'Sự khắt khe của công chúng đã tạo nên giá trị hoa hậu'

TPO - Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 đã khép lại cách đây 1 tháng nhưng những câu chuyện bên lề vẫn thu hút sự quan tâm của dư luận. Chương trình 60 phút mở của VTV làm nóng lại cuộc thi khi đặt ra câu hỏi gây tranh luận: “Tổ chức cuộc thi Hoa hậu để làm gì?”.

Các khách mời tham gia chương trình gồm nhà sử học Dương Trung Quốc - Trưởng ban giám khảo cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016, Tiến sĩ khoa học Đoàn Hương, bà Lưu Nga - thành viên hội đồng chuyên môn của Hoa hậu Việt Nam 2016, nhà văn Hoàng Anh Tú và Th.s Báo chí Việt Hà.

Các khách mời tham gia chương trình "60 phút mở".

Thi Hoa hậu để làm gì?

Không xuất hiện tại trường quay, Trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016, ông Lê Xuân Sơn chia sẻ với VTV: “Để tổ chức một sự kiện mang tầm vóc như vừa qua và với những hoạt động trải dài khắp đất nước thì cần kinh phí tương đối lớn. Sẽ là lãng phí nếu chúng ta nghĩ rằng cuộc thi này không mang lại lợi ích gì. Nhưng thực tế, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam mang lại lợi ích nhiều mặt: quảng bá đất nước con người Việt Nam, tôn vinh vẻ đẹp các cô gái Việt Nam, những địa phương có sự kiện của cuộc thi được quảng bá rất mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông trong một thời gian rất dài và các đơn vị tham gia tài trợ cũng được truyền thông tích cực...”.

Sau đó, với câu hỏi mà chương trình đặt ra: “Mục đích các cuộc thi hoa hậu để làm gì?”, các khách mời đã có những lý giải khác nhau.

Bà Lưu Nga cho rằng: “Mục đích của mỗi cuộc thi Hoa hậu khác nhau nhưng tất cả đều dành để tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ. Rất rõ ràng, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam cũng không nằm ngoài mục đích đó và hướng đến chân, thiện mỹ, sắc đẹp, tài năng, trí tuệ, lòng nhân ái và sự lan tỏa các hoạt động cộng xã hội”.

Trong khi đó, TS khoa học Đoàn Hương chia sẻ: “Tôi nghĩ thi hoa hậu là cần thiết, không thế thì thế giới đã không tổ chức. Nhưng ở Việt Nam có nhiều vấn đề. Như chị Lưu Nga nói tôn vinh vẻ đẹp thì có thể, nhưng trí tuệ và tài năng thì tôi nghi ngờ. Ví dụ phần thi ứng xử của Hoa hậu Việt Nam vừa rồi quá non. Thứ hai người ta đưa nghi án tổ chức thi hoa hậu vì tiền. Một cuộc thi vì tiền thì người ta mới tổ chức nhiều thế, nếu không thì ai làm trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay”.

Bà Lưu Nga lật lại vấn đề: “Tôi đã tiếp xúc với rất nhiều khách quốc tế, khi họ hỏi người phụ nữ nào đại diện cho đất nước Việt Nam, đại diện cho sắc đẹp và trí tuệ của đất nước Việt Nam, nếu không có cuộc thi hoa hậu thì ai sẽ là người đại diện?”.

Tuy nhiên, TS Khoa học Đoàn Hương nói: “Ước muốn của các nhà tổ chức quá cao, trong khi đó những người này hoàn toàn không đại diện cho phụ nữ Việt Nam được”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc lại nhẹ nhàng nêu quan điểm: “Tôi không phải là nhà tổ chức, tôi chỉ là người tham gia với tư cách giám khảo, nhưng tôi thấy tổ chức thi hoa hậu ít nhất đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Nó mang lại một đời sống giải trí một cách lành mạnh, và đằng sau nó có những giá trị về giáo dục, về định hướng, ví dụ ai cũng cũng phải chăm sóc vẻ đẹp của mình, ai cũng biết xã hội phải quan tâm đến cái đó để mà đáp ứng…

Tôi nghĩ cái gì cũng có hai mặt, hiện tượng là nhu cầu xã hội thực, còn ta làm hiện tượng ấy nó diễn ra như thế nào lại phụ thuộc nhiều yếu tố. Đương nhiên, trước hết là BTC, rồi BGK, thành phần tham gia, kể cả những nhu cầu xã hội”.

Hoa hậu cần làm gì trước những cám dỗ bủa vây?

Khi bàn về những scandal liên tiếp bủa vây các người đẹp, hoa hậu, TS Đoàn Hương lên tiếng: “Đừng nói rằng họ bị áp lực, vì áp lực là chung cho cả xã hội. Một khi họ trở thành con người của công chúng thì họ phải chấp nhận, nếu không chịu được họ phải trả lại vương miện. Nhiều người cho rằng, nước ta còn nương nhẹ khi không tước vương miện”.

