Pha quay xe tạo nên bất ngờ
Từng mơ ước trở thành bác sĩ y khoa, nhưng cuối cùng lại trở thành thủ khoa toàn khóa hệ cử nhân Y khoa, chuyên ngành kỹ thuật xét nghiệm y học là một bất ngờ đối với Nguyễn Triệu Nam và gia đình.
Hạnh phúc rạng ngời hiện rõ trên khuôn mặt của tân cử nhân Kỹ thuật xét nghiệm y học Nguyễn Triệu Nam khi cầm tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi trên tay tại Lễ tốt nghiệp bác sĩ y khoa, cử nhân y khoa vừa được Trường ĐH Y Hà Nội tổ chức với kết quả học tập toàn khóa đạt 8,40 điểm. Vì đây có thể coi là thành tích lớn nhất mà Nam đạt được từ trước đến nay.
Nam cho biết, 3 năm học THPT, ngày nào Nam cũng đi học qua Trường ĐH Y Hà Nội, nên yêu ngôi trường này lúc nào không hay. Năm lớp 11, Nam quyết định sẽ xét tuyển vào ngành Y khoa hệ bác sĩ của Trường.
Năm 2019, Nam thi THPT quốc gia đạt gần 25 điểm. Mức điểm này không đủ để đỗ vào ngành bác sĩ Y khoa mà em mong muốn của Trường ĐH Y Hà Nội. Nhưng em đủ điểm để đỗ vào ngành này ở Trường ĐH Y dược, ĐH Thái Nguyên. Nam cũng có phân vân liệu có nên lựa chọn học tiếp ngành bác sĩ Y khoa không.
Tuy nhiên, Nam không lựa chọn học bác sĩ Y khoa mà quay xe chọn kỹ thuật xét nghiệm y học vì thích môi trường của Trường ĐH Y Hà Nội và là ngôi trường có tiếng về đào tạo ngành y trên cả nước. Lựa chọn này cho đến giờ, Nam thấy đúng là cơ duyên may mắn của bản thân.
Trong quá trình học tập các thầy cô trong khoa hỗ trợ và giải đáp mọi băn khoăn, thắc mắc của sinh viên. Từ năm thứ 2, Nam đã bắt đầu thực tập tại các bệnh viện khi học môn giải phẫu bệnh phẩm. Nhưng năm thứ 3 do dịch bùng phát mạnh nên Nam và các bạn gần như không có cơ hội thực tập tại bệnh viện. Nhưng sang năm thứ 4, cơ hội thực tập nhiều hơn do dịch bệnh đã được kiểm soát.
Nam khẳng định được thực tập tại các bệnh viện lớn nên kiến thức thu nhận luôn được cập nhật toàn diện.
Có thể nói, các kỹ thuật viên xét nghiệm y học là những người tiếp xúc đầu tiên với các mẫu bệnh phẩm, các loại virus, vi khuẩn. Ban đầu khi đi thực tập, Nam có hơi sợ. Đặc biệt là khi thực hiện xét nghiệm mẫu bệnh phẩm trên mô cắt một phần của con người. Tuy nhiên, trong quá trình học, thực hành, Nam đã dần làm quen, đặc biệt là sau này, khi tiếp xúc với các mẫu bệnh phẩm lây nhiễm như trong thời gian dịch COVID-19 hoành hành. Nam cũng như các bạn đã giữ được bình tĩnh trước những mẫu bệnh phẩm có sự lây nhiễm cao.
Có được “thần kinh thép” như thế là nhờ tập luyện nhiều. Trước khi tiếp xúc với các mẫu bệnh phẩm trực tiếp, Nam đã tiếp xúc các mẫu bệnh phẩm tương tự đã được kiểm soát trước đó, các thầy cô giúp Nam làm quen với cách tiếp cận an toàn cho bản thân và đồng nghiệp.
Kể về câu chuyện COVID, khi dịch bùng phát thì Nam không bị, đến khi dịch được kiểm soát thì Nam lại nhiễm COVID-19 từ mẹ.
“Về nguy hiểm của nghề, nhiều lần bố mẹ đã đặt vấn đề sao lại chọn ngành này, có thi lại bác sĩ Y khoa không. Nhưng em kiên quyết theo ngành xét nghiệm”, Nam nói.
Đồng thời chia sẻ thêm khi vào học, em mới đầu đi tìm hiểu về công việc của một kỹ thuật xét nghiệm y học, nhưng khi đi lâm sàng tại các bệnh viện, phòng thí nghiệm của trường, Nam thực sự có được cảm giác yêu nghề xét nghiệm. Vì thỏa mãn trí tò mò, óc tưởng tưởng và kiến thức liên quan khoa học được minh chứng, khẳng định. Hơn nữa, ngành này có thể học cao hơn, tiếp cận kiến thức tốt hơn, và có thể được bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Trong quá trình đi thực tập học phần vi sinh, ký sinh trùng được làm từ đầu đến cuối quy trình xét nghiệm nên Nam càng cảm thấy yêu thích ngành này hơn. Tuy vậy, do tài liệu liên quan đến ngành này còn ít nên Nam chủ yếu tự tìm tài liệu tiếng Anh.
