Tên lửa bắn trúng dinh thự của ông Gaddafi

TP - Hôm qua, một tên lửa của liên quân phá hủy một phần dinh thự của Tổng thống Moammar Gaddafi. Cùng ngày, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon thúc giục Libya chấm dứt bạo lực chống dân thường.

>> Nhiều nước phản đối cuộc chiến tại Libya
>> Toàn cảnh cuộc khủng hoảng và chiến tranh ở Libya
>> Điều gì xảy ra tiếp theo trong cuộc chiến ở Libya?

Một phần dinh thự của Tổng thống Libya bị tên lửa đánh sập.
Ảnh: Reuters.

Hình ảnh trên Đài Truyền hình Libya cho thấy tòa nhà gần chiếc rạp mà ông Gaddafi thường tổ chức tiếp đón khách bị hư hỏng nặng. Mussa Ibrahim, người phát ngôn của chính phủ Libya, thông báo, không ai bị thương vong trong vụ tên lửa bắn trúng dinh thự.

Phát ngôn viên từ chối cho biết liệu ông Gaddafi còn ở trong dinh thự hay không. “Đó là đợt oanh tạc dã man” và có thể gây thương vong cho hàng trăm dân thường, những người tụ tập gần dinh thự để ủng hộ nhà lãnh đạo Libya, ông Ibrahim nhận định. “Các nước phương Tây nói rằng, họ muốn bảo vệ dân thường, nhưng họ đánh bom tòa nhà trong khi họ biết rằng có dân thường bên trong”, ông nói.

Giới chức Libya nói rằng, ít nhất 64 người Libya bị giết và 150 người bị thương cuối tuần qua trong các đợt ném bom và phóng tên lửa của Anh, Pháp, Mỹ… Tuy nhiên, liên quân phủ nhận họ nhằm vào dân thường.

Tại một cuộc họp báo của Lầu Năm Góc hôm qua, Phó đô đốc Bill Gortney, Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, nói: “Tôi đảm bảo rằng, nhà lãnh đạo Libya không nằm trong danh sách mục tiêu”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nhấn mạnh rằng, quan trọng là “hoạt động trong phạm vi Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (cho phép áp đặt vùng cấm bay đối với Libya) và tránh bổ sung mục tiêu”. “Tôi cũng nghĩ rằng, sẽ là không khôn ngoan khi đặt các mục tiêu cụ thể mà bạn có ít khả năng đạt được”, ông Gates nói.

Phó đô đốc Gortney nói rằng, các cuộc tấn công của liên quân “đã làm suy giảm đáng kể” năng lực phòng không của Libya và liên quân đã áp đặt xong vùng cấm bay bao phủ gần 1/3 lãnh thổ Libya. Tham gia chiến dịch quân sự này gồm có Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Ý, Bỉ và Qatar, và không máy bay nào của liên quân bị bắn hạ, ông Gortney nói.

Xe tăng của quân chính phủ Libya phát nổ sau một đợt không kích của liên quân. Ảnh: Reuters.

Hôm qua, Tổng thống Libya cho rằng, các cuộc không kích của liên quân là “biện pháp khủng bố” và đất nước ông sẽ chiến đấu lâu dài để giành thắng lợi cuối cùng. Tuy nhiên, sau đó, người phát ngôn của quân đội Libya tuyên bố rằng, đáp ứng lời kêu gọi chấm dứt bạo lực ngay lập tức của Liên minh châu Phi, các lực lượng của nước này quyết định bắt đầu ngừng bắn từ 9 giờ tối ngày 21-3 (giờ địa phương).

Sau khi tuyên bố ngừng bắn được đưa ra, một số nhân chứng nói rằng, họ vẫn nghe thấy tiếng súng ở thành phố cảng Benghazi ở miền đông Libya - thành lũy chính của lực lượng nổi dậy.

Mỹ buộc tội Libya nói dối về lệnh ngừng bắn hoặc vi phạm lệnh này, trong khi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon thúc giục chính quyền Libya giữ lời. Ngày 21-3 tại một cuộc họp báo ở Ai Cập, ông Ban Ki-moon nói rằng, Libya phải chấm dứt bạo lực ngay lập tức.

Tiếng nói phản chiến

Hôm qua, Tổng thống Venezuela, ông Hugo Chavez, lên án các cuộc không kích của liên quân làm chết dân thường và buộc tội những nước tham gia là “những tên đế quốc”. “Họ ném bom và những quả bom này rơi xuống bất kỳ nơi nào như bệnh viện, nhà ở. Đó là đánh bom bừa bãi”, ông Chavez phát biểu trên truyền hình.

Trước đó, ông cho rằng, việc can thiệp quân sự là “vô trách nhiệm” và là cái cớ để phương Tây “kiểm soát” nguồn dầu mỏ của Libya. Chính phủ Cuba cũng lên án sự can thiệp quân sự của nước ngoài vào xung đột nội bộ của Libya.

Hôm qua, khoảng 400 người tụ tập ở thành phố Barcelona của Tây Ban Nha để phản đối sự can thiệp này. Họ hô nhiều khẩu hiệu, trong đó có câu “Không đổ máu thêm nữa vì dầu mỏ”.

Tấn công quân sự thường gây tổn hại phụ, bom thường rơi vào dân thường, thay vì các cơ sở quân sự, Pere Ortega, một trong những người tổ chức đợt biểu tình, nói. Liên đoàn Ảrập, tổ chức ủng hộ việc áp đặt vùng cấm bay đối với Libya, cũng phản đối bạo lực.

Sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc quyết định áp đặt vùng cấm bay ở Libya, giá dầu mỏ thế giới tăng từ 105,8 lên hơn 110,5 USD/thùng.

Các nhà phân tích nói rằng, dù sản lượng dầu thô của Libya chỉ ở mức 1,6 triệu thùng/ngày, nhưng tình hình bất ổn định và khó dự đoán ở nước này sẽ khiến giá dầu thế giới tăng, nhất là trong trường hợp sản lượng dầu mỏ ở các nước Ảrập khác có biến động. 

Minh Long (tổng hợp)

Theo Báo giấy