Tàu Trung Quốc không chịu rời đi, Tổng thống Indonesia ra thực địa

TPO - Tổng thống Joko Widodo hôm nay ra thăm hòn đảo ở vùng biển nơi các tàu Trung Quốc không chịu rời đi.
Ông Widodo ra thăm đảo ở vùng biển nơi các tàu Trung Quốc không chịu rời đi

Đợt căng thẳng lần này bắt đầu từ giữa tháng 12 khi một tàu hải cảnh và nhiều tàu cá Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở ngoài khơi quần đảo Natura, dẫn đến việc Jakarta triệu đại sứ Trung Quốc đến để phản đối. 

Trong chuyến thăm hôm nay, ông Widodo nói với các phóng viên có mặt trên đảo Natura Besar rằng vùng biển này hoàn toàn thuộc về Indonesia. 

“Chúng ta có một quận ở đây, một hội đồng và một thống đốc. Không phải tranh cãi gì hết. Trên thực tế và về thực quyền, Natura là Indonesia”, ông Widodo nói. 

Ông cũng gặp các ngư dân Indonesia trên đảo. 

Trong đợt căng thẳng lần trước với Trung Quốc năm 2016, ông Widodo tổ chức họp với nhiều bộ trưởng trên một tàu chiến để thể hiện sự ủng hộ lực lượng ở hiện trường. 

Đầu tuần này, Indonesia cử thêm máy bay chiến đấu và tàu chiến ra khu vực này để gây sức ép với nhóm tàu Trung Quốc. Ông Nursyawal Embun, giám đốc các hoạt động trên biển thuộc Cơ quan an ninh biển Indonesia, hôm nay nói rằng 2 tàu hải cảnh Trung Quốc vẫn ở đó, trong khi 10 tàu Indonesia đang tuần tra. 

Trung Quốc không đòi chủ quyền đối với quần đảo Natura, nhưng đòi quyền đánh bắt ở khu vực quanh đó dựa trên cái gọi là đường 9 đoạn bao trùm gần hết biển Đông dù không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào. 

Năm 2017, Indonesia đổi tên khu vực phía bắc của vùng đặc quyền kinh tế của họ thành biển Bắc Natura, như một phần của nỗ lực chống lại tham vọng chủ quyền trên biển của Trung Quốc. 

Mâu thuẫn trên biển làm xấu quan hệ nhìn chung tốt đẹp giữa hai nước. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là một nhà đầu tư lớn vào Indonesia. 

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Reuters hôm nay, ông Luhut Pandjaitan, Bộ trưởng điều phối đầu tư và tài nguyên biển, nói rằng cả Bắc Kinh và Jakarta đều sẽ sử dụng kênh ngoại giao. 

“Ngưỡng chiến tranh là gì? Không gì cả. Chiến tranh là bước cuối cùng khi tiến trình ngoại giao thất bại”, ông Pandjaitan nói.