Tâm sự của nữ giáo viên vùng cao vừa vinh dự nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT

TPO - Hơn 10 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, trong đó có 5 năm giảng dạy tại Trường Mầm non Ea Bia (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên), điểm trường đặc biệt khó khăn, cô giáo Đậu Thị Lệ Huyền, một trong 200 giáo viên tiêu biểu được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen luôn say nghề, mến trẻ, lấy nụ cười trên môi các em là động lực để gắn bó với nghề.

Không ngại gian khó

Năm 2012, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Trung ương 2 Nha Trang, cô Huyền được phân công về Trường Mầm non thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) giảng dạy. Đến năm 2019, cô Huyền quyết định chuyển công tác về Trường Mầm non Ea Bia.

Xã Ea Bia thuộc huyện miền núi Sông Hinh, với gần 90% dân số là người dân tộc Ê – đê. Hơn nữa, đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc nơi đây còn nhiều khó khăn. “Miếng cơm, manh áo các em còn chưa đủ no, đủ ấm; người dân quanh năm chỉ gắn bó với bản làng. Chính vì thế, nhiều phụ huynh chưa có điều kiện cho con đến trường”, cô Huyền cho biết thêm.

Chia sẻ lý do quyết định giảng dạy tại vùng cao, cô tâm sự: “Dù sinh ra và lớn lên ở thị trấn, nhưng mình muốn đi vào vùng sâu, vùng xa để cống hiến sức trẻ của mình. Qua đó, phần nào có thể giúp cho trẻ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đến trường.”

Lựa chọn trường Mầm non Ea Bia để gieo chữ, nữ nhà giáo mang một niềm mong ước lớn. Cô mong những đứa trẻ vùng cao được đến trường, được ăn học tập đầy đủ. Cô hy vọng mình là người truyền lửa, “thắp sáng” những ước mơ của các em, để mỗi bước chân trên đường đời sau này sẽ là những bước đi tự tin, mở ra cánh cửa của tri thức và tương lai tươi sáng.

Cô Huyền chụp ảnh cùng trẻ mầm non, Trường Mầm non thị trấn Hai Riêng.

Mỗi khi năm học mới đến, cô cùng nhà trường thực hiện chương trình điều tra phổ cập. Cô đi đến từng hộ gia đình, vận động phụ huynh cho con em đến trường theo đúng độ tuổi. Tuy nhiên, cái khó chính là rào cản về mặt ngôn ngữ, cùng với tư tưởng của các phụ huynh vùng cao khiến cô không khỏi trăn trở.

Cô chia sẻ: “Những ngày đầu đi vận động, phụ huynh chưa nhận thức tầm quan trọng của giáo dục nên nhiều người chưa muốn cho trẻ ra lớp. Mình kiên trì vận động. Và rồi, 100% phụ huynh cho trẻ đi học đúng độ tuổi”, cô nói.

Những ngày đầu tiên trẻ được đến trường, cô Huyền cho biết: “Trẻ chưa thạo tiếng, lại rụt rè, nhút nhát vì thế mà vấn đề giao tiếp cũng trở nên khó khăn hơn”. Nhưng với tình yêu thương, cô luôn ân cần, nhẹ nhàng chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, dạy trẻ ê a đánh vần những con chữ đầu đời.

Nhớ lại những năm dịch bệnh COVID-19, nữ nhà giáo trăn trở: “Dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc học tập của các em bị ảnh hưởng rất nhiều. Đặc biệt là các em lớp 5 tuổi, nếu không biết con chữ, mặt số, khi vào lớp 1 sẽ gặp khó khăn với chương trình tiểu học”. Đều đặn mỗi ngày, cô Huyền đến lớp thật sớm đón trẻ và luôn tay luôn chân ngày 10 tiếng ở trường học. Cô đã chủ động lập nhóm Zalo lớp, in phiếu bài tập để gửi đến từng nhà cho trẻ trong thời gian nghỉ dịch với mong muốn trẻ nhận được mặt chữ.