Thủ khoa toàn khóa là thành tích lớn nhất của Nam. Trong quá trình học Nam có đạt được học bổng khuyến khích của trường và các đơn vị tổ chức ngoài trường trao tặng.
Thủ khoa từng trượt ĐH năm đầu
Tân bác sĩ thủ khoa Phân hiệu Thanh Hóa Y Hà Nội từng trượt ĐH năm đầu Nguyễn Tăng Lạc Long, lớp bác sĩ Y khoa khóa 2 (2017-2023), Phân hiệu Trường ĐH Y Hà Nội tại Thanh Hóa đến từ thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Bố làm việc trong ngành Y và luôn được Long coi là thần tượng nên năm 2016, tốt nghiệp THPT, em đăng ký nguyện vọng vào Trường ĐH Y dược, ĐH Huế, nhưng không đỗ.
Long quyết định ôn luyện để thi lại năm 2017. Cùng với đó, Long mới nhận được thông tin, Trường ĐH Y Hà Nội có phân hiệu ở Thanh Hóa. Năm đó, Long thi THPT quốc gia đạt 27,25 điểm (gồm 0,5 điểm ưu tiên khu vực và điểm thi). Long đăng ký NV1 là cơ sở Hà Nội, NV2 vào Trường ĐH Y dược, ĐH Huế, NV3 là phân hiệu của Trường ĐH Y Hà Nội tại Thanh Hóa. Long đã trúng tuyển nguyện vọng 3.
Khi nhập học tại phân hiệu của Trường ĐH Y Hà Nội, là sinh viên khóa 2 nên cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn nhưng với Long, điều đó không ảnh hưởng đến học tập. Vì các thầy cô rất nhiệt tình giảng dạy.
Long vẫn còn nhớ, năm đầu tiên, kết quả học tập không tốt (điểm tổng kết năm chỉ đạt 6,9) do chểnh mảng nhưng chắc một phần do học môn Lý Sinh quá khó đối với Long. Em tự nhận mình học không tốt môn Vật lý nên có phần bị “choáng”.
Nhưng đến năm thứ 2 được học những môn học liên quan đến giải phẫu, Sinh Hóa nên hiểu cơ thể con người hoạt động thế nào, dần dần thích thú. Năm 3 được học lâm sàng, các anh, chị, các thầy tại bệnh viện tỉnh gần như cầm tay chỉ việc từ đó dần dần hình thành đam mê, và yêu ngành y từ lúc nào không biết.
Long dự định sắp tới thi nội trú. Nếu đạt được thì sẽ đi làm, theo đuổi chuyên ngành theo đuổi suốt mấy năm qua là tim mạch.
“Em cũng không hiểu động lực nào thúc đẩy mình, khiến mình ôn thi lại. Càng học càng hứng thú, càng muốn tìm hiểu sâu. Lúc học bài: chỉ biết là học tốt nhất có thể, để khi hành nghề trở thành một bác sĩ tốt. Học đều mọi môn. Đã là bác sĩ đa khoa thì phải có nền tảng tốt. Ví dụ khi gặp một bệnh nhân mà bệnh của họ không thuộc chuyên ngành của mình thì mình cũng phải biết chuyển bệnh nhân đó đến chuyên khoa nào là phù hợp”, Long chia sẻ.
6 năm học tập tại trường, thực hành tại bệnh viện, Long nhớ nhất kỷ niệm có lần gặp một bệnh nhân bị tai nạn giao thông, dập nát toàn bộ 2 chân. Bệnh nhân 20-21 tuổi. Phải cắt cụt 2 chân để kịp thời cứu bệnh nhân. “Vài ngày sau bệnh nhân tỉnh dậy, rất suy sụp. Vì chỉ giống như sau một giấc ngủ, tỉnh dậy thấy mình đã mất đôi chân. Lúc đó các bác sĩ luôn động viên bệnh nhân vượt qua giai đoạn khó khăn nhất này”, Long nói. Cũng từ kỷ niệm này mà em nhận thấy làm bác sĩ còn phải có sự đồng cảm với bệnh nhân. Không chỉ là bác sĩ chữa bệnh cho người ta mà phải còn chữa lành tinh thần cho bệnh nhân.
Sáng 12/8, tại Phân hiệu Thanh Hóa, Trường ĐH Y Hà Nội tổ chức lễ bế giảng bác sỹ Y khoa khóa 2 (2017 - 2023). Tổng số sinh viên tốt nghiệp ngành bác sỹ Y khoa tại Phân hiệu là 115/119 sinh viên với trên 68% sinh viên tốt nghiệp khá giỏi. Trong số này có 7 sinh viên được khen thưởng.