Tạm ngừng tiêm vắc xin Quinvaxem có ảnh hưởng tới trẻ?

TP - Việc Bộ Y tế cho tạm ngừng sử dụng vắc xin Quinvaxem tiêm cho trẻ khiến nhiều phụ huynh lo lắng vì đã cho con tiêm 1 hoặc 2 mũi vắc xin này.
Kiểm tra vắc xin trước khi tiêm cho trẻ

> Nghèo vẫn phải dùng vắc-xin 'nhà giàu'
> Hốt bạc từ vắc-xin dịch vụ

GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cho biết, dừng tiêm vắc xin chỉ là tạm thời trong khoảng 2 tháng. Việc gián đoạn mũi tiêm trong thời gian này không ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch của trẻ khi tiêm các mũi tiếp theo đối với những trẻ đã được tiêm 1 hay 2 mũi trước đó.

GS Hiển dẫn chứng thêm, thực tế là các nước có lịch tiêm khác nhau về khoảng cách giữa các mũi tiêm Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván là 2-4-6 tháng, hay 3-5-12 tháng chứ không phải là 2-3-4 tháng như lịch của Việt Nam.

“Bộ Y tế sẽ cố gắng không để thời gian tạm dừng này kéo dài mà không có vắc xin thay thế, và việc tiếp tục sử dụng vắc xin sẽ được triển khai càng sớm càng tốt”, ông Hiển nói.

 “Cần tiêm đủ liều, đủ số mũi theo qui định. Những trường hợp khi chưa tiêm đủ lượng vắc xin như cháu Phong thì nên tiêm lại mũi khác sau 1 tháng thì mới đảm bảo đáp ứng miễn dịch hiệu quả” 

GS.TS Nguyễn Trần Hiển

Cho tới nay, kết quả điều tra đánh giá của các Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân phản ứng sau tiêm của các tỉnh và Bộ Y tế cũng như của đoàn chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc cho thấy, không có sự liên quan giữa các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng này với quy trình vận chuyển, bảo quản, dịch vụ tiêm chủng; chưa có dấu hiệu có liên quan đến chất lượng vắc xin.

Theo WHO, vắc xin đã được sử dụng ở hơn 90 nước với tổng số hơn 400 triệu liều, hiện không có bằng chứng về các phản ứng sau tiêm chủng nặng là do chất lượng vắc xin.

Tuy nhiên, để chắc chắn, Bộ Y tế vẫn quyết định tạm dừng sử dụng vắc xin Quinvaxem trong khi chờ đợi trả lời kết quả xét nghiệm về chất lượng vắc xin tại một phòng thí nghiệm độc lập của WHO.

GS Hiển nhấn mạnh, đây chỉ là tạm dừng chờ kết luận cuối cùng về chất lượng của vắc xin chứ không phải là dừng hoàn toàn vắc xin này hay dừng tiêm các vắc xin chứa trong vắc xin 5 trong 1.

Dự kiến cuối tháng 6/2013, Việt Nam sẽ có đầy đủ kết luận về tính an toàn của vắc xin Quinvaxem của WHO. Khi đó, Bộ Y tế sẽ đưa ra quyết định dùng lại vắc xin này hay thay thế bằng một vắc xin khác.

Đến cuối tháng 6, nếu không có bằng chứng về mối liên quan giữa các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng nặng với chất lượng vắc xin thì có thể sẽ sử dụng lại vắc xin Quinvaxem. Nếu có liên quan thì thay thế bằng vắc xin trong nước như đã sử dụng trước đây là mũi tiêm vắc xin 3 trong 1 (Bạch hầu-Ho gà-Uốn ván), và mũi tiêm vắc xin Viêm gan B, mà không có thành phần Hib.

Tiêm thiếu vắc xin không đáp ứng đủ miễn dịch

Ngày 13/5, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hôm nay (14/5), dự kiến Hội đồng kỷ luật của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội sẽ họp kiểm điểm để ra quyết định cuối cùng về việc xử lý cán bộ ăn bớt vắc xin tiêm phòng cho trẻ.

Đặc biệt, do có thêm tình tiết mới là một phụ huynh khác đã có đơn tố cáo với báo chí về cán bộ y tế Bùi Thị Phương Hoa đã tiêm vắc xin được hút sẵn vào xilanh từ trước nên tại buổi họp này, Hội đồng kỷ luật cũng sẽ xem xét, xác minh và xử lý luôn. Ông Hạnh cho biết thêm, bà Hoa có thể bị buộc thôi việc.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bản chất của vắc xin là chủ động tạo miễn dịch cho cơ thể trước căn bệnh đó, việc tiêm vắc xin không đủ liều sẽ dẫn tới không đủ lượng kháng nguyên để kích thích cơ thể sinh ra kháng thể, không tạo đủ miễn dịch để bảo vệ trẻ trước căn bệnh.

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội: “Với quy trình tiêm chủng như hiện nay tôi khẳng định việc tái sử dụng vắc xin thừa cho trẻ khác là rất khó xảy ra. Vắc xin tiêm cho trẻ được bảo quản theo dây chuyền lạnh ở nhiệt độ 2-8 độ C, về nguyên tắc vắc xin đã mở không được phép tiêm cho trẻ khác…”.

Theo Báo giấy