Tàu Trung Quốc rời đảo tranh chấp

TP - Trong số 20 tàu cá Trung Quốc thả neo gần đảo Pag-Asa mấy ngày qua, giờ chỉ còn hai tàu ở lại, Bộ chỉ huy phía tây (Wescom) của quân đội Philippines thông báo hôm 29-7.

> Philippines không cần lực lượng LHQ ở vùng biển tranh chấp

Máy bay do thám của Hải quân Philippines chụp được ảnh tàu quân sự và hậu cần của Trung Quốc tại bãi đá Subi, gần đảo Pag-Asa. Ảnh: Philippine Star.

Ngày 27-7, lực lượng giám sát biển từ trên không của Philippines thấy 20 tàu cá Trung Quốc cách đảo Pag-Asa khoảng 5km, ngay trong khu vực mà các tàu Trung Quốc lớn hơn trước đó bị phát hiện đang thu hoạch san hô trái phép, phát ngôn viên Wescom, Trung tá Niel Estrella, nói.

Trước sự kiện này, nghị sĩ Rodolfo Biazon, nguyên Tham mưu trưởng của Lực lượng Vũ trang Philippines, đề xuất Philippines mời lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tới để ngăn chặn xung đột vũ trang trên Biển Đông giữa Manila và Bắc Kinh.

Ông Estrella nói rằng, dù phần lớn tàu cá Trung Quốc đã rút đi, nhưng Wescom vẫn giám sát chặt chẽ diễn biến trong vùng biển quanh nhóm đảo Kalayaan trên Biển Đông.

Căng thẳng gia tăng

Một cơ quan tư vấn Mỹ tên là Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) cho rằng, căng thẳng trên Biển Đông đã lên tới mức cao nhất, sau khi hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN mới đây ở Campuchia không ra được tuyên bố chung và tranh chấp “đang tăng lên, nguy cơ biến thành chiến tranh”.

Theo CFR, căng thẳng trên Biển Đông có từ nhiều thập kỷ trước, nhưng leo thang mạnh mẽ hai năm trở lại đây. Joshua Kurlantzick, chuyên gia về Đông Nam Á của CFR, nói rằng, việc Trung Quốc đưa ra yêu sách Đường lưỡi bò bao trọn hầu hết Biển Đông và biến một số đảo không người ở thành địa phương của mình đã khiến căng thẳng gia tăng.

Các đối tác khu vực của Mỹ như Philippines đang nhanh chóng mua sắm vũ khí, trong khi Trung Quốc đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền trên biển, đồng thời gửi thêm tàu dân sự và tàu hải quân tới một số khu vực tranh chấp, vị chuyên gia của CFR nói.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng bày tỏ tăng cường hỗ trợ đồng minh ở Đông Nam Á và ủng hộ các tuyên bố chủ quyền của họ.

Washington nói rằng, tự do hàng hải trên Biển Đông và một giải pháp giải quyết tranh chấp được tất cả các bên liên quan chấp nhận là một lợi ích quốc gia của Mỹ.

Ông Mike Hammer (Bộ Ngoại giao Mỹ) tái khẳng định quan điểm của Mỹ về vấn đề Biển Đông tại cuộc họp báo ở Washington hôm 27-7. “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tuyên bố chủ quyền làm rõ và theo đuổi tuyên bố của mình theo luật quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Chúng tôi ủng hộ tiến trình ngoại giao hợp tác của tất cả các bên để giải quyết những tranh chấp này. Và chúng tôi lo ngại về những hành động đơn phương”.

Có thể đưa ra tòa án quốc tế

Các quốc gia ASEAN có thể đưa vấn đề tranh chấp ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS). Philippines đã mời Trung Quốc cùng đưa vấn đề ra ITLOS để có giải pháp pháp lý lâu dài, thay vì giải pháp ngoại giao. Tuy nhiên, Trung Quốc chính thức từ chối.

Dù các biện pháp ngoại giao vẫn được thực hiện, Ngoại trưởng Philippines Alberto del Rosario nói rằng, cần theo đuổi giải pháp pháp lý bằng cách đưa vấn đề tuyên bố chủ quyền của Manila và Bắc Kinh ra ITLOS.

Trung Quốc luôn nói rằng, tranh chấp bãi cạn Scarborough cần được giải quyết thông qua tham vấn hữu nghị, trong khi Philippines muốn bảo vệ quan điểm của mình trước một tòa án được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn.

Thái An
Theo Philippine Star, AP

Theo Báo giấy