Tạo lan tỏa văn hóa ứng xử trong giáo dục nghề nghiệp, gia đình và xã hội

Thứ trưởng LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng đề nghị Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), từ đó tạo sự lan tỏa, thu hút được đông đảo học sinh, sinh viên, gia đình và xã hội cùng tham gia.

Nhiều mô hình văn hóa ứng xử được triển khai

Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) vừa tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng văn hoá ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025” và biểu dương các mô hình văn hoá ứng xử tiêu biểu.

Ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết: Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án, nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học, hầu hết lãnh đạo các cơ sở GDNN đã quan tâm và chỉ đạo việc xây dựng, áp dụng bộ quy tắc ứng xử trong trường học.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng (trái) tặng bằng khen cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp có mô hình văn hóa ứng xử tiêu biểu.

Nhiều cơ sở GDNN đã đưa ra nhiều điểm mới, nhiều mô hình văn hóa ứng xử được triển khai hiệu quả, mang lại giá trị, ý nghĩa trong xây dựng văn hóa ứng xử, giáo dục truyền thống cho đội ngũ nhà giáo, học sinh, sinh viên.

Cụ thể, đã có 97% cơ sở GDNN xây dựng và ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trong trường học; 95% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên các cơ sở GDNN được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng; 93,5% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, đoàn thanh niên trong các cơ sở GDNN được bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và có năng lực tốt trong tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử; 90% cơ sở GDNN trên toàn quốc đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện, góp phần xây dựng môi trường.

Đơn cử như một số mô hình: Trường học “Xanh - Sạch - Đẹp và An toàn” của Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội; “Điểm hẹn sinh viên” của Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội; “15 phút giờ vàng để sống xanh - sạch – khỏe” của Trường Cao đẳng Du lịch Huế; “Nhà trường văn minh, thân thiện, trách nhiệm” của Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TP.HCM…

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị

Tuy nhiên, ông Khánh cũng chỉ ra những điểm còn hạn chế trong triển khai Đề án như: Một số hoạt động ngoại khóa vẫn còn mang tính hình thức, phong trào, thời điểm, không thường xuyên, liên tục; Sở LĐTBXH một số tỉnh, thành phố chưa chủ động ban hành kế hoạch triển khai đến các cơ sở GDNN và chưa có báo cáo sơ kết kết quả triển khai thực hiện Đề án…

Tạo lan tỏa tới gia đình và xã hội

Thứ trưởng LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng chúc mừng các cơ sở GDNN, đặc biệt là 15 mô hình của 14 cơ sở GDNN đã được Bộ trưởng Bộ LĐTBXH tặng Bằng khen nhờ các mô hình xây dựng văn hoá ứng xử tiêu biểu.

Để tiếp tục triển khai thực hiện Đề án trong giai đoạn 2021-2025 nhằm hoàn thành và vượt các mục tiêu đề ra, ông Dũng yêu cầu Tổng cục GDNN tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở GDNN; Chỉ đạo hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử trong trường học theo khung quy định chung đối với các cơ sở GDNN đảm bảo ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện... Đồng thời, triển khai các giải pháp thiết thực, hiệu quả để việc xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở GDNN tạo được sự lan tỏa, thu hút được đông đảo học sinh, sinh viên, gia đình và xã hội cùng tham gia.

Đối với các cơ sở GDNN, theo ông Dũng, trường cần đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Xây dựng tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện; Chủ động tuyên truyền, xây dựng tài liệu bồi dưỡng, tập huấn kiến thức văn hóa ứng xử cho cán bộ quản lý, giáo viên, viên chức bằng các hình thức phù hợp; Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong xây dựng văn hóa ứng xử.

Đối với các em học sinh, sinh viên phải không ngừng học hỏi, trau dồi về hành vi ứng xử văn hóa, đóng góp tích cực vào xây dựng thói quen lối sống lành mạnh khi ngồi trên ghế nhà trường cũng như lúc trưởng thành ra thị trường lao động; Tạo lập hành vi, lối sống đẹp, tạo dựng hình ảnh, tâm thế học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp trong mắt bạn bè, nhà trường và xã hội cũng như cộng đồng quốc tế.