Bệnh nhân là anh N.Q.N. (29 tuổi, quê Quảng Ngãi). Theo bệnh sử, khoảng 6 năm trước, anh N. phát hiện khối u ở xương hàm dưới. Tuy nhiên, vì lý do cá nhân nên việc điều trị bị gián đoạn. Gần đây, anh N. có biểu hiện sưng nề gia tăng ở vùng hàm dưới.
Kết quả kiểm tra hình ảnh tại Bệnh viện Quân y 175 cho thấy, khối u đã phát triển lớn, phá hủy xương hàm từ răng số 44 đến ngành lên hàm dưới bên phải của bệnh nhân.
Để tránh nguy hiểm cho người bệnh, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cắt đoạn xương hàm dưới, loại bỏ khối u.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được chỉ định tái tạo xương hàm dưới bằng vạt da cơ xương mác tự do. Theo BS Tú, đây là một kỹ thuật phức tạp. Tuy nhiên, phương pháp này được hỗ trợ bởi công nghệ 3D, giúp các bác sĩ mô phỏng chính xác từng thao tác cắt, ghép và tái tạo.
Bệnh nhân được thiết kế đường cắt và máng hướng dẫn phẫu thuật để cắt xương hàm và cắt xương mác (cutting guide) trên phần mềm, in máng, in mẫu hàm 3D sau khi đã giả lập cắt xương và tái tạo lại. Các bác sĩ đã tiến hành bẻ nẹp theo mẫu hàm giả lập trước.
Các bác sĩ đã cắt đoạn xương hàm bị khối u phá hủy, vạt da cơ xương mác và kết hợp xương mác vào nẹp tái tạo đã uốn sẵn, sau đó kết phức hợp vạt, nẹp vào xương hàm dưới bảo đảm khớp cắn và khả năng vận động của xương hàm. Sau các công đoạn trên, các bác sĩ đã thực hiện vi phẫu khâu nối mạch máu đảm bảo sự sống của vạt tái tạo.
Sau 10 ngày phẫu thuật, bệnh nhân hồi phục tốt, vạt xương mác sống tốt, lành thương nhanh, chức năng ăn, nhai, vận động há ngậm và thẩm mỹ gương mặt của người bệnh được cải thiện rõ rệt.
Theo BS Tú, ứng dụng 3D đã giúp tạo ra xương hàm dưới từ xương mác hoàn hảo nhất dưới mọi góc độ. Lập kế hoạch và thực hiện đúng theo kế hoạch khi ứng dụng công nghệ 3D trong vi phẫu giúp người bệnh không may bị mất xương hàm giữ được tính thẩm mỹ của khuôn mặt và chức năng nhai, nuốt.