Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ.
Tôi đến với nghề giáo là do số phận đưa đẩy. Tốt nghiệp ĐH Tổng hợp, tôi về công tác tại trường Đại học Sư phạm Việt Bắc.
Những năm 60 thế kỷ trước, tuy là giáo viên ở miền núi nhưng chúng tôi không được nhận bất kỳ một ưu đãi nào so với các bạn đồng nghiệp dưới xuôi. Nhưng tình yêu nghề trong tôi được nhen nhóm lên từ những ngày tháng ấy.
Bà chị tôi lại khác, chị ấy đi theo nghề sư phạm theo tiếng gọi của hoài bão, của lý tưởng. Nói như vậy để thấy rằng tình yêu nghề đến từ rất nhiều con đường khác nhau và không nhất thiết phải có chất xúc tác vật chất.
Cái tâm lý chê nghề sư phạm trong dư luận xã hội “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, “nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa...” là những quan niệm có từ thời khó khăn đó.
Tiếp tục tạo sức hút cho nghề giáo
Hiện nay nhà giáo có phải là lực lượng nhận được nhiều chính sách ưu đãi của nhà nước?
Nhận thấy vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục trong sự phát triển đất nước, Nhà nước ngày càng có nhiều chính sách quan tâm tới đời sống của đội ngũ nhà giáo.
Hiện nay ngoài lương cơ bản, chúng ta có phụ cấp đứng lớp cho nhà giáo với mức từ 30 đến 70 phần trăm. Ngoài ra, Nhà nước có chế độ ưu đãi đặc biệt với giáo viên vùng khó khăn.
Mới đây nhất, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về đổi mới cơ chế tài chính trong GD&ĐT, trong đó có nội dung khôi phục lại phụ cấp thâm niên cho nhà giáo. Đáng tiếc là trong lúc khủng hoảng kinh tế này bội chi ngân sách rất lớn nên Chính phủ xin khất Quốc hội tạm thời chưa thực thi chính sách này.
Những chính sách ưu đãi đó thể hiện sự cố gắng rất lớn của Nhà nước. Tuy nhiên, so với phụ cấp (khoản chi từ ngân sách) của một số ngành nghề đặc biệt khác như thuế, hải quan, ngân hàng..., phụ cấp của nhà giáo thấp hơn nhiều!
Tôi biết một trí thức học thạc sĩ ở Pháp về, sau hai năm làm hợp đồng ở ĐH Quốc gia Hà Nội thì bỏ ra ngoài làm dù sắp được vào biên chế. Nhiều người tiếc cho cô ấy. Nhưng cô ấy nói, dẫu được vào biên chế, với hệ số lương 2,34 cô ấy không đủ sống trong khi đi làm ngoài mức thu nhập cao gấp 10 lần.
Tôi đã đi tiếp xúc cử tri ở nhiều nơi và được chứng kiến đời sống hết sức khó khăn của giáo viên, đặc biệt là vùng sâu vùng xa. Dù địa phương rất cố gắng làm cho các thầy cô dãy nhà lá, chia ra mỗi thầy cô một gian nhưng trông tuềnh toàng lắm.
Đó chính là hình ảnh cuộc sống của chúng tôi thời chiến tranh. Thời nay, người ta không thể sống mãi thế được.
Đời sống như vậy nên phải chăng nghề sư phạm là nghề kém cạnh tranh so với nhiều nghề khác về chất lượng nhân lực?
Thời chúng tôi và nhiều chục năm về sau nghề sư phạm không hấp dẫn. Nhưng kể từ khi nhà nước thực hiện chính sách sinh viên sư phạm được miễn học phí thì các trường sư phạm thu hút được khá nhiều sinh viên có năng lực.
Nếu vừa rồi chúng tôi chấp nhận đề xuất của ban soạn thảo dự thảo bổ sung một số điều trong Luật Giáo dục về nội dung bỏ chế độ miễn học phí với sinh viên sư phạm, thay vào đó là chính sách tín dụng thì tình trạng thu hút nhân lực vào ngành này sẽ quay trở lại như thời trước đây.
