Suy thoái kinh tế toàn cầu - Thời cơ của nhà đầu tư vàng?

“Suy thoái toàn cầu đang chờ đợi?”, “Nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại”... đó là những tựa bài phân tích, dự báo của những chuyên gia kinh tế và nhà phân tích đầu tư của các công ty có uy tín.

Đặc biệt, trong số những chuyên gia đó có nhà kinh tế học đã đoạt giải Nobel kinh tế năm 2001 Joseph E. Stiglitz còn mạnh dạn đề cập đến cả vấn đề khủng hoảng kinh tế với bài viết “Khủng hoảng kinh tế hay bất ổn toàn cầu trong năm 2006?”.

Hội nghị cấp cao quốc tế về Ngân hàng hàng năm họp tại thành phố Baden (Thụy Sĩ) cũng đã phát đi lời cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái, nếu những biến động thị trường thế giới hiện nay vẫn tiếp tục và kéo dài.

Suy thoái: nguy cơ từ đâu?

Theo dự báo của James B. Stack, giai đoạn suy thoái có thể bắt đầu vào quý 4 năm 2006 hoặc đầu năm 2007. Nguyên nhân đầu tiên được viện dẫn để đề cập đến suy thoái là do ngân hàng trung ương các nước đều phải dùng đến bài thuốc tăng lãi suất để kềm chế lạm phát.

Lãi suất tăng sẽ có thể dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm, hệ quả là các doanh nghiệp cũng giảm bớt đầu tư vì nhu cầu tăng chậm. Đầu tư, tiêu dùng đều tăng chậm, trong khi lạm phát vẫn đang có xu hướng “dẫn dắt” lãi suất cùng tăng - bức tranh kinh tế thế giới vì thế mà không quá lạc quan.

Trong bài phân tích về triển vọng kinh tế thế giới 2006-2007 đăng trên tạp chí Phát triển kinh tế gần đây, tác giả Nguyễn Khắc Quốc Bảo còn đề cập thêm có khả năng thị trường nhà của Mỹ và một số nước châu Âu sẽ suy giảm đột ngột, giá dầu còn tiếp tục tăng cao và chi tiêu ngân sách các nước này sẽ tăng chậm lại.

Nếu những điều này thực sự xảy ra (việc giá dầu tăng lên trên 80 USD/thùng rất có thể xảy ra, trong khi các nước châu Âu đang thâm hụt ngân sách khá nhiều nên cũng có thể giảm chi tiêu) thì rủi ro xảy ra suy thoái sẽ càng lớn hơn.

Nhà kinh tế học Joseph Stiglitz còn chỉ ra thêm hai vấn đề nữa là: thứ nhất, mặc dù kinh tế khu vực châu Á vẫn tăng trưởng khá tốt với sự hồi phục của kinh tế Nhật sau giai đoạn giảm phát và sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc và nhiều thị trường mới nổi khác, những nền kinh tế này vẫn không thể trở thành đầu tàu “kéo” các nền kinh tế Mỹ và châu Âu ra khỏi vũng lầy tăng trưởng chậm. Ngược lại, khi các đầu tàu kinh tế Mỹ - châu Âu rơi vào suy thoái, không thể đảm bảo kinh tế khu vực châu Á sẽ không bị ảnh hưởng xấu.

Thứ hai, ông chỉ ra rằng trong năm 2005, dù cũng nhiều lần lãi suất Mỹ tăng nhưng thật ra đó chỉ là tăng lãi suất ngắn hạn, tác động vì vậy không lớn, nên không đưa kinh tế thế giới 2005 vào suy thoái.

Nhưng trong năm 2006 việc FED tiếp tục tăng lãi suất có thể khiến lãi suất dài hạn tăng lên “dần dần”, và điều đó mới thật sự đáng lo ngại, vì tác động xấu của sự gia tăng lãi suất dài hạn đồng USD đến sức cầu tiêu dùng và đầu tư của kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế thế giới sẽ to lớn hơn nhiều. Tác động của việc tăng lãi suất USD đến nền kinh tế thế giới của hai năm 2005 và 2006 có thể sẽ rất khác nhau, mà câu chuyện tăng lãi suất năm 2006 có thể sẽ kết thúc bằng chương “Suy thoái kinh tế”.

Vàng sẽ tiếp tục là một điểm đến an toàn?

Đương nhiên không ai muốn suy thoái kinh tế diễn ra (và như phân tích ở trên thì đó mới chỉ là nguy cơ, chứ không chắc chắn 100%). Nhưng chúng ta cũng cần biết, nếu tình huống xấu đó xảy ra, chúng ta cần làm gì để tự bảo vệ mình và biến “nguy” thành “cơ”.

Nhìn chung, khi kinh tế thế giới suy thoái hay rơi vào chu kỳ tăng trưởng chậm, các nhà đầu tư sẽ có xu hướng nghĩ đến một số kênh đầu tư truyền thống mang tính an toàn, là nơi “cất trữ tài sản” đáng tin cậy.

Vàng chính là một trong số đó nhờ đặc tính là một kim loại quý có giá trị cao. Mặc dù không đồng nhất ý kiến về việc kinh tế thế giới sẽ chỉ tăng trưởng chậm hơn, hay là sẽ suy thoái mạnh; có một điểm chung mà các chuyên gia phân tích cơ bản như Doug Casey, Bud Conrad và James B.Stack đều đi đến là thị trường vàng trong vòng 1 năm tới rất có thể sẽ là một cơ hội tốt cho các nhà đầu tư hơn thị trường chứng khoán, vì họ đều cho rằng lạm phát sẽ tiếp tục gia tăng và các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới sẽ chững lại dù là kinh tế tăng chậm hay suy thoái.

Thiết nghĩ cũng cần nhắc nhở các nhà đầu tư rằng giá vàng thế giới thời gian qua chỉ dao động trong biên độ 600-670 USD/ounce là do “hiệu ứng mùa hè” của thị trường vàng (vàng thường giảm giá vào mùa hè), trong khi mùa cưới Ấn Độ (mùa tiêu thụ vàng) vẫn còn hơn 1 tháng nữa.

Một nguyên nhân nữa là đã có một số nhà đầu tư cho rằng lãi suất các đồng tiền mạnh tăng sẽ bất lợi cho vàng, vì người ta sẽ bán vàng mua đồng tiền có lãi suất cao. Như phân tích ở trên, lãi suất tăng có thể dẫn đến nguy cơ suy thoái, điều này chỉ có lợi cho vàng. Tác động bất lợi của tăng lãi suất đến vàng vì vậy chỉ là nhất thời, trong khi tác động thuận lợi có thể kéo dài.

Theo phân tích kỹ thuật của John Lee, giám đốc của Mau Capital Management và là biên tập viên của GoldInsider.com, trong tháng 7 và tháng 8, giá vàng sẽ biến động khá thất thường ở trong biên độ từ 560-700 USD/ounce, nhưng khi mùa thu đến, giá vàng sẽ bứt phá qua mức cản 720 USD/ounce, và sẽ có thể đạt đến mức cao kỷ lục mới.

Hồ Quốc Tuấn
(Đại Học Kinh Tế TP.HCM)

 Theo Tuổi Trẻ