Sinh viên vướng nạn lô đề: Giấc mơ 'bạch thủ'

TP - “Ước gì…ăn cả lô cả đề…” - Gần đến giờ kết quả xổ số trên TV, câu hát cải biên này lại vang lên với tất cả niềm hứng khởi, hồi hộp của các “chiến binh trên mặt trận lô đề”.

Hơn 4 giờ chiều, ông Q - chủ nhà trọ (ngõ 64 TK - HN) mới thủng thẳng mở cửa quán trà đá cạnh cổng ra vào.

Quán vừa mở đã đông kín chỗ, không đủ ghế ngồi. Khách chủ yếu là người thuê phòng ngay trong dãy nhà hai tầng của ông.

Khách không uống nước, chủ cũng chẳng cần pha trà. Một cuốn sổ nhàu nhĩ được chuyền tay nhau rất hào hứng. Tiếng tranh luận, phân tích, cãi cọ rộ lên sôi nổi...

“Thứ 5 tuần trước đổ con 23, hôm sau bệt đuôi 3, về luôn 73. Đấy, 7 chả bóng 2 là gì? Chiếu hàng dọc, tối nay nhất định về đuôi 8, kép 88 lâu không ra, kiểu gì cũng chết”.

Lô đề - một hình thức đánh bạc phổ biến (gần như công khai) từ thành phố cho đến nông thôn, miền núi.

Trong giới trẻ hiện nay, thú vui này như một chất kích thích gây nghiện có sức cám dỗ và lan truyền với tốc độ khủng khiếp.

Chưa có một con số thống kê chính thức, nhưng có lẽ tỷ lệ sinh viên vướng vào nạn lô đề sẽ khiến nhiều bậc phụ huynh có con đi học xa nhà phải giật mình.

Giữa tiếng ồn ào của đám khách, ông Q cũng bận luôn tay. Ghi tích kê, thu tiền, vào bảng... mọi thao tác đều chính xác và nhanh chóng.

Những miếng giấy 3x5 cm được tận dụng từ vỏ bao thuốc lá cho đến vở học sinh, ghi chi chít những kí hiệu mà dân trong làng chơi chỉ liếc qua là biết hôm nay xuống bảng bao nhiêu tiền, kết con nào.

Trước đây ông Q. làm nghề buôn bán phế liệu, từ khi xây được hơn hai chục phòng cho thuê, ông mở thêm quán nước ở cổng bán đồ lặt vặt. Nhìn ra lượng khách hàng tiềm năng, lập tức có người đến đề nghị hợp tác làm ăn, ông Q. thành thư ký đề, được hưởng 25 phần trăm hoa hồng trên tổng số tiền khách chơi lô đề.

Nguyên tắc của ông là “không chịu, miễn nợ”, cứ tiền tươi, thóc thật thì chơi. Chiều bắt đầu làm việc, 7 giờ kém 15 khóa lô, đúng 7 giờ khóa bảng đề và nộp bảng cho người đi thu bảng. Chỉ cần nộp bảng, tiền giữ lại mỗi tuần thanh toán một lần.

Đến giờ báo kết quả, phòng khách nhà ông ken đặc người. Khi màn hình TV hiện kết quả của giải đặc biệt, không khí vỡ òa ra với nhiều sắc thái ái, ố, hỷ, nộ. Kẻ trúng thì hú hét, nhảy nhót tưng bừng; kẻ trượt thì cay cú, ủ rũ như gà nhúng nước sôi...

Ông Q. ôm bọc tiền ngồi khoanh chân giữa nhà, soi tích kê cẩn thận rồi trao giải tại chỗ, ông có cách chia vui với người được, an ủi người thua rất ân cần: “Cờ bạc ăn nhau về lâu về dài. Được thì là trời cho, thua thì coi như trò chơi, vui là chính!”.

Giấc mơ bạch thủ

So kết quả - Ảnh: M.Tôn

Gần một tháng nay dân lô đề sinh viên vẫn chưa hết râm ran về sự kiện Hưng trúng bạch thủ con 82 (Đánh chỉ một con đề) được 63 triệu.

Hưng sinh năm 1982, đã tốt nghiệp ĐHSP 2, đi dạy học một thời gian, sau đó thi tiếp vào một trường đại học khác. Bề ngoài có vẻ chậm chạp, ít nói nhưng khi động đến đề tài lô đề, cậu có thể diễn thuyết hàng buổi với những viện dẫn từ sách vở đông tây kim cổ vào nghệ thuật tính số.

“Em phải sử dụng cả thuật toán xác suất thống kê mới mò ra con 82 đấy”. Đánh đề mới là cao thủ, lô chỉ dành cho những kẻ ít chịu tư duy, không biết cách tính”.

Đông (K13 Công trình - CĐGTVT) có thâm niên chơi lô đề gần 10 năm nay, cậu kể: “Hồi trước ở quê em cũng chơi rồi, nhưng không hoành tráng như trên này. Ở đây nhiều hình thức chơi đa dạng hơn, ngoài đề, lô, lô xiên còn có cả bao trượt nên rất dễ đánh.

Nếu quen, có uy tín với chủ có thể báo qua điện thoại, trúng thì đến lĩnh thưởng, trượt thì vài hôm sau mang đến trả cũng không vấn đề gì”.

Khi được hỏi có thường xuyên trúng không, Đông cười to: “Cũng có hôm trúng hôm xịt. Mà xịt nhiều hơn. Trúng to mời anh em đi ăn uống hát hò, trượt thì mai lại gỡ”.

Rồi cậu ta nhỏ giọng thì thào: “Nói thật, dạo này em đang vào cầu đen, hai tuần nay không ăn được quả nào. Em báo đến 25 triệu rồi, đang xoay tiền trả nợ đây. Không trả được chủ đề nó cho người đến làm thịt”.

Đông quê Ninh Bình, bố mẹ buôn bán nhỏ nên cũng có điều kiện cho con ăn học. Đỗ vào khoa CNTT – ĐHBK, năm thứ nhất, Đông được trang bị đầy đủ máy tính, xe máy, điện thoại xịn... nhưng chỉ đến đầu năm thứ hai, những vật dụng đó lần lượt ra tiệm cầm đồ nằm để phục vụ thú vui lô đề của cậu.

Nợ môn nhiều quá bị “tăng K” học cùng khóa sau. Cậu chán, bỏ trường ĐHBK thi sang CĐGTVT. Nhập học, Đông phải chuyển đến ở chung với ba người nữa để bớt tiền thuê nhà và đi nhờ xe máy của bạn cùng lớp.

Buổi sáng đi học, chiều về cậu lại nằm bò ra sàn nhà loay hoay tính toán, ngẫm nghĩ xem hôm nay nhìn thấy cái gì có dấu hiệu của những con số để căn cứ vào đó mà đánh.

Trong khi bạn bè học cùng sắp tốt nghiệp ra trường thì Đông lại bắt đầu làm tân sinh viên, nhưng dường như đó không phải là điều đáng để cậu lo nghĩ nhiều khi đầu óc lúc nào cũng chật ních những con số thần kỳ. 

-------------------------

Còn nữa