Tái hiện năm tháng hào hùng của Thanh niên xung phong Việt Nam

TPO - Sau khi dự thi ở Liên hoan Sân khấu TPHCM 2024, vở kịch "Ngày ấy Cổng Trời" được công diễn rộng rãi nhằm lan tỏa giá trị lịch sử và tinh thần yêu nước.

Trong không khí trang nghiêm chào đón sự kiện 50 năm Đại thắng mùa Xuân 30/4/1975-30/4/2025, tác giả Nguyễn Kháng Chiến cho ra đời vở kịchNgày ấy Cổng Trời. Vở diễn tái hiện những hy sinh và cống hiến của Thanh niên xung phong Việt Nam trong công cuộc chiến đấu bảo vệ và thống nhất đất nước.

Suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam đồng hành cùng quân đội và nhân dân, tạo nên những kỳ tích chiến thắng lịch sử.

Họ không ngại khó khăn, hiểm nguy, có mặt trên mọi chiến trường để xây dựng và bảo vệ các tuyến đường huyết mạch, vận chuyển hàng triệu trang thiết bị, thuốc men và quân trang. Hình ảnh của những thanh niên trẻ tuổi, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc trở thành biểu tượng đẹp trong ký ức của dân tộc.

Diễn viên Đào Vân Anh đóng vai nữ Thanh niên xung phong.

Ngày ấy Cổng Trời xoay quanh câu chuyện của Phúc (diễn viên Đào Vân Anh thủ vai), cô gái trẻ đầy nghị lực nhưng luôn bị hàng xóm ghét bỏ vì tin đồn ông Đức (cha của Phúc) là ác ôn trong miền Nam. Với quyết tâm rửa nỗi nhục cho gia đình, Phúc tham gia Thanh niên xung phong, đến chiến trường Cổng trời để khẳng định lòng trung thành với quê hương.

Trong giây phút sinh tử, Phúc gặp lại cha. Ông Đức thực ra là chiến sĩ tình báo cao cấp hoạt động lâu năm trong lòng địch. Hai cha con nghẹn ngào gặp lại nơi chiến trường ác liệt, chưa được bao lâu thì Phúc qua đời do hy sinh thân mình, bảo vệ cha khỏi bom rơi.

Đến khi hòa bình lập lại, tin tức về cô gái gia nhập Thanh niên xung phong tên Phúc và ông Đức vẫn bặt vô âm tín, để lại nỗi đau và sự chờ đợi của người thân nơi quê nhà.

Ngày ấy Cổng Trời tái hiện ngày tháng hào hùng của đội Thanh niên xung phong Việt Nam.

Ngày ấy Cổng Trời do NSND Trịnh Kim Chi làm đạo diễn. Nữ nghệ sĩ chia sẻ ê-kíp nhiều lần bật khóc trước hình ảnh những cô gái Thanh niên xung phong hy sinh ở tuổi đôi mươi. Vở diễn có sự tham gia của Yali Trần, Phương Bình, Trọng Hiếu, Lê Chi Na, Thanh Sơn...

Vở kịch về thanh niên xung phong ban đầu được dàn dựng để tham gia Liên hoan Sân khấu TPHCM năm 2024. Đạo diễn quyết định đưa tác phẩm biểu diễn rộng rãi để lan tỏa giá trị lịch sử và tinh thần yêu nước.

"Đây không chỉ là tác phẩm nghệ thuật, mà còn là lời nhắc nhở về những hy sinh và mất mát của hàng triệu người con đất Việt để có được hòa bình, tự do như hôm nay. Đây cũng là lời tri ân và niềm tự hào về những anh hùng thầm lặng, những người cống hiến cả cuộc đời cho nền độc lập, tự do của dân tộc. Tôi hy vọng đây là tác phẩm ghi dấu ấn khó phai trong lòng khán giả yêu mến sân khấu cách mạng", NSND Trịnh Kim Chi chia sẻ.