Nghiên cứu cho thấy các mục tiêu ở bờ biển phía tây và bờ biển phía đông của Mỹ có thể dễ dàng “dính đòn”. Nghiên cứu sử dụng vụ phóng giả định tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên, một tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn hiệu quả 13.000 km, “đủ để tấn công toàn bộ lãnh thổ Mỹ”, các nhà khoa học nói với báo Trung Quốc South China Morning Post.
Bộ chỉ huy phòng thủ tên lửa của Mỹ sẽ nhận được cảnh báo khoảng 20 giây sau khi tên lửa được phóng đi và lô tên lửa đánh chặn đầu tiên của Mỹ sẽ cất cánh trong vòng 11 phút từ Fort Greely ở Alaska. Một làn sóng đánh chặn khác sẽ được phóng từ Căn cứ Lực lượng Không gian Vandenberg ở California, nếu lần đầu tiên thất bại. Theo kết quả nghiên cứu, mạng lưới phòng thủ tên lửa hiện tại của Mỹ có những lỗ hổng có thể bị khai thác.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Không phổ biến vũ khí, hệ thống này chỉ đạt hiệu quả 55% và “không thể dựa vào nó để bảo vệ Mỹ khỏi một cuộc tấn công cực kỳ hạn chế”.
Frederick Lamb, giáo sư vật lý tại Đại học Illinois, nói với CNN: “Nếu Triều Tiên bắn một tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân tới Mỹ, không thể chắc chắn rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của chúng ta sẽ ngăn chặn được nó”.
Lãnh đạo Triều Tiên đưa con gái đi xem phóng tên lửa
Triều Tiên vừa phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-17 nhằm thể hiện phản ứng cứng rắn nhất của các lực lượng chiến lược trước cuộc tập trận chung quy mô lớn của Mỹ và Hàn Quốc, truyền thông nước này đưa tin ngày 17/3.
Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un chỉ đạo vụ phóng hôm 16/3, coi đây là dịp để đưa ra “lời cảnh báo mạnh mẽ hơn đối với những bên đang cố tình làm leo thang căng thẳng trên bán đảo”. Đi cùng ông Kim là con gái Ju-ae.
Vụ phóng liên quan đến một tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-17 “nhằm xác định khả năng cơ động và độ tin cậy của lực lượng răn đe hạt nhân của Triều Tiên”. KCNA đưa tin, tên lửa Hwasong-17 được phóng từ sân bay quốc tế Bình Nhưỡng, đạt độ cao tối đa 6.045 km và bay 1.000,2 km trong 4.151 giây trước khi nhắm trúng mục tiêu định sẵn ngoài khơi biển Nhật Bản.
KCNA viện dẫn “môi trường an ninh không ổn định” trong khu vực do “các cuộc tập trận quy mô lớn mang tính khiêu khích và gây hấn”, đề cập đến cuộc tập trận chung Lá chắn Tự do của Mỹ và Hàn Quốc.
Vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên diễn ra vài giờ trước khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Tokyo. Đây là một phần trong chiến dịch của Washington nhằm tăng cường hợp tác an ninh ba bên với hai đồng minh chủ chốt trong khu vực để chống lại các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
KCNA trích dẫn lời Chủ tịch Kim Jong-un rằng “cần đánh vào tâm lý sợ hãi của đối phương”, và rằng các động thái quân sự dai dẳng của đồng minh nhằm vào Triều Tiên sẽ chỉ mang lại “mối đe dọa nghiêm trọng” cho chính họ. Ông nhấn mạnh Triều Tiên sẽ “dùng vũ khí hạt nhân để đáp trả vũ khí hạt nhân, và đối đầu trực diện”.