Sử dụng khoản vay tín dụng tiêu dùng: Làm gì để tránh rủi ro?

Với ưu điểm cho vay nhanh chóng, không cần thế chấp tài sản, tín dụng tiêu dùng là một hình thức được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, việc sử dụng những khoản vay tiêu dùng đòi hỏi người đi vay cần cân nhắc kỹ nguồn tài chính để trả nợ đúng hạn, từ đó tránh được những khoản phí phạt hay bị lâm vào cảnh mất khả năng trả nợ. 
Nhu cầu vay tiêu dùng ngày càng lớn. Ảnh minh họa.

Mặc dù vậy, đa số người dân sử dụng dịch vụ này thường coi nhẹ việc đọc và nghiên cứu kỹ hợp đồng vay vốn dẫn đến những hệ lụy không mong muốn.

Bất ngờ vì lãi suất cao

Chị Đặng Thu Trang, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội có mức thu nhập hàng tháng khoảng 7 triệu đồng. Tháng 12 năm ngoái, chị Trang đã tham gia một hợp đồng vay tín dụng để mua một chiếc laptop phục vụ nhu cầu công việc với mức trả góp hàng tháng hơn 1 triệu đồng trong khoảng thời gian hơn một năm. Nhờ sự tư vấn, hỗ trợ nhiệt tình của các nhân viên công ty tài chính, chị Trang đã nhanh chóng thực hiện được mơ ước sở hữu một chiếc máy tính xách tay với nhiều tính năng hiện đại mà không cần phải thanh toán ngay toàn bộ khoản tiền mua máy lên tới hơn 10 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng vay vốn, bắt đầu thực hiện trả góp hàng tháng, trong một lần sơ xuất, chị Trang đã không thanh toán đúng hạn theo quy định. Vì vậy, ngoài khoản tiền trả góp theo quy định hàng tháng, chị còn phải nộp thêm khoản phí phạt trả chậm theo thỏa thuận đã ký kết trong hợp đồng. Lúc này, chị Trang mới rà soát lại bản hợp đồng và tỏ ra khá bất ngờ trước nhiều điều khoản về lãi suất, phạt trả chậm…

Trường hợp của chị Trang là một trong những tình huống khá phổ biến mà không ít khách hàng sử dụng dịch vụ tại các công ty tài chính mắc phải.

Đại diện một công ty tài chính khá uy tín trên thị trường cho biết, đa phần khách hàng khi ký kết khoản vay đều tập trung vào món hàng họ sẽ sở hữu, số tiền phải trả hàng tháng mà không mấy quan tâm tới các điều khoản khác. Mặc dù trước khi ký kết hợp đồng, hầu hết các công ty tài chính đều có nhân viên tư vấn kỹ lưỡng về điều kiện, phương thức thanh toán, lãi suất, phí phạt… song khách hàng đa phần chỉ nghe cho…đủ thủ tục và hiếm khi ghi nhớ về những điều khoản quan trọng này. Chỉ đến khi không may xảy ra sự cố trong quá trình trả góp khoản vay, họ mới cảm thấy “bất ngờ”. 

Nhiều trường hợp còn lên án gay gắt tổ chức cho vay và cho rằng họ bị…“lừa”, trong khi bản hợp đồng vay vốn được ký kết hoàn toàn tự nguyện với các điều khoản được cam kết rất rõ ràng và hai bên đều được nắm giữ bản gốc hợp đồng. Thậm chí, ngay cả khi một số công ty tài chính tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng được phép hủy hợp đồng sau 1-2 tuần nếu cảm thấy vẫn chưa thực sự sẵn sàng thực hiện khoản vay, thế nhưng, tình trạng không ít khách hàng tỏ ra hụt hẫng hay bất ngờ về lãi suất, phí phạt tại các hợp đồng vay tín dụng tiêu dùng vẫn diễn ra khá phổ biến. Lúc này, các tổ chức cho vay vô hình chung trở thành đối tượng hứng chịu không ít lời chỉ trích của dư luận, trong khi, mấu chốt vấn đề lại nằm ở việc người vay vốn chưa nghiên cứu kỹ và không tuân thủ các điều kiện hợp đồng.

Làm gì để vay thông minh?

Để tránh rủi ro đáng tiếc khi thực hiện các khoản vay tiêu dùng, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trước khi ký hợp đồng, khách hàng nên lựa chọn các công ty, tổ chức cung cấp dịch vụ cho vay có uy tín. Khi thực hiện khoản vay, khách hàng nên đọc thật kỹ hoặc yêu cầu nhân viên tư vấn làm rõ nội dung hợp đồng, đặc biệt lưu ý các điều khoản về lãi suất, thời hạn và phương thức trả nợ, cách tính tiền phạt... Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nên lưu giữ tất cả hóa đơn, tài liệu liên quan. Khi có vấn đề phát sinh hoặc thắc mắc, người tiêu dùng nên gọi ngay tới số máy điện thoại được cung cấp trên hợp đồng của công ty để giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh, tránh trường hợp thông tin không chính xác, sai lệch, làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề chi phí lãi suất vay của các công ty tài chính liệu có thực sự cao như dư luận đang nhìn nhận? Theo các chuyên gia tài chính, có nhiều yếu tố đóng góp vào giá của khoản vay tín dụng tiêu dùng khiến sản phẩm cho vay này cao hơn so với sản phẩm dành cho khách hàng cá nhân tại các tổ chức tín dụng khác. 

Thứ nhất là chi phí vốn của công ty tài chính cao do không có chức năng huy động vốn từ dân cư. 

Thứ hai là giá trị của khoản vay thấp, kỳ hạn ngắn (khoảng 6-18 tháng) dẫn đến các chi phí thu hồi nợ, quản lý khoản vay, chi phí phục vụ cao hơn bình thường. 

Thứ ba là do ngành tài chính tiêu dùng có rủi ro cao, nên mặt bằng lãi suất sẽ cao hơn so với ngân hàng thương mại. Đây là xu hướng chung ở hầu hết các thị trường cho vay tiêu dùng ở các nước và được coi là một trong những đặc tính của các khoản vay tiêu dùng. Với mức lãi suất cao hơn thì các công ty tài chính tiêu dùng mới có thể đủ để bù đắp các chi phí và rủi ro trong hoạt động kinh doanh. 

Nhằm thúc đẩy mở rộng, phát triển khách hàng, hiện nay nhiều công ty tài chính còn đang triển khai nhiều sản phẩm ưu đãi dành cho khách hàng với mức lãi suất thấp, thậm chí có cả những sản phẩm với mức lãi suất 0% trong suốt thời hạn vay. 

Bên cạnh đó, hình thức dùng sản phẩm quà tặng cũng được các công ty tích cực triển khai nhằm khuyến khích khách hàng thực hiện tốt các nghĩa vụ thanh toán của mình. Điều này không chỉ mang đến nhiều lợi ích cho khách hàng mà còn đem lại lợi ích cho chính công ty tài chính bởi họ sẽ có thêm những khách hàng tốt, hạn chế tối đa nợ xấu, nợ khó đòi, góp phần tạo nên một thị trường tài chính tiêu dùng lành mạnh.