Tài xế ăn hoa quả dính 'nồng độ cồn' bị xử lý thế nào?

TPO - Đại diện Phòng CSGT Hà Nội cho rằng, quá trình tuần tra xử lý vi phạm phát sinh trường hợp tài xế cho rằng vì ăn hoa quả, sinh tố nên trong hơi thở có nồng độ cồn mà không phải do uống rượu bia sẽ được lực lượng chức năng đưa đến cơ sở y tế lấy máu kiểm tra.

"Bỏ của chạy người" khi bị cảnh sát đo nồng độ cồn

Trong năm ngày đầu xử thực hiện theo Nghị định 100 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, lực lượng CSGT Hà Nội đã phát hiện, xử lý nhiều "ma men" lái xe, trong đó nhiều tài xế không hợp tác, chống đối.

Ngay trong buổi đầu ra quân, tối 1/1, Đội tuần tra cao tốc số 3 - Cục CSGT làm nhiệm vụ tại km188 Pháp Vân - Cầu Giẽ. Dừng xe tải BKS 29C-45xx, cảnh sát yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn nhưng tài xế Lê Khắc T không hợp tác, chống đối. Sau hơn 2 giờ làm việc, người này mới chấp hành đo nồng độ cồn. Cảnh sát bát, tài xế Lê Khắc T vi phạm nồng độ cồn mức 0,718miligam/lít khí thở.

Ngay sau đó, tổ tuần tra lập biên bản vi phạm, xử phạt tài xế Lê Khắc T 35 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 23 tháng.

Trong nội đô Hà Nội, tối 2/1 tổ công tác của Đội CSGT số 6 (Công an TP Hà Nội) làm nhiệm vụ tại ngã tư Xuân Thủy - Cầu Giấy, phát hiện và xử phạt hàng loạt ma men lái xe. Đáng chú ý, cảnh sát dừng xe ông Lưu Hoàng Hải (SN 1953, ở Cầu Giấy) vì có biểu hiện nghi vấn khi lái xe máy BKS 29Y5-8686.

Tài xế Lưu Hoàng Hải để lại xe máy rồi rời đi, không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn.

Khi cảnh sát yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, ông Hải thừa nhận có uống 2 cốc bia trước đó rồi lái xe nhưng phản kháng quyết liệt và không đồng ý thổi nồng độ cồn. Bị cảnh sát tiếp tục nhắc nhở yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, ông Hải còn tự xưng là cựu Vụ trưởng thuộc Bộ GD&ĐT và dọa đốt xe máy.

Sau hai giờ làm việc, ông Hải đã bỏ lại xe máy rồi rời đi. Theo lãnh đạo Đội CSGT số 6, đơn vị đã lập biên bản xử phạt lỗi "không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn", tạm giữ phương tiện tài xế.

Tối 3/1 tổ công tác liên ngành Y10/141 Công an TP Hà Nội làm nhiệm vụ tại nút giao Điện Biên Phủ - Lê Duẩn (Ba Đình, Hà Nội). Quá trình tuần tra xử lý vi phạm, tổ công tác dừng xe máy BKS 29C1-709.12 do anh Nguyễn Văn Thắng (SN 1972) điều khiển.

Bị cảnh sát dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn, anh Thắng lớn tiếng phản đối và cho rằng mình không vi phạm. Thấy nhiều phóng viên ghi hình buổi xử lý vi phạm tại nút giao này, người đàn ông trung niên thách thức, dọa đập máy quay.

Sau vài giờ hướng dẫn, giải thích tuy nhiên anh Thắng vẫn bất tuân, bỏ lại xe máy trên đường rồi rời đi. Cảnh sát mời một số nhân chứng cùng ký vào biên bản xử lý về hành vi "không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn" và tạm giữ phương tiện để xử lý sau theo đúng quy định.

Tài xế Nguyễn Đức Hải bị phạt 35 triệu đồng do vi phạm nồng độ cồn.

Ăn hoa quả dính 'nồng độ cồn' xử lý thế nào?