Trước quan điểm này, bà Lưu Nga bày tỏ: “Chúng tôi không phải đơn vị tổ chức, chúng tôi chỉ đại diện cho công chúng. Chình vì vậy chúng tôi không có quyền tước vương miện, chúng tôi cũng không có quyền giữ lại vương miện. Tôi rất tôn trọng dư luận nhưng tôi nghĩ chúng ta cần đặt ra câu hỏi: các em phải làm gì với dư luận đó? Nếu các em làm ngơ với dư luận thì thực sự các em không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của một Hoa hậu. Với tư cách là người đi trước, tôi mong muốn các em nắm được sứ mệnh cao cả của mình và làm những điều tốt đẹp hơn, hướng đến mục đích tốt đẹp hơn. Nếu công chúng còn chỉ trích hay còn kì vọng, có nghĩa vẫn còn cơ hội cho các em”.

Trưởng ban Giám khảo, ông Dương Trung Quốc chia sẻ: “Tôi nhớ cách đây hơn 20 năm khi cuộc thi Hoa hậu đầu tiên do báo Tiền phong tổ chức và người đăng quang là Hoa hậu Bùi Bích Phương, mọi thứ rất tốt đẹp. Hay các người đẹp sau đó cũng để lại ấn tượng tốt với công chúng. Ngày nay, khi những biến tướng xảy ra phần nào phản ánh mặt bằng chung của xã hội. Năm nay, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 cộng rất nhiều điểm cho các thí sinh trong các dự án Nhân ái. Các em về các vùng miền làm dự án thắp sáng đèn đường, đào giếng, làm khu vui chơi… thì đó là BTC cố gắng tiệm cận những điều mà chúng ta mong muốn”.

Trả lời câu hỏi của MC chương trình, bộ tiêu chí cho Hoa hậu có thực sự phù hợp với mục đích tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ, ông Dương Trung Quốc nói: “Tiêu chí không thể đứng yên một chỗ, thời đại thay đổi rất nhiều. Ví dụ thế nào là vẻ đẹp tự nhiên, vẻ đẹp tự nhiên của 20 năm trước sẽ rất khác. Nhu cầu làm đẹp rất chính đáng của các bạn trẻ thì chúng ta sẽ đòi hỏi cho các bạn tham gia ở mức độ nào được gọi là tự nhiên. Khi báo chí hỏi chúng tôi có đảm bảo được chọn người xứng đáng, hoàn hảo, BTC hay Ban giám khảo không phải thầy bói, thầy xem tướng dù chúng tôi cố gắng căn cứ chọn theo những tiêu chí tốt nhất. Chính vì vậy, giai đoạn sau mới là giai đoạn quan trọng, quyết định. Như chúng ta đã thấy, ngay cả trên thế giới, ở một số cuộc thi họ có văn bản, kí kết có giá trị pháp lý rằng buộc nhưng không ít Hoa hậu biến mất ngay sau cuộc thi.  

Nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ, anh thấy buồn khi các người đẹp dễ bị dư luận mổ xẻ: "Nghe những điều đó tôi cảm thấy đó là sự xúc phạm. Nói theo cách dân dã là “giật tóc móc mắt”. Bất cứ thí sinh nào cũng bị đem ra bình phẩm. Khi Mỹ Linh trở thành hoa hậu, cô phải đóng Facebook".

Khách quan, nhà báo Việt Hà đánh giá: “Bản thân truyền thông tạo ra tiêu chí cho vẻ đẹp. Truyền thông đừng kì vọng và đừng tạo ra tiêu chuẩn vẻ đẹp cho phụ nữ Việt. Ví dụ không phải cứ cằm V-line mới là chuẩn của đẹp… Chúng ta nên tôn trọng vẻ đẹp tự nhiên, xem đó như món quà họ mang lại cho xã hội. Chúng ta cũng nên bao dung hơn với những cô gái trẻ, bớt khắt khe hơn”.

Bà Lưu Nga cho rằng ở đâu cũng có dư luận tốt, xấu và bằng chứng là vẫn có những hoa hậu có ảnh hưởng tốt như Đặng Thu Thảo, Mai Phương Thúy, Ngọc Hân... Theo bà, chính sự khắt khe của công chúng đã tạo nên giá trị hoa hậu., 

Ông Dương Trung Quốc phần nào đồng tình, cho rằng sự khắt khe trong dư luận là cần thiết nhưng trong sự khắt khe cần có sự chia sẻ.

Hầu hết các khách mời đồng tình và cho rằng Hoa hậu nên có sự tư vấn của những người có kinh nghiệm, có chuyên môn để hình ảnh của mình trở nên tốt hơn gắn với những hoạt động ý nghĩa hơn trong xã hội.

Kết lại, ông Dương Trung Quốc chia sẻ: “Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam có truyền thống hơn 20 năm và phải nói rằng nó có những bước đi rất tốt. Bản thân BTC luôn mong muốn giữ được truyền thống tốt đẹp đó nhưng ngược lại chúng ta chịu sự chi phối của mặt bằng xã hội. Nó có sự phát triển nhưng cũng có sự suy thoái đặc biệt là về mặt đạo đức xã hội. Chính vì vậy, sau cuộc thi BTC cố gắng theo sát và có những tư vấn để Hoa hậu hoàn thành tốt sứ mệnh của mình trong 2 năm trước khi trao vương miện cho người đẹp kế nhiệm khác”.