Sri Lanka muốn đòi lại cảng cho Trung Quốc thuê

TP - Chính phủ mới của Sri Lanka muốn đảo ngược thỏa thuận cho Trung Quốc thuê cảng biển có tầm quan trọng chiến lược của nước này vì lý do lợi ích quốc gia.
Cờ Trung Quốc bay trước một tuyến đường lớn do Trung Quốc xây dựng ở thủ đô Port Moresby, Papua New Guinea, ngày 16/11/2018. Ảnh: Reuters

Năm 2017, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe thay đổi các điều khoản trong hợp đồng xây cảng Hambantota, nói rằng sẽ khó trả khoản nợ nước này vay Trung Quốc để thực hiện dự án. Ông đồng ý cho một liên doanh do Tập đoàn cảng biển thương mại Trung Quốc đứng đầu thuê cảng này trong 99 năm, bắt đầu từ năm 2018.

Nhưng chính phủ mới của Sri Lanka, do Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đứng đầu, đang muốn đảo ngược lại điều đó. “Chúng tôi muốn họ trả lại nó cho chúng tôi”, ông Ajith Nivard Cabraal, một cựu thống đốc ngân hàng trung ương và là cố vấn kinh tế của Thủ tướng Mahinda Rajapaksa nói trong cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg vừa qua tại Colombo. “Điều lý tưởng nhất sẽ là trở lại nguyên trạng. Chúng tôi trả nợ đúng hạn theo cách chúng tôi đã đồng ý từ đầu mà không có sự xáo trộn nào”, ông Cabraal nói.

Cảng Hambantota là tâm điểm của những tranh cãi xung quanh sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng để xây dựng hệ thống giao thông kết  nối từ Kenya đến Myanmar, trong đó có những cáo buộc rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đẩy các nước nghèo vào bẫy nợ.

Tại Sri Lanka, thỏa thuận cho thuê cảng Hambantota vấp phải sự phản đối từ đảng của anh em Tổng thống và Thủ tướng Rajapaksa.

“Đây là một thỏa thuận liên quan đến chủ quyền” và khó có khả năng nó sẽ bị bỏ hoặc thay đổi theo cách như vậy, ông Smruti Pattanaik, nhà nghiên cứu tại Viện phân tích và nghiên cứu quốc phòng ở New Delhi, nhận định. “Người Trung Quốc có thể xem lại một số điều khoản, nếu họ coi đó là điều rất quan trọng đối với chính quyền của ông Rajapaksa”, ông Pattanaik nói.

Chính phủ mới của Sri Lanka đang thể hiện quyết tâm thay đổi hợp đồng bị coi là đe dọa đến an ninh quốc gia của Sri Lanka. Đây cũng là thông điệp tranh cử chủ chốt của vị tổng thống xuất thân là cựu bộ trưởng quốc phòng.

Phản ứng trước thông tin này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một thông cáo rằng “thỏa thuận cảng Hambantota, được xây dựng dựa trên nền tảng bình đẳng và tham vấn” và “Trung Quốc mong chờ làm việc với Sri Lanka để đưa Hambantota thành trung tâm vận tải mới ở Ấn Độ dương và phát triển nền kinh tế địa phương”.

Các dự án xây dựng hạ tầng của Trung Quốc ở Sri Lanka khiến Ấn Độ lo ngại đối thủ địa chính trị của họ có thể sử dụng cảng nằm rất gần đường bờ biển phía nam của nước này cho các mục đích quân sự hoặc chiến lược trong tương lai. Tổng thống Gotabaya đang ở Ấn Độ trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới.

Gánh nặng

Trong khi đó, các khoản nợ thường niên mà Papua New Guinea (PNG) phải trả cho Trung Quốc dự kiến sẽ tăng thêm 25% vào năm 2023, trong khi nước này rơi vào mức thâm hụt ngân sách lớn chưa từng thấy, Reuters đưa tin.

Quốc đảo giàu tài nguyên đang trở thành trung tâm cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực này đổ lỗi cho chính phủ tiêu xài hoang phí, khiến ngân sách cạn kiệt và chính phủ càng phải vay thêm tiền để trả nợ.

Mức dư nợ của PNG đã tăng thêm 10 điểm phần trăm lên mức 42% GDP, cao hơn trần nợ 35% mà quốc hội đặt ra. Từng chịu sự quản lý của Úc, PNG trong vài năm gần đây quay sang Trung Quốc để vay tiền, trong bối cảnh Bắc Kinh nỗ lực mở rộng dấu chân của mình ở khu vực.

Mỹ nhiều lần cảnh báo rằng Trung Quốc đang sử dụng “kinh tế kiểu săn mồi” để gây bất ổn cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhưng Bắc Kinh bác bỏ.

Dù tổng số tiền PNG nợ Bắc Kinh không được công bố trong tài liệu ngân sách mà PNG công bố hôm 28/11, nhưng kế hoạch trả nợ cho thấy Trung Quốc đang là chủ nợ lớn nhất của nước này, với mức trả hằng năm dự kiến sẽ tăng thêm 25% vào năm 2023, lên khoảng 67 triệu USD.

Cũng liên quan đến BRI, một thỏa thuận xây cảng tương tự ở Myanmar gần đây bị giảm quy mô đầu tư đáng kể, từ 7,5 tỷ USD xuống 1,3 tỷ USD. Đầu năm nay, Chính phủ Malaysia hủy dự án đường ống khí đốt 3 tỷ USD hợp tác với Trung Quốc và đàm phán lại dự án đường sắt để giảm chi phí xây dựng xuống 1/3, từ mức 11 tỷ USD.