Hạnh phúc của người "gieo mầm"

Suốt hơn 10 năm làm giáo viên, hạnh phúc là làm được những điều dù nhỏ nhặt nhưng khiến trẻ yêu trường, lớp. Mỗi ngày đến trường học được điều mới, lạ và khi ra về vui tươi, sạch sẽ.

Kỷ niệm đáng nhớ với cô đó là những ngày lễ, học sinh mang đến tặng cô cục xà bông, hay những chiếc bánh mẹ gói đêm hôm trước. “Đời sống của trẻ ở đây còn khó khăn lắm, từ trang phục, ăn uống cho tới mọi vấn đề vật chất đều thiếu thốn. Bữa ăn 15 nghìn đồng đối với trẻ còn rất khó khăn nên tấm lòng của phụ huynh, học sinh dành cho cô giáo khiến cô vô cùng cảm động”, cô Huyền nói.

Để đáp lại tình cảm đó, cô Huyền không ngừng nỗ lực trong sự nghiệp trồng người. Nữ nhà giáo đã có nhiều giải pháp mang lại hiệu quả cao trong công tác chăm sóc và giáo dục trẻ. Năm nay, cô đã sáng kiến “Biện pháp giáo dục cảm xúc cho trẻ 5-6 tuổi trường Mẫu giáo Ea Bia” và được Hội đồng sáng kiến huyện Sông Hinh công nhận.

Kỷ niệm đáng nhớ với cô Huyền đó là những ngày lễ, học sinh mang đến tặng cô cục xà bông, hay những chiếc bánh mẹ gói đêm hôm trước

Cô giáo tin rằng, giáo dục bằng tình yêu thương, sự nhẹ nhàng và sẻ chia, trẻ sẽ có các kỹ năng cần thiết để thể hiện cũng như kiểm soát tâm trạng của bản thân. Từ đó, trẻ có nhận thức tốt hơn, biết đồng cảm với mọi người và thấu hiểu bản thân.

Và rồi, mọi sự nỗ lực đã được đền đáp. Cuối mỗi năm học, 100% trẻ đều đạt mục tiêu yêu cầu độ tuổi và hoàn thành Chương trình GDMN; trẻ mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp và được trang bị đầy đủ tâm thế và tâm lý để vào học lớp 1.

Theo cô Huyền, đã lựa chọn nghề giáo điều quan trọng nhất đó là phải có lòng yêu nghề, niềm đam mê. Đó là động lực để mình ngày càng gắn bó và tin yêu trẻ, yêu con đường mình lựa chọn nếu không sẽ tủi thân lắm. Bởi vì hiện nay tình trạng giáo viên mầm non bỏ nghề rất là nhiều, nguyên nhân là tiền lương thấp, thời gian làm việc ở trường, lớp quá nhiều.

"Công việc ngành nghề nào cũng có sự vất vả riêng nhưng nếu ngành khác người lao động có chuyên chuyên môn nhất định thì giáo viên mầm non phải biết tuốt, từ lao động trí óc tới lao động chân tay, kiêm bảo mẫu chăm sóc, nuôi dưỡng cho các em nhỏ", cô nói.

Ngoài tận tâm trong công tác giảng dạy, cô Huyền còn tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, xã hội và dịch vụ cộng đồng. Năm học vừa qua, cô đã kêu gọi mạnh thường quân tặng 150 suất quà và 2 triệu đồng tổ chức múa lân trong dịp Trung thu cho các em nhỏ trường Mẫu giáo Ea Bia. Đồng thời, phối hợp với chi đoàn xã Ea Bia lắp đặt bóng điện năng lượng mặt trời trị giá 50 triệu đồng cho điểm trường lẻ Dôn Chách. Tham gia hội thi “Tiếng hát công nhân viên chức lao động năm 2023” cấp huyện và đạt giải ba toàn đoàn.

Cô giáo Đậu Thị Lệ Huyền là một trong 200 nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu được Bộ GD&ĐT tuyên dương và trao bằng khen, trong dịp kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2023. Trong suốt 10 năm dạy học, cô Huyền đạt thành tích: giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; chiến sĩ thi đua cơ sở...