Các chuyên gia quân sự nói Triều Tiên có đầy đủ điều kiện để trở thành một thế lực về hải quân trên thế giới. Là một đất nước bán đảo, cho dù như ai đó nói là con tôm bị kẹp giữa hai con cá voi là Nhật Bản và Trung Quốc, Triều Tiên (gồm cả Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên) có lịch sử hải quân lâu đời.
Tuy nhiên, việc chia tách hai miền Triều Tiên từ năm 1945 và mục tiêu thống nhất đất nước- như đã tuyên bố là có thể sử dụng vũ lực nếu cần thiết- đã khiến CHDCND Triều Tiên buộc phải xây dựng một quân đội quy mô lớn, và hải quân mang trọng trách về các nhiệm vụ đặc biệt, hoặc nhiệm vụ ngăn chặn.
Hải quân Triều Tiên (KPN) được cho là có khoảng 60.000 người, chưa bằng 1/20 tổng quân số của lục quân Triều Tiên (KPA).
Cùng với quy mô, ngân sách hạn hẹp của KPN khiến lực lượng này chỉ đóng vai trò hỗ trợ đối với KPA. Nhân lực của KPN thường phục vụ 5-10 năm, do vậy mặc dù họ không có những trang bị tốt nhất, họ thường rất thành thục công việc của mình.
Trong KPN, một số lượng đáng kể phục vụ trong đội tàu ngầm, và tuy KPN chỉ bằng 1/20 lục quân, đội tàu ngầm của Triều Tiên thuộc hàng lớn nhất thế giới. Năm 2011, nhà phân tích chuyên về Triều Tiên là Joseph Bermudez đánh giá rằng KPN đang vận hành 52-67 tàu ngầm diesel-điện. Số tàu ngầm này bao gồm bốn tàu lớp Whiskey do Liên Xô cung cấp. Và có tới 77 tàu ngầm lớp Romeo do Trung Quốc cung cấp. Bảy chiếc Romeo được chuyển giao hoàn chỉnh, số còn lại được lắp ráp tại Triều Tiên. Mỗi tàu Romeo có lượng choán nước 1830 tấn lúc lặn, tốc độ tối đa 24km/h, thủy thủ đoàn gồm 54 người.
Tàu Romeo được trang bị 8 ống phóng ngư lôi 533mm, trong đó hai ống được bố trí phía đuôi. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng có chuyến thăm và đi trên một tàu ngầm Romeo vào năm 2014.
Tuy vậy, các tàu ngầm Triều Tiên hầu hết là lạc hậu và đang dần bị loại biên. Năm 2015, Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng Triều Tiên có 70 tàu ngầm không rõ chủng loại đang hoạt động. Một báo cáo đa quốc gia về vụ đánh chìm tàu hộ tống Cheonan của Hải quân Hàn Quốc nói KPN đang vận hành 20 tàu lớp Romeo, 40 tàu ngầm ven biển Sang-O (cá mập) và 10 tàu ngầm mini lớp Yono.
Tàu ngầm lớp Sang-O class chuyên hoạt động ven biển dài khoảng 34m, rộng 4m, lượng choán nước 275 tấn. Nó có tốc độ 13km/h khi nổi và 16/km/h khi lặn. Có hai phiên bản, một trang bị ống phóng ngư lôi và ở phiên bản còn lại, ống phóng ngư lôi đã được thay thế bằng phòng cách ly để thợ lặn từ trong thoát ra ngoài hoạt động.
Theo chuyên gia Kyle Mizokami viết trên National Interest, loại thứ hai này được KPN duy trì, bảo dưỡng, nhưng do Cục Trinh sát hải quân vận hành, sử dụng. Một phiên bản cải tiến được biết đến với tên gọi Sang-O II, dài 40m, lượng choán nước khoảng 350-400 tấn, có tốc độ 24km/h. Phiên bản vũ trang được trang bị ngoài ngư lôi còn có thủy lôi, trong khi phiên bản phục vụ Cục Trinh sát hải quân có thể mang 35-40 người.
Các tàu ngầm mini Yono là thiết kế phái sinh từ một thiết kế của Iran. Tàu có lượng choán nước 130 tấn khi lặn hoàn toàn, với hai ống phóng ngư lôi 533mm và thủy thủ đoàn 20 người. Tàu này có thể chạy với tốc độ 20km/h khi nổi nhưng chỉ đạt 7km/h khi lặn.