị thả nổi, có văn phòng tiếp tay cho hoạt động lừa đảo bất động sản.

> Văn bản công chứng có giá trị như bản án?
> Công chứng 'khống' bị phạt 50 triệu đồng?

Lúng túng quản lý, dễ dãi đầu vào

Theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương, tình trạng thả nổi khá phổ biến đối với các VPCC tư nhân. Có địa phương phát triển VPCC quá nhanh, vượt nhu cầu. “Để cạnh tranh, VPCC để công chứng viên cầm con dấu đến từng nhà mời công chứng. Không những thế, khâu bổ nhiệm công chứng viên cũng quá dễ dãi, chất lượng đầu vào kém, dẫn đến sai phạm nhiều” - ĐB Cương nhận xét.

Ngoài ra, thù lao công chứng cũng đang bị thả nổi, rất lộn xộn, gây bức xúc. ĐB Cương mong Bộ trưởng Tư pháp đưa ra giải pháp hữu hiệu khắc phục tình hình.

Nơi thiếu, nơi thừa

Hà Nội hiện có tới 300 công chứng viên, TPHCM 198. Trong khi đó, rất nhiều địa phương chỉ có dưới 5 công chứng viên, như Bến Tre, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Tuyên Quang... Cả nước có 1.327 công chứng viên đang hành nghề, và 425/569 VPCC đã mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận, khi bắt đầu xã hội hóa hoạt động công chứng từ năm 2007, tư duy quản lý chưa theo kịp, chưa lường hết vấn đề phức tạp. Lúc đó, cũng không ai đặt vấn đề phải quy hoạch mạng lưới công chứng.

Tuy nhiên, hoạt động công chứng giống như DN nên không khống chế số lượng, khi các VPCC bung ra, bộ, địa phương lúng túng là có.

“Bộ thấy rằng, công chứng phải là tổ chức bền vững, DN có thể phá sản nhưng VPCC phải duy trì như sản nghiệp. Người quản lý có thể nghỉ, chết nhưng VPCC phải tồn tại, vì trách nhiệm công chứng là suốt đời. Vì vậy, đầu 2010 Bộ đã trình đề án và đến cuối 2012 Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch công chứng toàn quốc, hoạt động công chứng đã nền nếp hơn” - Ông Cường cho biết.

Tuy nhiên, theo quy hoạch, mỗi quận huyện chỉ được phép có 4-5 tổ chức công chứng, do vậy tới đây sẽ phải sắp xếp lại, nơi nào dư phải chuyển địa bàn hoặc sáp nhập.

Về việc bổ nhiệm công chứng viên dễ dãi, Bộ trưởng Cường lý giải, nguyên nhân do luật quy định một số người về hưu đương nhiên được bổ nhiệm công chứng viên. Tới đây, sẽ phải có giải pháp để đầu vào chuẩn hơn.

Chia hoa hồng với ngân hàng?

Qua phản ánh của báo chí, ĐB Nguyễn Thị Hải “đề nghị Bộ trưởng làm rõ các VPCC có liên quan gì đến các vụ lừa đảo bất động sản bùng phát thời gian gần đây không?”.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói: “Tới đây, sẽ phải thanh tra toàn bộ các VPCC. Vấn đề tiếp tay cho lừa đảo bất động sản, đất đai... chắc chắn là có. Bởi theo luật, một tài sản lớn, như căn nhà trên phố, có thể thế chấp ở nhiều ngân hàng với tổng giá trị tương ứng của căn nhà đó. Vì thế, đã có công chứng viên công chứng thủ tục cho vay, dẫn đến không trả được nợ; nhưng cũng có chuyện công chứng viên không phát hiện được giấy tờ giả mà vẫn công chứng” - ông Cường nói.

Trả lời ĐB Trần Đình Long về việc có hay không sự móc nối giữa một số ngân hàng với VPCC để chia hoa hồng, đại diện NHNN Việt Nam - bà Lê Kim Thanh - cho biết, công chứng các hợp đồng giao dịch để đảm bảo giá trị pháp lý là cần thiết.

“Việc trích hoa hồng của VPCC cho các tổ chức tín dụng để lôi kéo khách hàng, chúng tôi có nghe thông tin. Tuy nhiên, các hoạt động tín dụng phải theo đúng quy định và NHNN sẽ theo dõi chặt chẽ để ngăn chặn sai phạm” - bà Thanh nói.

Tại phiên giải trình, ĐB Nguyễn Bá Thuyền lưu ý, nếu không quản lý tốt hoạt động công chứng sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Có người bị tử hình, có người phải nhảy lầu, phá sản vì công chứng làm sai. Vì vậy, phải quy định rõ tiêu chuẩn đối với công chứng viên.

Bộ trưởng Tư pháp cho biết, đến 2015 cố gắng mỗi quận huyện sẽ có một tổ chức công chứng, nếu không xã hội hóa được thì chính quyền phải đứng ra thành lập, để phục vụ nhân dân tốt hơn, tránh nơi quá thừa, nơi lại quá thiếu. Hoạt động công chứng, các tổ chức công chứng, công chứng viên cũng phải được siết chặt quản lý hơn.

Đào tạo mới dừng ở lý thuyết

Đó là đánh giá của Bộ trưởng Hà Hùng Cường khi nói về công tác quản lý, đào tạo và thực tiễn hoạt động công chứng.

Theo ông Cường, với việc quy định thời gian đào tạo nghề công chứng là 6 tháng nên mới chủ yếu tập trung giảng dạy lý thuyết, chưa có nhiều thời lượng thực tập kỹ năng hành nghề, dẫn đến hệ quả các học viên tốt nghiệp còn lúng túng khi tác nghiệp, dẫn đến sai phạm không đáng có.

Cũng theo Bộ trưởng Tư pháp, từ năm 2007 đến nay đã phát hiện 276 trường hợp vi phạm tại các phòng, VPCC, trong đó 80% sai phạm rơi vào nhóm đối tượng được miễn đào tạo, tập sự. Cá biệt, có công chứng viên phải lĩnh án do phạm pháp hình sự.

Theo Báo giấy