Trong những ngày đầu xử lý vi phạm với mức phạt tăng cao, đặc biệt hành vi vi phạm nồng độ cồn, nhiều ý kiến cho rằng, khi ăn hoa quả, sinh tố, uống thuốc ho có men khiến tài xế có thể bị phạt oan khi bị cảnh sát kiểm tra.

Nói về ý kiến này, đại diện Phòng CSGT Hà Nội cho biết, quá trình tuần tra xử lý vi phạm nếu phát sinh các trường hợp người vi phạm không thừa nhận đã sử dụng rượu, bia hoặc chất kích thích, mà giải thích rằng mình vừa ăn hoa quả, sinh tố... thì sẽ được lực lượng chức năng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để lấy máu kiểm tra.

Bộ Công an và Bộ Y tế đã ký thông tư phối hợp, quy định trong những trường hợp cần thiết, lực lượng CSGT sẵn sàng mời người vi phạm đến cơ sở y tế để lấy máu, tiến hành đo nồng độ cồn, tìm ra nguyên nhân chính xác.

Theo lãnh đạo Phòng CSGT, thông thường đó chỉ là những lý do “ngụy biện” cho việc sử dụng bia, rượu, bởi với thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ chuyên dụng, được cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm định, bảo đảm các thông số kỹ thuật an toàn thì sẽ không có tình huống xử phạt “oan” cho người ăn hoa quả.

Qua thực tiễn xử lý những “ma men” lưu thông trên đường, trung tá Vũ Mạnh Nam, Đội phó CSGT số 7 cũng cho rằng đó chỉ là những lý do để người vi phạm chống đối. Thực tế, những người đã sử dụng rượu, bia hoặc chất kích thích thường hay có hành vi chống đối bộc phát như quay đầu xe bỏ chạy hoặc không chấp hành việc thổi vào máy đo nồng độ cồn; cố tình thổi không đúng cách hoặc đổ lỗi cho những lý do khác như ăn hoa quả...

Trung tá Vũ Mạnh Nam trao đổi với phóng viên.
“Với máy đo nồng độ cồn chuyên dụng, có kiểm định của các cơ quan quản lý, chỉ người nào sử dụng rượu, bia, chất kích thích khi được đo thì máy mới báo nồng độ cồn, còn ăn hoa quả thì khó có thể đo được nồng độ cồn trong khí thở. Trên thực tế xử lý, đơn vị chưa gặp trường hợp nào như vậy. Chúng tôi cũng đã có những hướng dẫn, tập huấn bài bản cho lực lượng chiến sĩ để giải thích cho người vi phạm cũng như chứng minh bằng nhiều cách để người vi phạm “tâm phục khẩu phục”", trung tá Vũ Mạnh Nam nói.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, sản phẩm trái cây, thuốc ho để lại nồng độ cồn trong cơ thể rất nhỏ. Trên thực tế, có những trường hợp người điều khiển phương tiện ăn trái cây như (vải, sầu riêng...) hoặc uống thuốc ho mà hơi thở có nồng độ cồn thì người vi phạm có thể được trình bày ý kiến.
Tuy nhiên, việc những sản phẩm trái cây hoặc thuốc ho nếu có để lại nồng độ cồn trong cơ thể thường rất nhỏ. Ngoài ra, CSGT khi xử phạt nồng độ cồn còn căn cứ vào các biểu hiện của người vi phạm như tình trạng tâm lý, diễn biến hành vi, lời nói, cử chỉ, sắc mặt và qua qua hơi thở khi nói chuyện để có căn cứ xử lý vi phạm. Nếu trường hợp chưa rõ ràng qua hơi thở có nồng độ cồn thì có thể yêu cầu CSGT đưa đi xét nghiệm máu sẽ có kết quả chính xác.

“Tài xế không cần quá lo lắng nếu thực sự mình ăn trái cây hoặc sử dụng thuốc ho có nồng độ cồn, bởi sẽ không bị xử lý vi phạm hành chính khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. CSGT sẽ sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để không xử phạt oan người không sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện”, luật sư Thơm nêu quan điểm.