Tàu Kilo Việt Nam có thể hạ máy bay
> Tiết lộ về lính tàu ngầm Việt Nam
> Tàu đổ bộ Singapore thăm TP.Hồ Chí Minh
Ít ai biết bằng, tàu ngầm Kilo ngoài khả năng tấn công tiêu diệt mọi mục tiêu trên, dưới mặt biển còn có thể bắn hạ máy bay.
Kilo là loại tàu ngầm chạy động cơ điện - diesel được Cục Thiết kế Trung ương Rubin chế tạo và đưa vào sử dụng từ năm 1982. Đây là một trong những tàu ngầm phi hạt nhân chạy êm nhất thế giới hiện nay.
Tàu được phát triển với hai biến thể chính: Project 877EKM và Project 636. Điểm khác biệt chủ yếu của hai biến thể, Kilo 636 lớn hơn về kích cỡ và trang bị hệ thống điện tử hiện đại hơn cùng vũ khí mạnh mẽ với tên lửa chống tàu siêu thanh Klub.
Mặc dù nhiệm vụ chính của tàu ngầm là thực hiện các hoạt động tấn công dưới nước, nhưng các nhà thiết kế vẫn tính đến khả năng phải đối đầu với các mục tiêu đường không trong trường hợp đang nổi lên. Vì thế, các nhà thiết kế đã trang bị cho Kilo tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp.
Theo thông tin từ nhà sản xuất, cả hai biến thể tàu ngầm Kilo có thể trang bị tên lửa phòng không tầm thấp 9K34 Strela-3 (NATO định danh cho biến thể hải quân là SA-N-8 Gremlin) và 9K83 Igla (NATO định danh là SA-N-10 Gimlet).
Tên lửa đối không được sử dụng để đối phó với các mục tiêu máy bay cánh cố định, trực thăng, UAV bay thấp trong trường hợp tàu đang nổi lên thì bị phát hiện. Hệ thống này mang tính phòng vệ nhiều hơn là tấn công.
9K34 Strela-3
Tên lửa 9K34 Strela-3 vốn là loại vũ khí phòng không vác vai trên bộ được phát triển từ những năm 1970. Hệ thống này trang bị đạn tên lửa 9M36 nặng 10,3kg, dài 1,47m, lắp đầu đạn nổ phân mảnh nặng 1,17kg.
Đạn tên lửa 9M36 của 9K34 Strela-3 lắp đầu tự dẫn hồng ngoại, làm việc dựa trên nguyên lý điều chế FM, phương pháp này ít bị ảnh hưởng bởi nhiễu hay mồi bẫy nhiệt (phóng từ máy). Tên lửa có cơ chế làm mát đầu dẫn đường hồng ngoại, tăng khả năng phân biệt nguồn nhiệt mục tiêu hay bẫy hồng ngoại.
Đạn 9M36 đạt tầm bắn tối đa 4,1km, hạ mục tiêu ở độ cao từ 30m tới 2,3km.
9K38 Igla
Tương tự 9K34 Igla, 9K38 Igla trang bị cho tàu ngầm Kilo cũng là vũ khí phòng không trên bộ từ những năm 1980. Hệ thống này trang bị đạn tên lửa 9M39 nặng 10,8kg, dài 1,5m, lắp đầu đạn nổ phân mảnh nặng 1,17kg.
Đạn tên lửa 9M39 lắp đầu tự hồng ngoại 2 phổ có khả năng lọc mục tiêu trong điều khiển đối phương thả nhiễu hồng ngoại (mồi bẫy nhiệt). Đặc biệt, tên lửa có khả năng phân biệt được máy bay địch và máy bay ta. Điều này giúp giảm rủi ro “bắn nhầm” quân mình.
Tên lửa có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở tầm bắn tối đa 5,2km, độ cao bắn hạ 10m tới 3,5km.
Giá phóng của hệ thống tên lửa này được bố trí trên đài điều khiển bên trong một khoang kín nước. Giá phóng sẽ được đưa lên bằng một hệ thống thủy lực để nhắm mục tiêu. Tất nhiên đó là lúc con tàu sẽ phải nổi lên, tên lửa không thể bắn từ dưới mặt nước.
Trên thực tế, khả năng tấn công đối không của tàu ngầm chỉ là thứ yếu. Bởi nếu đối chọi với các máy bay theo kiểu “tay đôi” không phải là lợi thế của tàu ngầm. Nhưng trong trường hợp bất khả kháng thì nó cung cấp cho tàu ngầm một lợi thế nhất định.
Tuy nhiên, hệ thống phòng không này chỉ được trang bị cho các tàu ngầm của Nga. Hầu hết tàu Kilo xuất khẩu chưa được trang bị hệ thống này.
Nhiều khả năng, Nga không muốn chia sẻ vũ khí này trên biến thể xuất khẩu. Vì thông thường, vũ khí xuất khẩu luôn luôn “thiếu hụt” một vài công nghệ so với mẫu nguyên gốc. Hoặc một khả năng rất thấp, các khách hàng không yêu cầu vũ khí phòng không.
Hiện, không rõ liệu tàu ngầm Kilo 636 cung cấp cho Hải quân Nhân dân Việt Nam có trang bị hệ thống phòng không. Vấn đề này tùy thuộc vào thỏa thuận giữa hai bên.
Dự kiến, trong năm 2013, phía Nga sẽ chuyển giao cho Việt Nam 02 tàu ngầm Kilo 636 đầu tiên. Hiện, nhà máy đóng tàu Nga đã khởi đóng chiếc tàu Kilo cuối cùng trong hợp đồng 6 tàu cung cấp cho Việt Nam.
Theo Kiến Thức