Hà Nội: Sữa bổ sung 3 vi chất
Theo hồ sơ mời thầu do Sở GD&ĐT phát hành phần “Yêu cầu kỹ thuật” quy định: Sữa dùng cho chương trình sữa học đường được chế biến từ nguyên liệu sữa tươi, có đường hoặc không đường đáp ứng đúng theo các nội dung về quy chuẩn quốc gia về sữa dạng lỏng hiện hành (QCVN 5-1: 2010/BYT). Hồ sơ mời thầu cũng yêu cầu sữa học đường được cung cấp phải có nhãn “sữa học đường” dành riêng cho chương trình.
Ngoài yêu cầu như trên, theo bản yêu cầu cập nhật mới nhất về hồ sơ mời thầu của Sở GD&ĐT Hà Nội (ngày 21/9/2018), sữa được cung cấp cho chương trình phải được bổ sung các vi chất. Cụ thể, trong 100 ml sản phẩm được bổ sung 3 vi chất với hàm lượng như sau: vitamin D (1-1,4 ug), sắt (1,4-1,9 mg), canxi (114-150 mg). Như vậy, đây là sự “chuyên biệt” của sữa học đường so với sữa trên thị trường mà ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội trao đổi gần đây.
Theo một chuyên gia dinh dưỡng, các chất bổ sung như trên cũng rất dễ tìm thấy trong nhiều sản phẩm sữa có trên thị trường. Vấn đề là ở chỗ, các sản phẩm trên thị trường có thể bổ sung chất này nhưng thiếu chất kia; còn sữa học đường tập trung vào một sản phẩm. Và điều quan trọng hơn, theo vị này, sữa học đường là sản phẩm được triển khai cho số đông học sinh sử dụng nên giúp trẻ em phát triển đồng đều.
Khi nào có quy chuẩn sữa học đường quốc gia?
Như Tiền Phong đã phản ánh, một trong những bất cập là ngành Y tế chậm ban hành quy chuẩn sữa học đường quốc gia, khiến cho các địa phương lúng túng trong việc lựa chọn loại sữa áp dụng cho chương trình.
Cụ thể, tại Quyết định 5450/QĐ-BYT (Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020), Bộ Y tế giao Viện Dinh dưỡng quốc gia hoàn thành bộ vi chất bổ sung vào sữa học đường vào tháng 6/2017 để làm cơ sở ban hành quy chuẩn hoặc tiêu chuẩn chung.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, PGS.TS. Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, Viện đã hoàn thành báo cáo lên Bộ Y tế về bộ vi chất cần bổ sung cho sữa học đường. “Chúng tôi đã báo cáo lên Bộ, Bộ họp nhiều lần xem xét và sẽ ban hành trong những ngày tới”, bà Mai nói.
Bộ vi chất bổ sung cụ thể cho chương trình sữa học đường quốc gia chưa được công bố. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng quốc gia, bộ vi chất này trước hết phải bám sát mục tiêu can thiệp dinh dưỡng được Chính phủ đặt ra cho sữa học đường.
Cụ thể, Quyết định 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020) đặt mục tiêu về dinh dưỡng như sau: Đáp ứng nhu cầu sắt, canxi, vitamin D của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thêm 30% vào năm 2020. Đại diện Viện Dinh dưỡng quốc gia khẳng định, việc trẻ em Việt Nam thiếu vi chất gì là kết quả thống kê, nghiên cứu trong nhiều năm.
Vì sao không thực hiện chương trình phổ cập các thực phẩm khác như thịt hay cá ở học đường mà triển khai sữa học đường, chuyên gia thuộc Viện Dinh dưỡng quốc gia cho hay, với mục tiêu cung cấp năng lượng, vai trò của sữa hay thịt, cá... có sự tương đồng. Tuy nhiên, mục tiêu bổ sung vi chất là lý do để Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) lựa chọn và thực hiện chương trình sữa học đường.
“Ngoài vai trò là thực phẩm bổ dưỡng, sữa còn đóng vai trò là chất dẫn để bổ sung các vi chất còn thiếu cho trẻ. Việc bổ sung các vitamin, khoáng chất vào sữa về mặt khoa học thuận lợi hơn nhiều việc bổ sung khi chế biến thịt, cá, cơm hay rau... Sữa học đường trước hết là vấn đề khoa học”, vị này nói.