Chưa công khai và đồng thuận
Thông tư 35 ban hành năm 2012 cho phép các ngân hàng được thu phí ATM nội mạng kể từ ngày 1/3 năm 2013. Theo đó, mức phí áp dụng tối đa cho một giao dịch rút tiền nội mạng trong năm 2013 là 1.000 đồng, và sẽ tăng lên 2.000 đồng/giao dịch vào năm 2014 và tăng lên 3.000 đồng từ năm 2015 trở đi. Ðến nay, mức trần thu phí ATM mới được một số ngân hàng áp dụng nhưng chỉ với ngoại mạng, còn nội mạng đa số vẫn thu chỉ chưa tới 1/2 mức trần.
Vào đầu tháng 5/2017, 4 ông lớn ngân hàng thương mại (Vietinbank, BIDV, Agribank, và Vietcombank) đã quyết định tăng phí rút tiền nội mạng ATM. Phí ATM nội mạng là phí ngân hàng thu với các chủ thẻ rút tiền tại ATM trên hệ thống của mình. Trong khi đó, phí rút tiền ATM ngoại mạng hiện vẫn là 3.300 đồng một giao dịch (đã bao gồm VAT).
Lý do tăng phí ATM được các nhà băng đưa ra là để bù đắp chi phí lỗ lớn cho mảng ATM. Theo một số ngân hàng, chi phí cho một giao dịch tại ATM các nhà băng phải chi trả (gồm cả chi phí bảo trì, bảo dưỡng) từ 7.000 đồng đến 10.000 đồng.
Cụ thể, theo thông báo từ ngày 15/7 Vietcombank dự tính sẽ tăng phí rút tiền nội mạng ATM lên 1.650 đồng/lần. Các ngân hàng lớn còn lại là BIDV, VietinBank và Agribank nâng phí rút tiền ATM nội mạng từ 1.100 đồng lên 1.560 đồng (đã gồm Thuế giá trị gia tăng VAT). Thời gian có hiệu lực của các nhà băng này đều dự kiến cũng từ 15/7.
Tuy nhiên, ngay sau khi thông báo tăng đăng tải, lập tức dư luận có phản ứng. Trước đông đảo ý kiến này, chiều muộn ngày 9/7, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã trao đổi cho biết sẽ yêu cầu các ngân hàng trên tạm dừng việc tăng phí để cân nhắc lại lợi ích các bên và có thời gian thông tin, giải thích cho khách hàng, không tăng phí ồ ạt khi chưa đạt sự đồng thuận. Thông báo của NHNN được triển khai tới các ngân hàng vào ngay sáng hôm sau 10/7. Và cũng lập tức, ngân hàngVietcombank ra thông báo cho biết tạm dừng triển khai cập nhật biểu phí dịch vụ thẻ như đã thông báo trước đó (ngày 7/7/2018).
Không thể “bổ” đầu tư cho khách hàng
Ðáng nói, đây không phải lần đầu tiên các “ông lớn” bị tuýt còi bởi trước đó, vào tháng 5/2017 cũng 4 ngân hàng này với việc công bố tăng phí rút tiền ATM lên 1.650 đồng/lần đã khiến NHNN phải “đau đầu” triệu tập và gấp rút chỉ đạo dừng việc tăng phí. Ðộng thái này được đưa ra nhằm đảm bảo lợi ích cho khách hàng.
Còn nhớ, chủ đề về phí thẻ từng làm nóng Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng vào tháng 5/2018. Khi đó, trả lời về phí thẻ hiện nay, ông Ðào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội thẻ Việt Nam cho rằng các loại phí thẻ của Việt Nam là phù hợp với thông lệ của Hội thẻ quốc tế. “Các mức phí thẻ được NHNN quy định mức trần. Ðơn cử, phí thẻ như rút giao dịch nội mạng là từ 0 đồng đến 3.000 đồng/ giao dịch, tuy nhiên trên thực tế hầu hết mức phí rút tiền nội mạng được các ngân hàng áp dụng chỉ 1.000 đồng/ giao dịch”. Ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, việc tăng phí rút tiền ATM đã được tính toán trong lộ trình từ 5-6 năm trước và với mức thu phí như hiện tại không đủ bù đắp chi phí duy trì ATM cho các ngân hàng vận hành, do nhu cầu sử dụng thẻ ghi nợ chủ yếu của người dân vẫn là rút tiền mặt chứ không phải thanh toán.
Ngay lúc đó, bà Nguyễn Thị Mùi, chuyên gia ngân hàng đã mổ xẻ: xét đến cùng thì phí thẻ ATM là mấu chốt của vấn đề gây nên phản ứng khách hàng. “Phía khách hàng luôn kêu ngân hàng đang tận thu, phí chồng phí, có rất nhiều loại phí và luôn luôn có xu hướng tăng. Trong khi đó, ngân hàng thì cho rằng mức phí đó quá thấp, đúng ra là khoảng 7.000 đồng/giao dịch. Vậy mức phí thẻ bao nhiêu là phù hợp để hài lòng cả người sử dụng dịch vụ và phía ngân hàng? Có câu chuyện ngân hàng đầu tư bao nhiêu vào cây ATM thì phân bổ hết cho người sử dụng bấy nhiêu hay không?", bà Mùi đặt câu hỏi.