Giáo sư nghĩ có thể có những người khi thi vào sư phạm không vì thích nghề nhưng trong quá trình đào tạo ra nghề, họ sẽ yêu nghề?
Thực tế có nhiều người yêu nghề theo con đường bạn vừa nói. Nhưng có nghề nào được như nghề này, bạn được chia sẻ với người khác sự hiểu biết của mình, được ăn mặc đẹp khi đi làm, được tiếp xúc với những con người khỏe mạnh, giàu sức sống, trong sáng.v.v...
Nghề nào cũng có những đóng góp, hạnh phúc, nỗi khổ riêng. Nhưng tôi thấy nhà giáo may mắn hơn rất nhiều so với hầu hết các nghề khác là ít phải tiếp xúc với mặt trái xã hội.
Đòi hỏi cao và vinh danh đúng mức
Nhưng nếu chính sách đãi ngộ không thích đáng, ngay cả những người yêu nghề, giàu tâm huyết cũng sẽ rã rời…
Chính sách tốt không nhất thiết chỉ giải quyết vấn đề kinh tế. Xã hội, nhà trường phải thể hiện sự trọng dụng, tôn vinh nhà giáo.
Nói thì dễ, thực hiện được rất khó. Việc trọng thị phải thể hiện ngay từ những chi tiết nhỏ. Nếu mình làm nhỏ người ta đi thì người ta sẽ hành xử theo kiểu của một người nhỏ bé trong xã hội. Theo đó cái đóng góp của người ta sẽ hạn chế.
Mình làm lớn người ta lên, mình tôn trọng đúng mức người ta thì người ta tự cảm thấy mình được nhà nước, được xã hội đánh giá đúng và người ta sẽ có cách hành xử đúng.
Hiện nay có nhiều danh hiệu nhằm khích lệ giáo viên nhưng thực tế các danh hiệu đó ít đến được với giáo viên, đặc biệt là giáo viên phổ thông và mầm non.
Ví dụ, các thầy ở đại học nhận danh hiệu nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân gì mà lắm thế! Theo tôi, lực lượng này có những niềm tự hào khác như nhà khoa học tên tuổi, danh hiệu giáo sư, học vị tiến sĩ..., không cần phải sưu tập danh hiệu nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân.
Vinh danh nhà giáo, nhưng cũng cần có đòi hỏi khắt khe hơn trong tuyển dụng?
Ở miền Bắc thời tôi còn ít tuổi (trước năm 1964) và miền Nam trước 1975, muốn vào ngành sư phạm không dễ. Họ phải trải qua vòng sơ tuyển và phỏng vấn trực tiếp.
Có những nghề phải kén người dù nó chẳng giàu sang hơn nghề khác. Nghề giáo là một nghề không chỉ để kiếm sống đơn thuần. Muốn làm tốt nghề này thì phải chấp nhận những ràng buộc của nghề nghiệp: Tác phong, ăn mặc, cư xử, nếp sống...
Theo tôi, chúng ta nên có những đòi hỏi riêng với những ứng viên thi vào ngành sư phạm. Có những người dù không phải là người xấu nhưng rõ ràng họ không thích hợp với nghề giáo. Còn đã làm nghề giáo thì nhất thiết phải mô phạm.
Chúng ta đừng lo đòi hỏi cao quá sẽ không có người theo nghề sư phạm. Hiện tại, nguồn lực cung ứng cho nghề sư phạm khá dồi dào. Vả lại, xã hội càng phát triển nghề sư phạm sẽ càng có vị trí thích hợp.
Quan niệm của người Việt nghề này là nghề tích đức, tích thiện. Một gia đình càng có nhiều người làm nghề giáo thì cái phúc của họ càng nhiều. Theo quy luật xã hội, khi đời sống vật chất được đáp ứng đến một mức độ nào đó, người ta có xu hướng tìm đến các giá trị tinh thần.
Cảm ơn giáo sư.
Quý Hiên
Thực hiện