Tái cơ cấu nông nghiệp: Tạo đột phá từ ứng dụng khoa học công nghệ

TP - “Muốn tái cơ cấu nông nghiệp thành công phải thực hiện tốt 2 vấn đề quan trọng là khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất. Đồng thời, liên kết doanh nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, nói. 
Các đại biểu tham quan sản phẩm.

Nâng cao đời sống người dân

Tại hội thảo “Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và khuyến nông phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp” ngày 8/12, TS Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, 5 năm qua là giai đoạn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là biến đổi khí hậu, an toàn thực phẩm, hội nhập kinh tế và sức cạnh tranh của nông sản. 

Để thực hiện thành công đề án tái cơ cấu nông nghiệp, ông Khởi cho rằng phải nâng cao đời sống cho nông dân, bằng cách đưa khoa học công nghệ tiên tiến cho người dân áp dụng. “Chính họ sẽ ý thức được việc sản xuất sạch, chất lượng mới bán giá cao. Từ đó, chúng ta sẽ tạo vùng chuyên canh lớn để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào”, ông Khởi nói.

Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức khuyến nông trên cả nước với khoảng 38.000 cán bộ chuyên trách và cộng tác viên từ xã đến tỉnh là lực lượng chính chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Đội ngũ cán bộ khuyến nông này thường xuyên bám sát thực tiễn. Đồng thời, gắn bó mật thiết với nông dân và hỗ trợ họ phát triển sản xuất cũng như khắc phục khó khăn khi thiên tai, dịch bệnh gây nên.

 Theo ông Khởi, bên cạnh các chương trình khuyến nông truyền thống như: khuyến nông xóa đói giảm nghèo, hướng dẫn sản xuất… hệ thống khuyến nông các cấp còn tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ trọng tâm của ngành như: chuyển đổi cây trồng, ứng dụng đồng bộ kỹ thuật để giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất; ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để cải thiện chất lượng và an toàn thực phẩm, thích ứng biến đổi khí hậu. Đồng thời, còn tích cực xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nghiên cứu khoa học.

Tổ chức lại sản xuất

Theo Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam thời gian qua, Bộ NN&PTNT tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc thực tiễn đối với các sản phẩm chủ lực như: lúa, cà phê, hồ tiêu, tôm, cá tra… Cụ thể, ở lĩnh vực trồng trọt, đến nay Bộ đã công nhận đặc cách 16 giống ngô chuyển đổi gen của các công ty nước ngoài với giống nền là các giống đã được công nhận chính thức (kháng sâu và kháng thuốc trừ cỏ). Đồng thời, bước đầu tạo một số giống ngô lai chịu hạn, cà chua kháng bệnh…  Trong lĩnh vực chăn nuôi, ứng dụng công nghệ “chỉ thị phân tử” xác định được các nguồn di truyền gen hữu hiệu phục vụ công tác lai, chọn tạo giống bò, lợn, gà…

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Cần Thơ Nguyễn Thị Kiều cho biết, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã mang lại hiệu quả cao, bước đầu hình thành vùng sản xuất tập trung như: rau màu, thủy sản, cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái. Cụ thể, việc mở rộng hệ thống thủy lợi và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa đã tăng năng suất bình quân từ 5 tấn lên gần 6 tấn/ha/vụ. Đồng thời, ứng dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất như: 3 giảm 3 tăng; 1 phải 5 giảm; kỹ thuật né rầy – ôm nước trong phòng chống rầy nâu, ứng dụng công nghệ sinh thái trồng hoa trên bờ ruộng để quản lý sâu rầy; mô hình xử lý chất thải trong nông nghiệp để sản xuất phân hữu cơ có chủng nấm Tricô cho cây trồng.

Bà Kiều đánh giá, hiệu quả từ các mô hình đã góp phần giúp công tác giống trong sản xuất được chú trọng với phương châm phát triển hệ thống giống 3 cấp trong dân. Đồng thời, mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” bước đầu đã hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến thu mua chế biến và xuất khẩu theo hình thức khép kín, chú trọng đến phẩm chất lúa gạo đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Theo bà Kiều, nông dân tham gia mô hình biết được tầm quan trọng của việc sử dụng giống lúa khỏe nên ngay từ đầu vụ đã sử dụng giống xác nhận, sản xuất cùng một loại giống, bón phân đúng kỹ thuật. Từ đó, giảm giá thành, tăng cao lợi nhuận so ngoài mô hình và bảo vệ môi trường sinh thái.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, thời gian qua, khoa học công nghệ có bước phát triển tốt. Ngoài các viện, trường còn có doanh nghiệp tham gia vào công tác nghiên cứu, lai tạo. Cụ thể, hiện nay, hơn 70% diện tích lúa ở ĐBSCL là sản phẩm từ Viện lúa ĐBSCL. Tuy nhiên, so với yêu cầu tái cơ cấu và hội nhập quốc tế thì khoa học công nghệ đòi hỏi tính cấp thiết, sáng tạo hơn nữa để tạo ra năng suất, chất lượng sản phẩm tốt. “Hiện nay đang thực hiện đề án tái cơ cấu với mục tiêu phát triển mạnh mẽ. Bộ NN&PTNT xác định muốn thành công phải thực hiện tốt 2 vấn đề quan trọng là khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất. Đồng thời, liên kết doanh nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói.

Ông Doanh cho rằng, các viện, trường cần sâu sát từ thực tế, thị trường để tổ chức cho hiệu quả. Đồng thời, Bộ NN&PTNT đang nghiên cứu chính sách để thu hút, mời gọi các thành phần khác tham gia. Đặc biệt là mong muốn nhiều doanh nghiệp hơn nữa tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.