> 'Lữ khách công nghệ' du đấu
> Những nhà sáng chế 'chân đất'
Hai cô đã tìm giải pháp giúp bà con xã Chiềng Ly (Thuận Châu- Sơn La) chống xói mòn, phủ xanh đất trống đồi trọc bằng cây ngải cứu cho hiệu quả kinh tế. Dự án được đánh giá cao và giành giải nhất cuộc thi Ý tưởng kinh tế xanh 2011.
Tâm đắc với câu nói của chuyên gia, bạn của nhà nông Nguyễn Lân Hùng "ý tưởng ở quanh mỗi người, hãy xuất phát từ những điều thực tế, gần gũi nhất", trong một lần đi thực tế đến Chiềng Ly, Thuận Châu, chứng kiến cảnh đất đồi hoang trọc, Dung đã suy nghĩ nhiều và nảy ra ý tưởng tìm giải pháp chống xói mòn. Dung cho biết: Diện tích đất nông nghiệp ở vùng này ít, chỉ bằng 1/6 diện tích đất rừng nên đất rừng bị khai thác kiệt quệ để trồng ngô.
"Trong khi ở vùng có nhiều cây ngải cứu mọc hoang dại, loại cây này lại chữa được nhiều bệnh như đau đầu, xương khớp, bệnh hôi chân...nên tôi nghĩ tới trồng ngải cứu trên đất đồi núi trọc để thu hoạch Thân lá của loại cây này có thể làm nguyên liệu phát triển nghề tiểu thủ công tại xã Chiềng Ly", Dung nói.
Để hiện thực hoá ý tưởng, Dung và Hạnh đã xây dựng một kế hoạch chi tiết. Theo đề án hai bạn đưa ra, chỉ trong một năm, có ít nhất 50 ha đất trồng, đất bỏ hoang được phủ xanh bằng dược liệu ngải cứu chống xói mòn, hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người dân trong xã.
Dung chia sẻ: Ở xã Chiềng Ly có 92% người dân tộc Thái, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, trong đó có nhiều người bị nghiện, thu hút người sau cai tham gia dự án phát triển cây ngải cứu chống xói mòn giúp họ có việc làm và tái hoà nhập cộng đồng là một trong những điều dự án hướng đến.
Gối đệm lá ngải cứu
Không chỉ có tác dụng chống xói mòn, dự án của hai bạn trẻ còn tập trung khai thác lá ngải cứu khô để làm gối thổ cẩm. Dung cho biết: Dệt khăn Piêu thổ cẩm, làm chăn ga, gối đệm là nghề truyền thống của bà con dân tộc Thái ở Chiềng Ly. Nếu sử dụng lá ngải cứu khô làm ruột gối, tinh dầu có trong lá sẽ giúp người nằm giảm đau đầu, thư thái.
Ý tưởng lạ, lại có tính khả thi cao, Dung và Hạnh táo bạo làm thử nghiệm sản phẩm trong một số hộ gia đình người Thái. Hạnh vốn là cô gái Thái khéo tay thêu khăn Piêu, may gối, dệt thổ cẩm nên khi triển khai họ không gặp nhiều khó khăn. "May mắn, các hộ gia đình đều tỏ ra thích thú và hưởng ứng, họ ủng hộ chúng tôi nhân rộng mô hình", Dung nói.
Gối ruột lá ngải cứu khô không bị mốc, sau 3-5 tháng có thể thay ruột mới với giá thành rẻ (30.000 đồng/ruột gối ngải cứu). Vì vậy hai bạn tự tin có thể cùng người dân phát triển nghề truyền thống kết hợp sử dụng cây ngải cứu.
Việc đạt giải thưởng cao nhất tại cuộc thi Ý tưởng kinh tế xanh 2011 là bất ngờ lớn đối với hai cô gái trẻ đến từ khoa Nông Lâm (ĐH Tây Bắc) này. Số tiền 500 triệu có được từ giải thưởng, Dung và Hạnh định bắt tay ngay vào triển khai mở rộng dự án từ đầu năm 2012.
Ông Nguyễn Duy Tưởng, trưởng ban tổ chức cuộc thi Ý tưởng kinh tế xanh 2011 đánh giá: "Phát triển dược liệu chống xói mòn có định hướng đột phá, hướng đến vùng sâu vùng xa, có giá trị phát huy bản sắc của địa phương khi sử dụng các dược liệu trong việc làm ra các sản phẩm thủ công truyền thống”.