Theo Kết luận thanh tra, trong hai năm 2016, 2017 tình hình kinh doanh của IPC sụt giảm trầm trọng nhưng thu nhập của viên chức quản lý và người lao động lại tăng.
Cụ thể: Doanh thu và lợi nhuận năm 2017 của IPC giảm mạnh, mức đạt thấp hơn gần 1/2 so với năm 2016 nhưng thu nhập của viên chức quản lý và người lao động lại tăng. Thu nhập bình quân của viên chức quản lý năm 2016 là gần 62 triệu đồng/tháng. Đến năm 2017, mức thu nhập tăng lên hơn 65 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó thu nhập bình quân của người lao động tại công ty năm 2016 là hơn 18 triệu đồng/tháng. Đến năm 2017, mức thu nhập bình quân tăng lên hơn 31,7 triệu đồng/tháng. Qua thanh tra, Thanh tra TPHCM phát hiện số dư quỹ lương còn tồn của IPC đến tháng 6/2018 là gần 40 tỉ đồng.
Thanh tra TPHCM đã ra quyết định thu hồi hơn 684 tỉ đồng là khoản lợi nhuận sau phân phối còn lại của các năm trước mà công ty chưa nộp ngân sách vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra TPHCM để nộp ngân sách.
Ngoài ra, cơ quan Thanh tra kiến nghị thu hồi số tiền gần 1,2 tỉ đồng nhận không đúng quy định từ quỹ lương người lao động của 3 viên chức quản lý.
Không chỉ nhận thu nhập ngày càng tăng trong điều kiện tình hình kinh doanh ngày càng sụt giảm, các quan chức lãnh đạo IPC còn lũ lượt đi nước ngoài mà nhiều cán bộ nhân viên IPC vẫn nói vui là “các sếp đi nước ngoài như đi chợ”.
Theo kết luận thanh tra, trong 2 năm 2016, 2017, các vị trí quản lý của IPC có số ngày đi nước ngoài (bao gồm đi công tác và việc riêng, nghỉ mát) chiếm tỷ lệ lớn trong số ngày làm việc của năm, ảnh hưởng đến nhiệm vụ được giao và quản lý điều hành hoạt động sản suất kinh doanh.
Trong số đó, ông Tề Trí Dũng, Tổng Giám đốc đang nắm giữ kỷ lục với số ngày đi nước ngoài trong hai năm lên tới 106 ngày. Theo kết luận thanh tra, chỉ tính riêng việc đi công tác, ông Dũng có vi phạm đi vượt nhiều ngày so với số ngày được UBND TPHCM cho phép. Mục đích chuyến công tác là học tập nhưng báo cáo sau chuyến đi không thể hiện rõ kết quả, kinh nghiệm nào được đúc kết.
Cụ thể: Tháng 9/2016, UBND TPHCM có cho phép ông Tề Trí Dũng cùng 3 cán bộ của IPC đi công tác tại Bỉ, Hà Lan và Hoa Kỳ để nghiên cứu chuẩn bị đầu tư Khu công nghiệp Hiệp Phước. Thời gian là 11 ngày (từ 10/10/2016 đến ngày 21/10/2016). IPC ký hợp đồng tham quan châu Âu và Mỹ (chi phí hơn 1,1 tỉ đồng cho 4 người) với đơn vị tổ chức trong 16 ngày. Ông Dũng đi vượt kế hoạch 5 ngày. Sau chuyến công tác, công ty IPC có báo cáo nhưng nội dung không thể hiện rõ kết quả, kinh nghiệm đúc kết được qua chuyến đi.
Trong dịp Tết Dương lịch năm 2018, ông Tề Trí Dũng và ông Trần Đăng Linh, Phó Tổng Giám đốc IPC đi công tác tại Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha và Pháp. Theo phê duyệt của UBND TPHCM, hai ông được cử đi công tác từ ngày 2/1/2018 đến 12/1/2018. Tuy nhiên, thực tế cả hai ông đi từ ngày 29/12/2017 (trước 5 ngày) và về ngày 15/1/2018 (trễ 3 ngày).
Điều đáng nói, có 6 người khác cùng đi dù không có quyết định cử đi công tác của UBND TPHCM. Trong khi đó, kinh phí chi trả cho mỗi người là 246 triệu đồng/người. Sau chuyến đi, IPC có báo cáo về chuyến công tác nhưng nội dung cũng không thể hiện rõ kết quả, kinh nghiệm đúc kết.
Tối 14 và sáng 15/5, Công an TPHCM đã khởi tố và bắt tạm giam ông Tề Trí Dũng, Tổng giám đốc IPC và bà Hồ Thị Thanh Phúc, Tổng Giám đốc công ty Sadeco để điều tra về tội "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí".
Trước đó vào tháng 10/2018, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Tề Trí Dũng và chỉ đạo Thanh tra TPHCM chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ một số dấu hiệu sai phạm tại IPC.