Tang thương trên đảo Sulawesi

TP - Một mặt, chính quyền phải chôn cất những người đã chết, mặt khác phải tiết kiệm từng giây từng phút cứu những người còn mắc kẹt.
Đội cứu hộ tập trung các thi thể giữa trời nắng nóng

Chính quyền Indonesia đang phải chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người có thể còn sống sót trong các đống đổ nát trên đảo Sulawesi sau trận động đất mạnh 7,5 độ Richter. Nhà cửa đổ xuống, nhiều người chưa kịp thoát ra đến nơi an toàn lại bị sóng thần, do động đất tạo ra, ập tới cuốn đi.

Con số người chết đã xác định tính đến chiều qua là 844 nhưng chắc chắn không phải con số cuối cùng vì rất nhiều người còn mất tích, hoặc mắc kẹt trong các đống đổ nát, hoặc bị cuốn đi và vùi lấp trong bùn đất. 
Một mặt, chính quyền phải chôn cất những người đã chết, mặt khác phải tiết kiệm từng giây từng phút cứu những người còn mắc kẹt.
Theo Reuters, hàng chục người được cho là vẫn mắc kẹt trong đống đổ nát của các khách sạn và một siêu thị ở thành phố nhỏ Palu, cách thủ đô Jakarta 1.500km về phía đông bắc. Người ta lo ngại rằng hàng trăm người trong nhiều ngôi làng đã bị đất lở vùi lấp.
Tổng thống Joko Widodo nói giải cứu những người này là một ưu tiên. “Công tác cứu hộ chưa kết thúc, có nhiều nơi việc cứu nạn chưa thể thực hiện vì thiếu thiết bị hạng nặng nhưng từ đêm 30/9, một số thiết bị đã được đưa tới các nơi cần chúng”, ông nói với các phóng viên.
Ông Widodo cũng nói quân đội đã sử dụng các máy bay vận tải quân sự C-130 chuyển thiết bị và lương thực thẳng từ thủ đô Jakarta tới những nơi xảy ra thảm họa.

Những cảnh tang thương
Ở khu vực Balaroa, 1.700 ngôi nhà bị “nuốt chửng” khi cơn chấn động biến cả vùng thành một bãi bùn khổng lồ. Cho tới hôm qua, chỉ duy nhất một phụ nữ mắc kẹt được cứu sống. “Chúng tôi không biết có bao nhiêu nạn nhân bị chôn vùi ở đó, nhưng ước tính có tới hàng trăm”, ông Sutopo Purwo Nugroho, người phát ngôn Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai quốc gia nói.
Gần ba ngày sau trận động đất, mức độ thiệt hại vẫn chưa thể xác định khi số người chết vẫn tăng lên. Chính quyền ước tính con số này có thể  lên đến hàng ngàn người, khi giới chức thiết lập lại kết nối liên lạc và giao thông với các vùng xa trung tâm.
Mối quan ngại lớn hiện nay đổ về Donggala, khu vực với 300.000 dân, nơi gần tâm chấn, và hai huyện khác của Palu, khi thông tin liên lạc bị mất hoàn toàn.
Nhân viên cứu hộ Lian Gogali đã tới được Donggala bằng xe máy. Chị nói ở đó hàng trăm người đang thiếu thức ăn, thuốc men, nhưng các đội cứu hộ chưa thể tới nơi vì các con đường hoặc hư hỏng nặng, hoặc bị các đống đổ nát làm cho tê liệt.
Người phát ngôn tổ chức Chữ thập đỏ Indonesia Aulia Arriani nói ở một huyện khác trong vùng động đất là Sigi, tình hình rất thê thảm. “Các tình nguyện viên tìm thấy 34 thi thể bị vùi lấp trong đống bùn đất do sóng thần cuốn tới. Toàn là trẻ em. Các em được tập trung ở một cơ sở tôn giáo để học tập, trước khi tai họa xảy đến”.
Các phóng viên tại hiện trường nói khắp nơi là cây đổ, nhà đổ, ô tô lật nhào, đường sá bị phong tỏa, cầu gãy. Người dân tranh nhau đi mua xăng dầu, xếp hàng dài cả cây số. Các đoàn xe chở lương thực, nước và nhiên liệu được xe cảnh sát hộ tống do e ngại tình trạng cướp bóc. Một nhân viên cứu hộ nói với Reuters rằng tình trạng vô chính phủ, cướp bóc đang gia tăng.
Đã xuất hiện những nghi vấn về hệ thống cảnh báo thảm họa, bị cho là đã không hoạt động hiệu quả khi động đất - sóng thần xảy ra, trong khi Indonesia thường xuyên phải đối mặt với thiên tai dạng này.
Người phát ngôn Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai quốc gia Nugroho nói với phóng viên rằng các phao cảnh báo sóng thần, thiết bị dùng đo độ cao các con sóng, đã ngừng hoạt động từ năm 2012. Ông này nói nguyên nhân là do thiếu kinh phí. Tổng thống Widodo đã đồng ý tiếp nhận cứu giúp từ cộng đồng quốc tế.
Hôm qua, trên đường  phố Palu, các thi thể được quấn trong vải nhựa, xếp thành dãy dài trong cái nắng chói chang của vùng nhiệt đới, trong khi các đội cứu hộ vẫn tiếp tục đào bới tìm các nạn nhân khác.
Thảm họa đã tác động tới cuộc sống của 2,4 triệu người. Ngoài hơn 800 người được xác định là đã chết, khoảng 600 người đang điều trị trong các bệnh viện, hơn 48.000 người mất nhà cửa, CNN trích nguồn tin địa phương cho hay.
Trong số những nạn nhân thiệt mạng, người ta nhắc tới nhân viên kiểm soát không lưu 21 tuổi Anthonius Gunawan Agung, nay được coi là một anh hùng.
Anthonius đã qua đời tại bệnh viện sau khi nhảy khỏi tháp kiểm soát không lưu ở sân bay Palu vì anh nghĩ ngọn tháp lúc đó sắp sửa sụp xuống. Người ta nói trong khi động đất bắt đầu lan tới, anh đã cố nán lại tháp để đảm bảo một máy bay hành khách cất cánh an toàn.  
Trong thảm họa này, cả thị trưởng đương nhiệm và cựu thị trưởng thành phố Palu đều thiệt mạng.
Một phụ nữ may mắn được cứu

