Tê giác Java một sừng đã tuyệt chủng tại Việt Nam

Đây là kết luận của WWF Việt Nam (Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên) và IRF (Quỹ Bảo tồn Tê giác Quốc tế) công bố ngày 25-10-2011.

Tê giác Java một sừng đã tuyệt chủng tại Việt Nam

Kết luận này căn cứ vào kết quả phân tích gen của 22 mẫu phân do nhóm khảo sát của WWF và Vườn Quốc gia Cát Tiên thu nhập được từ năm 2009 đến năm 2010.

Theo đó, tất cả các mẫu phân này đều thuộc về xác cá thể Tê giác được tìm thấy tại Vườn Quốc gia Cát Tiên vào tháng 4-2010. Xác cá thể này cùng với viên đạn ở chân và sừng đã bị lấy đi, được tìm thấy ngay sau khi cuộc điều tra kết thúc. Điều này chứng tỏ săn bắn trộm là nguyên nhân gây ra cái chết cho cá thể Tê giác duy nhất ở đây.

Theo nhận xét của Giám đốc WWF Việt Nam Trần Minh Hiền: "Cá thể Tê giác Java cuối cùng tại Việt Nam đã chết. Những nỗ lực bảo tồn đã không bảo vệ được loại động vật đặc biệt quý hiếm này. Chúng ta đã đánh mất vĩnh viễn một phần di sản của thiên nhiên, của đa dạng sinh học tại Việt Nam". Nạn săn bắt và khai thác trộm động, thực vật hoang dã nhằm cung cấp cho các đường dây buôn bán, tiêu thụ trong nước và khu vực, đã làm cho nhiều quần thể loài tại Việt Nam bị suy giảm và cô lập nghiêm trọng. Đặc biệt loài hổ, voi châu Á và các loài đặc hữu như Saola, Vọoc mũi hếch và cá sấu Xiêm cũng đang trên bờ tuyệt chủng.

Tê giác Java từng được coi là tuyệt chủng tại đất liền châu Á, cho đến khi phát hiện được một cá thể bị bắn chết

vào năm 1988 tại khu vực Cát Tiên. Từ đó sự tồn tại của một quần thể nhỏ Tê giác đã được biết đến. Bắt đầu từ giữa những năm 1990, một số tổ chức quốc tế đã tham gia sâu vào công tác bảo tồn quần thể Tê giác Java còn lại của Vườn Quốc gia Cát Tiên. Song việc mất sinh cảnh sống do xây dựng những công trình thủy điện và xây dựng kết cấu hạ tầng, cộng với nạn xâm canh xâm cư và săn bắn trái phép tại đây là những yếu tố nguy hại dẫn đến sự tuyệt chủng của Tê giác Java ở Việt Nam.

Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên cho biết: Tổng diện tích đất rừng của Vườn từ 75.000ha đã giảm xuống còn khoảng 35.000ha. Với 20.000 dân hiện đang sinh sống trong khu vực, những năm gần đây cho dù lực lượng Kiểm lâm đã nỗ lực vượt bậc trong công tác quản lý và bảo vệ, song bình quân mỗi năm Vườn vẫn mất 50ha rừng; riêng 9 tháng đầu năm nay đã phát hiện xử lý 250 vụ vi phạm lâm luật, nhưng do pháp luật quy định chỉ khởi tố những vụ phá rừng từ 5000m2 trở lên, nên chỉ có 3 vụ bị khởi tố mà thôi.

Ông Nicx Cox, chuyên gia quản lý Chương trình Loài của WWF-Greater Mekong cảnh báo: Bảo vệ môi trường sống tự nhiên và ngăn chặn nạn săn bắt, buôn bán động vật hoang dã trái phép, là yếu tố quan trọng nhất để bảo vệ các loài này khỏi sự tuyệt chủng. Những vấn đề này chưa được thực hiện thỏa đáng dẫn đến việc thất bại trong bảo tồn Tê giác Java tại Việt Nam. Nếu tình trạng này không được cải thiện, nhiều loài nữa tại Việt Nam bị tuyệt chủng là điều không thể tránh khỏi. "Các khu bảo tồn tại Việt Nam cần phải tăng cường thêm lực lượng Kiểm lâm, họ phải được đào tạo và giám sát tốt hơn nữa, đồng thời chịu trách nhiệm giải trình cao hơn"-ông Nicx Cox nhấn mạnh.

TTXVN
Theo Đăng lại