Tăng gấp đôi đầu tư của Việt Nam vào Myanmar

TP - Việt Nam hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 của Myanmar với 18 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 2,2 tỷ USD. Trong tuyên bố chung nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai bên cam kết sớm tăng gấp đôi đầu tư của Việt Nam vào Myanmar thông qua một chiến lược hợp tác kinh tế tăng cường và toàn diện.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khai trương văn phòng đại diện đầu tiên tại Myanmar của HDBank Ảnh: VGP

Nhận lời mời của Tổng thống Myanmar Win Myint, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần đầu tiên thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Myanmar từ ngày 16 đến 18/12. Chuyến thăm lần này tiếp tục khẳng định sự gần gũi cũng như sự coi trọng của hai nước đối với quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện Việt Nam-Myanmar. Hai bên đã ra tuyên bố chung.

Trong tuyên bố chung, các lãnh đạo đề nghị các bộ, ngành liên quan của hai bên thực hiện đầy đủ và hiệu quả Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện Việt Nam-Myanmar giai đoạn 2019-2024. 

Hai bên nhất trí thúc đẩy trao đổi đoàn quốc phòng, an ninh và các cơ chế hợp tác song phương; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng như quân y, công nghiệp quốc phòng, hậu cần, cứu hộ-cứu nạn; đẩy mạnh hợp tác phòng, chống các loại tội phạm có liên quan đến an ninh quốc gia hai nước và khu vực, trong đó có khủng bố, buôn bán người, cũng như các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là bảo vệ môi trường và an ninh nguồn nước, đặc biệt là quản lý nguồn nước xuyên biên giới.

Hai bên cam kết không cho phép bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào sử dụng lãnh thổ nước này để thực hiện các hoạt động chống phá nước kia và đề nghị các cơ quan liên quan sớm hoàn tất một bản ghi nhớ về tương trợ lẫn nhau trong các vấn đề hình sự.

Việt Nam hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 của Myanmar với 18 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 2,2 tỷ USD. Hai bên cam kết sớm tăng gấp đôi đầu tư của Việt Nam vào Myanmar thông qua một chiến lược hợp tác kinh tế tăng cường và toàn diện sẽ được các cơ quan liên quan hai bên phối hợp xây dựng vào cuối năm 2020. Hai bên hoan nghênh thiết lập Câu lạc bộ doanh nhân Việt Nam tại Myanmar, góp phần thúc đẩy hợp tác giữa các nhà đầu tư Việt Nam với Chính phủ, các bộ, ngành của Myanmar.

Xem xét một loạt đề xuất

Để phục vụ mục tiêu đó, phía Myanmar ghi nhận và đồng ý sớm xem xét các đề xuất của phía Việt Nam, bao gồm: đơn giản hóa thủ tục thông quan và kiểm dịch hàng hóa đối với thương mại song phương; thu hẹp danh mục các mặt hàng nhập khẩu cần xin giấy phép trên cơ sở các luật lệ và quy định của WTO; thành lập một khu công nghiệp phù hợp với các luật lệ và quy định liên quan của nước sở tại

. Hai bên nhất trí xem xét đẩy nhanh các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư trên cơ sở lợi ích chung. Việt Nam cũng đề nghị Myanmar tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực ngân hàng, hàng không, viễn thông, khoáng sản, công nghệ thông tin, dịch vụ công nghệ, du lịch, sản xuất hàng tiêu dùng, kinh doanh bảo hiểm, các dịch vụ khai thác dầu khí, điện, y tế và giáo dục.

Các lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực, tự do và an toàn hàng hải và hàng không ở biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử các bên ở biển Đông (DOC) và hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và ràng buộc pháp lý theo lộ trình được các bên thống nhất.

Phía Myanmar cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã thông hiểu tình hình bang Rakhine cũng như hỗ trợ Myanmar 100.000 USD để phục vụ các mục tiêu nhân đạo, tái thiết và phát triển bang Rakhine.