1.200 tù nhân vượt ngục trong động đất
Theo Channel News Asia, chính quyền Indonesia hôm qua xác nhận hàng loạt cuộc vượt ngục quy mô lớn đã xảy ra. Khoảng 1.200 tù nhân đã trốn thoát khỏi ba trại giam trên đảo Sulawesi sau khi có động đất và sóng thần. Bộ trưởng Tư pháp Sri Puguh Utami nói các tù nhân này bị giam giữ trong hai trại giam ở thành phố Palu và một ở huyện Donggala.
“Lúc đầu, mọi việc có vẻ ổn… Nhưng không lâu sau khi động đất xảy ra, nước phun lên từ sân trại. Tù nhân hoảng hốt bỏ chạy, vượt tường ra ngoài”, bà Sri Puguh Utami thuật lại. Theo bà bộ trưởng, nước không phải từ các đợt sóng thần. “Tôi tin rằng họ bỏ trốn vì sợ sẽ mất mạng do động đất. Đây là vấn đề sống và chết”, bà nói.
Một nhà tù ở Palu, được thiết kế để giam giữ 120 người, nhưng trong thực tế là nơi thụ án của 581 tù nhân. Sau đợt động đất, hầu hết đã cùng nhau vượt thoát ra ngoài trước sự chứng kiến của cai tù khi các bức tường trại giam không trụ được trước đợt chấn động 7,5 độ Richter. Tại nhà tù còn lại của Palu, tù nhân đã phá cửa chính để thoát thân.
Nhà tù ở Donggala bị cháy và toàn bộ 343 tù nhân chạy thoát, theo lời bà Utami.

Mồ chôn tập thể cả ngàn người
Hôm qua, công tác chôn cất cho hơn 1.000 nạn nhân đã được chuẩn bị. Mồ chôn tập thể được đào với chiều rộng 10m, chiều dài 100m và sẽ được mở rộng nếu cần thiết, theo ông Willem Rampangilei, giám đốc Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai quốc gia. “Việc này cần tiến hành càng nhanh càng tốt, vì các lý do vệ sinh và tôn giáo”, ông nói với AP. Đội phu đào huyệt được yêu cầu chuẩn bị chỗ chôn cất cho 1.300 người, theo tường thuật  của AFP. Indonesia có đa số người theo Hồi giáo và theo tập tục của cộng đồng này, việc chôn cất cần tiến hành sớm sau khi qua đời, điển hình là trong vòng một ngày.



Khắp nơi là cảnh đổ nát   Ảnh: CNN