Quyết không giống ai bằng cách… giống nhiều người
Ngoài ra, Tùng và ê-kip cũng chịu khó tìm tòi để tạo nên sự khác biệt. Chẳng hạn buổi ra mắt bài hát được truyền trực tiếp qua mạng. Hoặc mới đây làm hẳn chương trình miễn phí cho 5.000 khán giả chỉ để trình diễn duy nhất bài Chúng ta không thuộc về nhau.
Ngay sau đó MV của bài hát được tung ra, gần như cùng thời điểm với một MV khác: We don’t talk anymore của Charlie Puth. Để chứng minh sự song trùng của hai bài, có người đã hát bài của Puth trên nền bài Tùng.
Nghe rất xuôi tai vì vòng hòa âm và tiết tấu gần như trùng khớp. Tuy nhiên, bản ghi âm bài hát của Charlie Puth công bố từ tháng 5 lận. Nhiều chi tiết về vũ đạo, hành động, đạo cụ, hình xăm trong MV Chúng ta không thuộc về nhau cũng bị khán giả phát giác là giống nhiều MV nước ngoài. Hình ảnh thì chỉ cần đặt cạnh nhau là thấy.
Một cảnh quay trong MV mới của Sơn Tùng đặt cạnh cảnh quay MV nước ngoài.
Một nhạc sĩ không muốn nêu tên nhận định Chúng ta không thuộc về nhau bê nguyên hòa thanh, không cần có chuyên môn cũng nhận ra. Nhạc sĩ này cũng nhấn mạnh cái đáng lưu ý là việc làm này của Tùng và ê-kip có hệ thống và ý đồ từ trước, và nếu không có ý thức tự trọng nghề nghiệp thì nói mãi cũng thế. Thực tế, Sơn Tùng đang phải nhận khá nhiều lời thóa mạ từ cư dân mạng phản đối Chúng ta không thuộc về nhau.
“Sơn Tùng đã thoát khỏi thế giới underground từ lâu, là ca sĩ chuyên nghiệp được cả nước biết đến và nhận sự hâm mộ rất lớn từ giới trẻ. Việc anh thành công không ai có thể phủ nhận, dù bằng tai tiếng hay không. Nhưng người Việt cần nhiều hơn thế, thế giới cần nhiều ở Việt Nam hơn thế, một thứ âm nhạc của chính mình”.
Nhạc sĩ Phạm Hải Âu
Tai tiếng là thế nhưng Sơn Tùng chưa từng nhận mình “mượn” nhạc. Bị dư luận lên án Chắc ai đó sẽ về đạo nhạc Hàn Quốc, ê-kip của Tùng còn chủ động đề nghị Cục Bản quyền thẩm định nó vào tháng 11/2014. Kết luận của hội đồng thẩm định do Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thành lập: Bài hát đạo nhạc khoảng 70%, cần cấm lưu hành.
Sau đó ê-kip Sơn Tùng xin được chứng nhận từ phía liên quan bên Hàn Quốc: “Tuy có sự tương đồng về quy trình lập trình, giai điệu… nhưng chúng tôi không xem đây là ăn cắp bản quyền”. Bài hát bèn được lưu hành với điều kiện phải đổi nhạc đệm. Có vẻ như Tùng và ê-kip đắc thắng với kết quả này (sau đó họ còn làm MV mượn hình ảnh một số nhạc sĩ trong hội đồng thẩm định để làm trò cười). Và vẫn tiếp tục hoạt động với quy trình đã đem lại thành công.
Tất nhiên, cách làm này cũng như làm xiếc, luôn có khả năng rủi ro nếu bị kiện. Điều này lý giải vì sao cả nền V-pop này chỉ mình Tùng dám đi con đường riêng một cách “hết mình” thế.
“Lỗi không của riêng Sơn Tùng”
Giới nghệ sĩ thường tránh phát biểu về Tùng. Một trong số lý do là không muốn “dây” với đội ngũ fan cuồng. Tùng Dương nằm trong số ít nghệ sĩ “thấy bất bình chẳng tha”. Mới đây anh đặt câu hỏi về giải thưởng “Nghệ sĩ của năm” dành cho Sơn Tùng: Phải chăng những người bầu chọn đã quá hào phóng, nhầm lẫn sáng tạo với đạo nhái.
Nhạc sĩ Phạm Hải Âu thì nhận định: “Cách phối khí, tempo, vòng hòa âm của cả hai ca khúc rất tương đồng. Tuy không khẳng định Sơn Tùng đạo nhạc 100% từ ca khúc We don’t talk anymore nhưng từ nhận định của một người chuyên viết ca khúc, tôi khẳng định Sơn Tùng vay mượn ý tưởng từ ca khúc này, không phải trùng hợp ngẫu nhiên. Anh vay mượn nhưng không được phép từ người sở hữu, nên nói “đạo” cũng là hợp lý”.
Theo Phạm Hải Âu: “Lỗi không riêng Sơn Tùng mà Chúng ta không thuộc về nhau là sản phẩm vô trách nhiệm có tính toán của cả một ê-kip và công ty của Sơn Tùng. Trong MV của Sơn Tùng, từ các phân đoạn tiết tấu giai điệu, flow của rap hay góc máy, ý tưởng dàn dựng, vũ đạo, tưởng như đem lại cho khán giả một sản phẩm đẹp và chất lượng nhưng đặt cạnh sản phẩm của người khác thì thấy toàn là vay mượn”.